Ước vọng sau cùng của người mẹ mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối một mình nuôi ba con thơ dại

Ngày chị nhận hung tin mắc căn bệnh ung thư cổ tử cung cũng là lúc người đầu ấp tay gối dứt áo ra đi. Mặc bản án “tử thần” đổ ập lên đầu, người mẹ vẫn gắng gượng bấu víu cuộc đời, bởi bên cạnh chị vẫn còn 3 đứa con thơ dại đang tuổi ăn, tuổi lớn…

Từ Sài Gòn, tôi chạy đến số 8/8C, đường Hoàng Minh Chánh, xã Hoá An, thành phố Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai) để tìm căn trọ mà ba mẹ con chị Nguyễn Thị Cẩm Tú (27 tuổi, quê TP.HCM) đang cầm cự. Đến nơi, hàng xóm gần nhà cho hay, chị Tú được một người tốt bụng đưa vào bệnh viện đa khoa Đồng Nai ba hôm, vì cả tuần nay bệnh tình trở nặng, huyết ra rất nhiều.

Người mẹ Nguyễn Thị Cẩm Tú.

Vợ bạo bệnh, chồng dứt tình ra đi

Căn phòng số 48, khoa Ung bướu, bệnh viện đa khoa Đồng Nai chỉ có hai giường. Ở góc gần cửa sổ là chỗ của một người đàn ông lớn tuổi, cổ nổi một khối bướu lớn, đã vỡ ra. Còn phía đối diện, chị Nguyễn Thị Cẩm Tú nằm rúc vào chiếc chăn mỏng. Chốc chốc, chị cất lên tiếng rên nhẹ, chân tay co quắp lại, nét mặt đau đớn tột cùng. Thấy khách lạ, chị gắng gượng kéo chiếc chăn quấn chặt người. Căn bệnh ung thư cổ tử cung tước đoạt của người mẹ có ba con cái quyền được che đậy nơi thiêng liêng nhất của người phụ nữ.

3424
Chị Tú hiện đang nằm tại bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Mãi một lúc rất lâu, chị Tú mới đỡ đau. Tôi ngạc nhiên khi biết rằng với thể trạng như vậy nhưng mấy ngày nay, mọi chuyện sinh hoạt từ ăn uống, tắm rửa trong bệnh viện, chị đều tự thân lo liệu. Cũng phải, ngoài ba đứa con quá bé bỏng, giờ đây trên cõi đời này, chị có còn biết dựa vào ai…

19 tuổi, chị Tú kết hôn với một người đàn ông hành nghề sửa xe. Cuộc sống gia đình tưởng đã viên mãn khi hai cậu bé Nguyễn Thế Kha (8 tuổi) và Nguyễn Quốc Thắng (7 tuổi) ra đời năm một thì vợ chồng lại xảy ra mâu thuẫn. Những cuộc cãi nhau cứ thế kéo dài, và chia tay là điều tất yếu phải đến.

Một năm trước, chị phát hiện mình bị ung thư cổ tử cung.

Sau khi gia đình đổ vỡ, chị Tú một nách hai con, sinh sống bằng nghề cắt dũa móng tay. Cái khoảng trống của một người mẹ đơn thân nhanh chóng được lấp đầy bởi một người đàn ông khác. Nhưng dọn về nhà người thứ hai chưa được bao lâu, chị tiếp tục gánh nỗi đắng cay của cảnh “mẹ chồng nàng dâu”.

Căn bệnh quái ác giờ đây đã ở thời kỳ di căn.

Dù đã sinh được một cậu con trai kháu khỉnh (tên Nguyễn Gia Tuấn, 4 tuổi), người phụ nữ vẫn không được gia đình chồng đón nhận bởi “đã qua một lần đò”. Một lần cãi nhau với chồng sau, bị chồng gọi là “đồ ăn bám”, chị Tú chán nản, dắt díu ba con từ TP.HCM xuống Biên Hoà xin làm công nhân sống qua ngày.

Khoảng thời gian này, người đàn ông thứ hai vẫn tới lui tìm chị hàng tháng. Nhưng thay vì chăm lo cho hai mẹ con, anh chỉ xem chị như người thắp lửa lòng tạm bợ vài bữa rồi vội vàng đi ngay bởi không chịu nổi cảnh sống cực hình nơi phòng trọ ẩm thấp.

Những ngày ở bệnh viện, chị Tú phải tự lo mọi sinh hoạt của mình, vì bên cạnh không có người thân.

Cho đến một ngày tháng 7 của năm 2016, trong lúc làm việc, chị Tú bất ngờ đau bụng dữ dội, xuất huyết ồ ạt. Nhận kết quả khám bệnh từ bác sĩ chẩn đoán mình bị ung thư cổ tử cung, cả thế giới như đổ sụp xuống đầu người mẹ trẻ.

