Xót xa hành trình ôm con chạy trốn bi kịch hơn phim của cô gái lỡ ký “hợp đồng” đẻ mướn với đại gia

Để có tiền trả nợ cho bạn trai, Chi chấp nhận đẻ mướn cho gia đình đại gia với mức thù lao 60 triệu đồng. Thế nhưng, khi đứa trẻ chào đời, người mẹ trẻ lại không đành lòng bỏ rơi con nên ôm con bỏ trốn, chấp nhận sống cảnh bần hàn…

Hai th.á.n.g làm “vợ” đại gia

Đứa trẻ xinh xắn tên Hoàng An Nhiên (6 tuổi), đang chuẩn bị vào lớp 1 sau mùa hè này. Nhiên mang họ mẹ, người phụ nữ không chồng, nghèo khổ. Mẹ Nhiên là Hoàng Thị Lan Chi mới xấp xỉ 29 tuổi, người hơi gầy, giọng nói nhẹ như gió thoảng, như muốn giấu vào tận sâu đáy tâm hồn mình mọi nỗi niềm. Căn nhà nhỏ xíu nằm gọn lỏn trong con hẻm của Khu công nghiệp Hòa Cầm (Đà Nẵng) là nơi hai mẹ con tá túc.

Căn nhà nhỏ cũng gọi là tạm ổn với hai mẹ con, ít ra là có chỗ để cả hai chui ra chui vào. Ngày mới đến, chỉ thấy hai mẹ con, mọi người tò mò đặt câu hỏi về bố của đứa trẻ. Chi chỉ cười trừ. Nỗi niềm của Chi không mấy người thấu hiểu.
Chi quê tận Kon Tum. Nhà Chi đông anh em lắm. Cuộc sống xứ núi vốn khó khăn, Chi phải nghỉ học từ năm lớp 10 để cha mẹ có tiền nuôi bốn đứa em. Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào 2 sào đất trồng củ mỳ, củ sắn.

17 tuổi, Chi vào Bình Dương làm công nhân may. Lương được đúng 3 triệu đồng/th.á.n.g. Chi tằn tiện, chi li tính toán, tiết kiệm hết mức nhưng mỗi th.á.n.g chỉ gửi về cho cha mẹ được 1 triệu đồng. Chi nghĩ, chí ít đi làm ở miền Nam cũng phải có tiền để gửi về, dẫu người ở nhà chẳng biết Chi làm gì trong đó, cực nhọc ra sao, kham khổ thế nào. Họ chỉ cần biết, đi làm ở miền Nam là phải có tiền.

Đứa con đẻ mướn với đại gia ngày nào giờ thành nguồn sống duy nhất của chị.

Chi làm được hơn 2 năm, tá túc trong xóm trọ nhỏ hẹp của Khu công nghiệp Sóng Thần. Cái xứ công nhân nghìn nghịt người tan ca mỗi chiều như thế, tìm mỏi mắt mới thấy một bóng đàn ông. Chi lao vào cuộc yêu với một công nhân giày da cùng quê.

Hai người dọn về sống với nhau, cơm canh chung nhưng tiền bạc lại chẳng chung. Sau mấy lần thua độ chơi cược bóng đá, chồng hờ của Chi lặng lẽ bỏ trốn với số nợ gần 30 triệu đồng. Chi nai lưng đi làm kiếm tiền trả nợ để tránh bị xã hội đen tìm đến mỗi ngày. Ác nghiệt thay, nợ gốc và nợ lãi nhiều hơn số lương hàng th.á.n.g của Chi.

Một điều cay đắng nữa là, trước khi bỏ trốn, gã chồng hờ không hề biết tới cái thai trong bụng Chi. Chi lặng lẽ tìm đến phòng khám phụ khoa để giải quyết. Người nhà Chi tuyệt nhiên không biết mấy chuyện này. Chi sợ cha mẹ giận, sợ hàng xóm bàn tán xì xầm. Chi sợ đủ thứ nên không dám hé răng nửa lời về oan trái mình phải trải qua.

Chi cật lực làm việc, nhưng số nợ ngày một nhiều, lên đến con số gần 50 triệu đồng. Chi không còn cách nào bấu víu để trả nợ. Trong cơn bĩ cực ấy, có người giới thiệu Chi cho một cặp vợ chồng nhiều tiền nhưng hiếm muộn. Họ muốn Chi sinh cho họ một đứa con để vui cửa vui nhà lúc tuổi già.

Chi suy nghĩ mông lung, đã từng một lần suýt làm mẹ, cô hiểu thế nào là niềm vui và cả nỗi đau. Chi đã định không nhận lời, nhưng món nợ như dòng nước đã lên đến đỉnh đầu khiến Chi chới với. Chi dọn về nhà cặp vợ chồng kia để làm người đẻ mướn.

Gần 2 th.á.n.g trời được làm “vợ” của đại gia, Chi khóc nhiều, cười nhiều, vui buồn lẫn lộn. Rồi Chi mang thai. Người vợ mắc bệnh vô sinh đành nhắm mắt làm ngơ để chồng q.u.a.n h.ệ với Chi cho đến khi mang bầu. Chi được nâng niu như bà hoàng, cần gì, thích gì, yêu cầu gì là đều được đáp ứng. Họ không đáp ứng cho Chi. Họ đáp ứng cho mầm sống trong người Chi, mà sau này sẽ là con của họ. Chi hiểu rõ điều đó.

