Mẹ chiến sĩ chữa cháy hi sinh khi đang dập lửa ở Sài Gòn: “Nó còn chưa kịp đặt tên cho con”
Ngồi cạnh quan tài con trai, nước mắt người mẹ lăn dài. Ngước nhìn sang chiếc bụng khệ nệ của đứa con dâu mắt cũng đang đỏ hoe, bà Én nghẹn ngào: “Tháng 10 này vợ nó sinh rồi. Nó còn chưa kịp đặt tên cho con, vậy mà…”.
Khuya 7-9, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại căn nhà hai tầng toạ lạc ở phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân). Chỉ trong ít phút, ngọn lửa bùng lên dữ dội, bao trùm căn nhà chứa nhiều quần áo, nhu yếu phẩm. Nhận được thông tin, gần 100 chiến sĩ PCCC được huy động đến hiện trường. Trong lúc chui vào bên trong dập lửa, tầng một căn nhà bất ngờ đổ sập, đè xuống người 3 chiến sĩ bên dưới. Khi được đưa ra ngoài, Thượng úy Phạm Phi Long (31 tuổi) đã tử vong, để lại cha mẹ già và người vợ gần đến kỳ sinh nở.
Một tháng nữa là “đủ nếp đủ tẻ”
Căn nhà nhỏ tại ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (TP.HCM) ngày 8-9 chìm trong lặng lẽ. Cơn mưa rỉ rả ban chiều khiến con đường đất dẫn vào nơi đây vô cùng lầy lội. Nơi ấy mới chỉ chưa đầy 24 giờ trước vẫn còn hồ hởi tiếng cười đùa của cậu nhóc 2 tuổi mới bi bô tập nói.
Cũng ngần ấy thời gian, thai phụ trẻ vẫn còn xoa xoa chiếc bụng tròn, mắt hướng ra đầu ngõ chờ chồng trở về sau ca trực, đợi khoe với chồng, hôm nay con đạp mạnh cỡ nào. Vậy mà chỉ trong ít phút đồng hồ khi bi kịch xảy ra, niềm vui đã thay bằng nỗi đau uất nghẹn.
Người phụ nữ ấy tên Nguyễn Thị Hồng Phượng, là vợ của thượng úy Phạm Phi Long – hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ dập tắt một đám cháy lớn xảy ra vào khuya 7-9. Ba năm lấy nhau, hai người đã có một cậu con trai 2 tuổi kháu khỉnh. Và cái bụng bầu mà chị mang cũng đã 8 tháng, chờ ngày hạnh phúc nhân đôi.
“Tháng 10 này vợ nó sinh rồi. Hồi mới siêu âm biết là con gái, thằng Long nó mừng lắm. Chỉ một tháng nữa thôi là nhà “đủ nếp đủ tẻ” rồi. Nó cứ phân vân mãi chưa biết đặt tên con là gì. Giờ chết rồi, nó còn chưa kịp đặt tên cho con” – giọng bà Én, mẹ anh Long rối bời khiến câu nói trong thời khắc tang thương cũng trở nên lủng củng.
Chưa kịp định thần, tiếng trẻ con từ đâu vọng lại: “Ba, Ba…”. Bà Én nhìn về hướng bé Ben, đứa cháu nội đầu lòng mới vừa 2 tuổi. “Ba” là thanh âm đầu tiên mà đứa bé phát ra khi vừa tập nói. Thằng nhóc cứ thế í ới bên cái thi thể chuẩn bị được đưa vào quan tài, bên cạnh có một chiếc nón lính cứu hỏa. Chứng kiến cảnh ấy, ai đang có mặt tại đám tang cũng không khỏi chạnh lòng.
Rồi bất ngờ, khi chiếc nắp quan tài đóng lại, thằng bé ngây ngô bỗng giãy đành đạch, khóc lớn, tỏ vẻ không đồng ý. Chị Phượng nhìn con, bao nhiêu cảm xúc gắng gượng kìm nén không còn giữ được nữa, nước mắt tuôn trào. Kéo con trai bé bỏng lại, chị ôm con để chứng kiến khoảnh khắc chồng và mình dần cách ngăn bởi lớp gỗ lạnh. Sau giây phút ấy, chị biết rồi đây con sẽ lớn lên mà không bao giờ nhìn thấy mặt cha.
“Hôm qua, thằng Long đi làm nhưng vẫn gọi về nhà cho vợ con nó. Nó bận nhưng hôm nào sau ca trực cũng về nhà đúng giờ. Nó rất thương vợ con” – bà Én nói như còn chưa tin điều dữ đã xảy ra với con.
Hi sinh trong tích tắc
Bà Én cho biết, anh Long là con cả, ngoài ra còn có hai người em nữa. Nhà nghèo, bà nuôi mấy anh em ăn học bằng nghề bán rau. Biết anh Long con trai bà là chiến sĩ chữa cháy, nhiều người rất thương, thường xuyên mua rau ủng hộ nên cũng có đầu ra đầu vào. Nay nghe tin dữ, hàng xóm láng giềng và nhiều người ở xa cũng kéo đến rất đông dù con đường vào nhà rất khó đi, nát nhàu bởi bùn đất.
Trong số những người đến tiễn đưa anh Long lần cuối, không thể thiếu những đồng nghiệp cùng anh Long vào sinh ra tử. Họ, không nhớ đã bao nhiêu lần đứng trước ngưỡng cửa tử thần, quật ngã ngọn lửa hung bạo. Vì thế mà trong thời khắc chứng kiến đồng đội nằm xuống, phụ gia đình anh Long xếp bàn ghế, chuẩn bị áo quan, rất nhiều người không cầm được nước mắt.
Chứng kiến cảnh đồng đội mình trút hơi thở sau cùng, một chiến sĩ PCCC có mặt tại hiện trường giọng nghèn ngẹn kể lại, lú đó đã là nửa đêm thì các anh nhận được tin cháy. Đến hiện trường, mùi khét lẹt nồng nặc của khói bốc lên nghi ngút. Sau khi khoanh vùng đám cháy, họ thở phào khi chắc chắn không có người mắc kẹt bên trong.
“Khi phá cửa căn nhà để dập lửa, quần áo táp lửa nên cháy lên ngùn ngụt. Rồi trong tích tắc, lầu 1 căn nhà đổ sập…” – lời người ở lại mặn đắng.
Rời đám tang của Thượng úy Long khi tiếng kèn trống vẫn còn âm vang, chúng tôi thấy từng tốp chiến sĩ công an vẫn liên tục đi vào viếng anh. Màu áo xanh hòa lẫn trong màu đục nước mưa ướt nhòa khiến không khí đã tĩnh lặng lại càng trở nên quạnh quẽ.
Anh Long đã nằm xuống, nhưng tinh thần của người lính cứu hỏa không khuất phục trước ngọn lửa đỏ vẫn còn mãi. Rồi đây, vợ anh sẽ sinh nở mà không có người đàn ông đời mình bên cạnh. Nhưng chị có thể tự hào, bởi chồng chị đã hi sinh để bảo vệ giấc ngủ yên bình cho nhân dân. Vĩnh biệt anh, Thượng úy Phạm Phi Long.
Theo Tri thức trẻ
"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."