Sau khi sinh con trai út ít lâu, chị dẫn các con xuống Đồng Nai sinh sống. (Ảnh: NVCC)

Thay vì đồng cam cộng khổ với vợ, khi biết bệnh của chị, người chồng dửng dưng. Chẳng những vậy, anh còn tìm cách “đào mỏ” những lần chị được bạn bè trong công ty ủng hộ tiền chữa bệnh. Vừa phải nuôi con, vừa tự mình chữa trị ưng thư khiến căn bệnh diễn tiến với tốc độ cực nhanh.

Cho đến một ngày, khi chị Tú thông báo hung tin khối u cổ tử cung của mình đã chuyển sang giai đoạn cuối, cũng là lúc người chồng chính thức biệt tăm.

Người mẹ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối một mình nuôi ba con thơ dại.

Mong khoẻ lại để chăm ba đứa con thơ

Sức khoẻ suy kiệt, người mẹ xin nghỉ làm công ty, dẫn ba con đi bán vé số. Những ngày gần đây, người dân tại khu vực chợ Hoá An lại thấy một cảnh tượng đau lòng. Ba đứa trẻ đẩy mẹ trên chiếc xe lăn, thay phiên nhau cầm vé số mời mọi người hai bên đường mua. Giờ đây, chính chị Tú mới là người phải dựa hẳn vào các con thơ dại.

Cơn bạo bệnh khiến người mẹ đi đứng không vụng, phải ngồi xe lăn.
Những đứa trẻ mới tí tuổi đầu đã phải theo mẹ mưu sinh. (Ảnh: NVCC)

Hơn một tuần nay, sức khoẻ người mẹ xuống cấp trầm trọng, phải nghỉ hẳn ở nhà vì không còn sức ngồi xe lăn nữa. Cảm thương hoàn cảnh trên, những người hàng xóm xung quanh cùng chung tay đến giúp đỡ mấy mẹ con chuyện ăn uống. Trước khi có họ, ba đứa trẻ cũng tự biết nấu cơm, chăm sóc mẹ. Cuộc đời đã khiến chúng lớn hơn số tuổi của mình rất nhiều.

Nhiều người xót thương hoàn cảnh của ba con trai đẩy mẹ bạo bệnh đi bán vé số.(Ảnh: NVCC)

Chị Nguyễn Thị Hồng Thanh (25 tuổi), người giúp đỡ mẹ con chị Tú những ngày qua chia sẻ: “Tôi vô tình phát hiện bốn mẹ con chị bán vé số khi đang phụ gia đình bán trái cây. Tìm đến tận nơi và nghe chị kể về hoàn cảnh mà ngậm ngùi. Mấy ngày trước, chị có nói với tôi, rằng khi nào chị khỏe thì chở chị lên Sài Gòn làm giấy tờ vào lớp một cho bé Thắng. Lẽ ra hè năm ngoái chị đã phải cho con đi học, nhưng vì bệnh tật mà đành bỏ dở…”.

Chị Tú những ngày sức yếu, không thể ngồi xe lăn để đi bán cùng các con.

Trong lần nhập viện mới nhất, các BS cho biết, căn bệnh của chị Tú đã rất nặng, khối u bắt đầu hoại tử, phải truyền máu liên tục mới mong cầm cự qua ngày. Nói cách khác, bệnh gần như đã không còn khả năng cứu chữa.

Câu chuyện của tôi với người mẹ trẻ cứ đứt quãng, nhường chỗ cho những cơn đau biểu hiện rõ mồn một trên nét mặt xanh xao và khoé miệng đen bầm của nữ bệnh nhân Nguyễn Thị Cẩm Tú. Chỉ có duy nhất một câu người phụ nữ nói rõ ràng, mà có lẽ không cần trích lại nguyên văn thì ai cũng đoán ra được:

“Tôi mong mau khoẻ lại để chăm sóc cho ba đứa con thơ…”.

Người mẹ đau đớn với căn bệnh ung thư đã ở vào giai đoạn cuối.

Những ngày nằm viện này, hai đứa con đầu chị gửi cho một cô giáo gần nhà. Đứa con út được chị Hồng Thanh tạm đưa về chăm sóc. Số phận của chúng rồi sẽ ra sao lỡ chẳng may chuyện xấu nhất đến với chị Tú? Tôi không biết. Chỉ biết giờ đây, mẹ chúng đang phải oằn mình chống chọi với những cơn đau cào xé thân tâm.

Đó là nỗi đau thể xác bị giày xéo vì bạo bệnh; là nỗi đau của một người mẹ sắp sửa bỏ con thơ trơ trọi trên cõi đời.

Tôi cũng không mường tượng được, nỗi đau nào lớn hơn…

Nguồn:Tri thức trẻ

"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."