Hơn 9 th.á.n.g mang nặng đẻ đau, Chi sinh ra một đứa con trai. Niềm hạnh phúc vô bờ của người lần đầu tiên làm mẹ khiến Chi quên hết mọi đau đớn. Số tiền họ trả cho Chi là 60 triệu đồng, vừa đủ để Chi trả nợ. Chi cũng chẳng mong gì hơn thế. Sống trong cái khổ cái nghèo, Chi đã quen rồi. Nhưng, mỗi đêm trong bệnh viện, nhìn đứa con kháu khỉnh vừa mới ra đời, Chi lại khóc.

Nhiều người không hiểu chuyện tưởng Chi đau. Nhưng không, Chi khóc vì việc làm của mình. Chỉ mấy ngày nữa thôi khi Chi ra viện, vợ chồng kia sẽ nhận con, Chi sẽ tiếp tục làm công nhân, tiếp tục cày ngày cày đêm và lặng lẽ sống một cuộc sống không có gì thay đổi.

Còn đứa con, Chi không biết nó sẽ sống ra sao, không biết liệu tình cảm của đôi vợ chồng kia có đủ lớn để yêu thương nó như người đã dứt ruột đẻ ra nó hay không. Chi sợ, lại càng sợ hơn khi nghe nhiều người kể chuyện con nuôi bị hành hạ. Rồi sau này, nếu biết được sự thật thì đứa con ấy sẽ nghĩ gì, sẽ làm gì?

Tiếng gọi của tình mẫu tử

Đôi vợ chồng ấy đến nhận con, Chi kiếm đủ mọi cớ để giữ con lại bên mình lâu nhất có thể. Chi bảo con còn nhỏ, cần sữa mẹ, uống sữa ngoài nhiều làm sao tốt bằng sữa tự nhiên. Chi kiếm cớ để thực hiện một kế hoạch khác.

Một buổi chiều, khi cặp vợ chồng kia đi làm không có nhà, Chi lặng lẽ ôm con ra bến xe sau khi để lại một lá thư trình bày rõ sự tình. Chi ôm con bắt xe về Quảng Nam, nơi có người bạn công nhân trước ở cùng phòng với Chi. Chi ra đó, hy vọng được tá túc ít ngày, rồi sẽ kiếm việc làm, sẽ nuôi con. Chi sợ bị mất đứa con của mình.

Một lần Chi đã dại dột bỏ đi mầm sống trong người, lần này Chi không thể làm điều gì sai trái nữa. Chi chỉ cần nghĩ thế thôi, để hành động, để lấy đó làm quyết tâm, để mà mơ tới tương lai.

Người bạn công nhân ngày trước thương Chi, cho Chi tá túc, chăm Chi như người chị người em. “Chắc cùng phận đàn bà, mới hiểu được cái khổ của nhau”, Chi giàn giụa nước mắt bảo thế. Hơn 1 năm đi ở nhờ, đứa trẻ như biết hoàn cảnh của mình chẳng bệnh tật gì, cứ lớn lên như cỏ dại hoa đồng. Hai mẹ con cứ tíu tít bên nhau. Nhưng không thể nhờ mãi người bạn tốt bụng, Chi lần mò ra Đà Nẵng tìm việc làm.

Đứa trẻ đã gần 6 tuổi, gầy và đen nhưng rất ngoan. Chi hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình. Ngày ra Đà Nẵng tìm việc, Chi đưa cả con theo. Đứa trẻ lúc ấy mới hơn 1 tuổi. Chi đi rửa bát thuê, bán hàng thuê, làm lao công, Chi chẳng nề hà, làm đủ thứ việc để có tiền nuôi con.

Chi không dám liên lạc về với gia đình vì sợ mọi chuyện vỡ lở, nhất là sợ đôi vợ chồng kia tìm được hai mẹ con. Như thế Chi sẽ mất con. Chi bảo có chết cũng không để mất con, cực nhọc, vất vả, khốn khó đến mấy cũng không để mất con. Và Chi làm điều đó đã được 6 năm trời.

Không được học hành, không có nghề nghiệp ổn định, Chi chỉ đi làm thuê. Làm thuê thì thời vụ, lúc được lúc không rất bấp bênh. Chi bảo bản thân mình thì sao cũng được, chỉ lo cho con. Chi xin vào làm công nhân may tại một xí nghiệp thuộc Khu công nghiệp Hòa Cầm, gửi con tại một nhà trẻ gần nơi làm việc để tiện chạy qua chạy lại xem con thế nào.

Chiều chiều tan ca, Chi đón con về rồi hai mẹ con lại tíu tít bên nhau. Chi được một người cho ở nhờ, phía sau nhà có mảnh đất, Chi trồng rau, tăng gia thêm để có tiền nuôi con. Ngày ngày, đứa trẻ lẽo đẽo theo mẹ đi chợ, nấu cơm, phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của Chi.

Nhiều người bảo Chi lấy chồng đi, dẫu sao có người đàn ông bên cạnh vẫn đỡ cực nhọc hơn. Chi cũng biết điều ấy. Nhưng ai có đủ bao dung, đủ rộng lượng để chấp nhận chuyện Chi đang có con, mà chưa có chồng. Chi bảo Chi vẫn mở lòng, để tìm người ấy, nhưng chắc chắn khó lắm.

“Khó, nhưng không hẳn là không có”, Chi vẫn mong manh nghĩ thế, đủ để lấy niềm tin cho mình. Chi chấp nhận hết những khó khăn mình đã vượt qua, không oán trách, không ca thán, không hận thù. Chi cười khi nghĩ về những gì đã trải qua. Cuộc đời Chi vốn lận đận, nhưng Chi luôn cười hiền hòa và thanh thản như thế.

* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi

Theo EVA

"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."