Người người đi lễ trong mùa Phật Đản, riêng em theo mẹ bán hàng rong trước cổng chùa

Trong khi các bạn đồng trang lứa được xúng xính áo quần vui chơi mùa Phật đản cùng cha mẹ, những đứa trẻ ngây thơ ấy phải nai lưng với cuộc sống cơm áo gạo tiền khi mới tí tuổi đầu.

Tháng tư âm lịch là mùa Phật Đản. Trên khắp các chùa, tu viện của TP.HCM, dòng người đổ xô đi lễ, cúng dường, cầu an cho gia đình đông như trẩy hội. Trong số này, không ít các bậc cha mẹ dẫn theo đứa con bé bỏng của mình đến chùa để vui chơi, nghe kinh kệ, thưởng thức các món ăn chay ngon lành. Với những em lớn hơn, chỗ của chúng cũng là ở trường học với áo quần sạch sẽ tinh tươm, cặp táp sáng chói, nhà cửa đầy đủ tiện nghi.

Toàn cảnh mưu sinh trước cổng chùa Phước Hải.

Trong những ngày lễ lớn nhất của nhà Phật, không khó để bắt gặp trước cổng chùa những bóng dáng trẻ con thơ ngây lay lắt, ánh mắt phờ phạc mỏi mệt với gánh nặng cơm áo gạo tiền giống như cha mẹ của chúng. Mỗi khi có khách thập phương ghé ngang, đứa nhỏ giương ánh mắt buồn dõi theo, đứa lớn hơn thì chạy theo, ngước mắt van nài: Cô chú ơi, mua giùm con bó nhang, cô chú ơi mua vé số, cô chú ơi mua chai nước uống đỡ khát… Giữa cái nắng gay gắt của tháng 5 Sài Gòn, sau mỗi tiếng rao, cổ họng các em dường như khô khốc lại.

Anh lớn ẵm em nhỏ xin ăn tại chùa Phổ Quang (quận Tân Bình).

Tôi tạt qua chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) và chợt khựng lại khi bắt gặp một bé trai nhỏ xíu đang ôm bình sữa bú ngon lành trước cổng chùa. Cạnh em là một người phụ nữ đen đúa, hốc hác, ôm trong người vài bó nhang. Không ai khác, đó là người mẹ. Cô cho biết, bé mới được hai tuổi rưỡi. Tôi bất giác hỏi: “Hai tuổi rưỡi sao đã đem ra trước cổng chùa, nắng nôi ngộp thở như vậy”; và người mẹ bình thản đáp, như thể đó là việc nghiễm nhiên: “Để nó ở nhà thì lấy ai coi”.

Bé Nị (2,5 tuổi) theo mẹ đi bán nhang ngay từ lúc còn đỏ hỏn.
Mẹ ngồi bán, em vô tư uống nước.

Chưa kịp thở dài, ngó qua bên trái cổng, tôi lại thấy một cô bé lớn hơn ngồi sau một thùng xốp nhang. Ánh mắt em nhìn xa xăm, lấm lem một nỗi buồn khi cả buổi sáng mà chiếc thùng vẫn còn đầy ắp. Tôi buột miệng hỏi em, sáng giờ bán được mấy bó rồi. Bà lão ngồi bên cạnh đột nhiên gắt gỏng: “Tụi tui khổ cực, đường cùng mới phải kiếm tiền kiểu này. Cháu tui nó còn nhỏ lắm, đang tuổi ăn tuổi học mà phải tranh thủ đi bán nhang phụ tôi kiếm sống. Cậu điều tra gì mà dữ vậy…”.

Hai cô bé này tranh thủ chạy lòng vòng chơi vì nhang bán quá ế.
Gương mặt thẩn thờ của cô bé vì ngày Phật Đản năm nay quá ít người mua nhang.

Tôi biết sau giây phút ấy, tự tôi đã xây một bức tường rất dày ngăn cách mình với những con người khổ cực ấy. Cô bé nhìn tôi tỏ vẻ ái ngại, không dám mời nhang như những khách thông thường. Bên cạnh bé, những xấp vé số của bà ngoại chốc chốc lại bị gió từ những bước chân bước dồn dập hất lên, lảo đảo như cuộc đời của người đang bán chúng.

Bé Nguyễn Thị Ngọc Huyền (phải) bị bại não, theo mẹ đi bán nhang trước đường vào chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn) trong ngày Phật Đản.

Nhìn những đứa trẻ chạy chơi, mời mọc khách hàng mua dăm món đồ dâng cúng trước cổng chùa, xót xa là vậy, nhưng ít ra còn dễ thương. Bởi mẹ vất vả mưu sinh, các em cũng phải bươn chải. Nét hồn nhiên nhạt phai theo những ngày kiếm sống. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Trẻ phụ giúp cha mẹ đã đành, không ít trường hợp trẻ lại trở thành công cụ kiếm tiền của người lớn.

Khi qua chùa Phước Hải (quận 1), tôi thấy có những đứa trẻ còn đỏ hỏn, nằm ngủ mê man trên tay của người lớn, mà tôi không biết, đó có thực sự là mẹ, là bà của chúng không? Chúng có biết đâu, nhờ những giấc ngủ vật vờ trên đường phố, người ẵm chúng sẽ thu được bộn tiền từ sự xót thương của bá tánh. Không biết sau một ngày lao động vất vả, rồi chúng có được “trả công” bằng những hớp sữa, chén cơm ngon lành không, để ngày mai, chúng lại tiếp tục lăn lộn, bươn chải ngoài đời…

Người đàn bà ẵm theo đứa nhỏ cùng xấp vé số trước cổng chùa Ngọc Hoàng (quận 1) chờ đợi khách vãng lai ủng hộ.

Và còn rất rất nhiều cảnh ấy ở khắp các cổng chùa xuất hiện vào những hôm nay, cái ngày mà người ta đi chùa để cầu con cái, cầu ấm no, cầu sung túc. Những đứa trẻ bé bỏng bất hạnh ấy, chúng cầu nguyện điều chi?

Quốc, người khiếm thị chọn mưu sinh bằng nghề bán vé số. Những ngày Phật đản, em ngồi bán tại chùa Hoằng Pháp vì Phật tử đi lễ rất đông.

Vẫn biết cuộc sống bộn bề khó khăn, chẳng phải ai cũng có cuộc sống an nhàn, và những đứa trẻ kia cùng người lớn đang cố gắng kiếm chút đỉnh cho bữa cơm nhà thêm ấm. Nhưng, dù là bán từng tờ vé số, từng bó nhang thơm để kiếm từng đồng bạc cắc hay rã tay, mỏi miệng xin tiền khách thập phương, những công việc ấy không phải dành cho con trẻ. Ấy vậy mà giữa Sài Gòn hoa lệ, nhất là trong những ngày lễ đông khách lại qua như thế này, cảnh tượng xót xa kia vẫn cứ diễn ra, đều đặn ngày này qua ngày khác. Mong cho cuộc sống của các em sẽ được bình an, như những lời khấn vang vang trong chùa mỗi sáng tối…

Nguồn:Tri thức trẻ

"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."