Ham rẻ mua quần áo hàng “chợ” trăm 3 trăm 7 của Trung Quốc, ôm bệnh ung thư hối hận cả đời

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại quần áo giả danh hàng Việt nhưng thực chất là hàng Trung Quốc để dễ dàng tiêu thụ và tránh sự nghi ngờ của người dùng. Điều đáng nói ở đây là những loại quần áo với giá rẻ này lại chứa hóa chất gây ung thư vô cùng gây hại cho người dùng.

Theo báo Người Lao Động đưa tin:

Mới đây, Tân Hoa Xã đưa tin nhà chức trách Thượng Hải – Trung Quốc (TQ) đã phát hiện chất amine thơm có thể gây ung thư trong một lô đồng phục học sinh của công ty Âu Hà Thượng Hải (Shaghai Ouxia). Cơ quan chức năng đã đình chỉ hoạt động công ty này để điều tra và yêu cầu học sinh ở 21 trường tiểu học, trung học địa phương tạm ngưng mặc đồng phục do công ty Âu Hà Thượng Hải cung cấp. Thông tin này dấy lên lo ngại về chất lượng, độ an toàn của quần áo, vải sợi TQ vốn đang tràn ngập thị trường TP.HCM.

Ngập chợ, siêu thị

Tại các chợ chuyên bán vải ở TP.HCM như Tân Bình (quận Tân Bình), Soái Kình Lâm và thương xá Đồng Khánh (quận 5), lượng vải nhập khẩu lấn át hàng nội địa cả về số lượng lẫn mẫu mã. Người bán hàng của sạp H.Đ tại chợ Tân Bình cho biết hầu hết các loại vải thun, voan, cotton đều là hàng nhập từ Hàn Quốc, TQ. Các loại vải để may rèm, màn cũng chủ yếu là hàng TQ, Đài Loan. Tại thương xá Đồng Khánh, các loại thun trơn, thun bông đều được giới thiệu là hàng nhập. Hỏi hàng Việt Nam, các chủ sạp giới thiệu vài loại giá khá rẻ với màu sắc đơn điệu, mỏng và dễ bị nhàu.

Với nguyên phụ liệu may mặc, hàng nhập khẩu cũng chiếm số lượng lớn. Có rất ít sản phẩm do Việt Nam sản xuất như chỉ, nút bấm, nút nhựa. Các loại nút vải, họa tiết trang trí bán với giá khá cao được giới thiệu nhập từ Đài Loan, TQ. Ngay cả các nút cườm cao cấp để đính lên quần áo cũng được nhập toàn bộ – chủ quầy Bác Thăng trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5) cho biết.

Ảnh:Internet

Theo nhiều công ty may, nguyên liệu may mặc (chủ yếu là vải) phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu không phải là chuyện mới mà đã tồn tại nhiều năm nay. Ngành may mặc trong nước phải nhập ít nhất 70% nguyên liệu từ nước ngoài, nhiều nhất là TQ. Giám đốc một công ty may mặc khá lớn tại TP.HCM cho biết công ty anh thường mua vải từ các công ty thương mại chuyên cung cấp vải và nguyên phụ liệu, thỉnh thoảng mua vải tại các chợ sỉ và hầu hết là hàng nhập từ TQ. “Trước giờ, cả bên bán lẫn bên mua chỉ quan tâm đến chất liệu vải, giá cả, độ bền chứ không để ý đến yếu tố an toàn hay độc hại và cũng chưa nghe cơ quan chức năng nào khuyến cáo về độ an toàn đối với mặt hàng này” – anh cho hay.

Đội lốt hàng Việt Nam

Đối với quần áo, chưa có thống kê nào về lượng hàng TQ đổ về Việt Nam, đặc biệt ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM nhưng hiện đâu đâu cũng có. Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) thường xuyên bắt các vụ vận chuyển, kinh doanh quần áo, vải sợi không rõ nguồn gốc. Trong năm 2012, QLTT TP.HCM đã tạm giữ và xử lý 107 tấn vải, 20,24 tấn quần áo nghi nhập lậu từ TQ. Ngay trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán (từ ngày 1 đến 14/2), Chi cục QLTT TP.HCM đã phát hiện 2.600 kg vải không rõ nguồn gốc.

Trước tâm lý e ngại hàng TQ kém chất lượng, nhiều người bán đã đánh tráo xuất xứ quần áo TQ thành Việt Nam bằng cách thay nhãn mác. Tại “thiên đường hàng nhái” Saigon Square (quận 1 – TP.HCM), các loại áo thun, áo sơ mi cách điệu được quảng cáo là hàng xuất khẩu có giá 120.000 – 210.000 đồng/cái. Quần jeans nhái nhãn hiệu Guess, CK, Gap, D&G cũng chỉ trên dưới 300.000 đồng/cái… Thế nhưng, theo anh Khánh, bán quần jeans ở chợ Bình Tây, trên 50% “hàng xuất khẩu” ở Saigon Square là của TQ nên mới có giá rẻ như vậy.

Ảnh:Internet

Tại một số siêu thị, mặt hàng may mặc thời trang được giới thiệu là của các nhà cung cấp trong nước nhưng người mua không thể biết được đâu là quần áo may trong nước, đâu là sản phẩm của các cơ sở lấy hàng TQ về gắn mác Việt rồi đưa ra tiêu thụ. Bà Ngô Thị Báu, Giám đốc công ty Thời trang Nguyên Tâm, nhãn hàng Foci, cho biết từ năm 2012 đến nay, hàng may mặc TQ vào Việt Nam ngày càng nhiều và giá ngày càng giảm. Do xuất khẩu giảm nên TQ tăng cường “xả” hàng vào Việt Nam. Hàng TQ cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của các doanh nghiệp nội địa ở phân khúc thấp và trung bình. Một số shop, siêu thị… bán áo thun với giá “siêu rẻ” 29.000 -30.000 đồng/cái. Chắc chắn các doanh nghiệp trong nước, kể cả cơ sở may gia công, không thể nào sản xuất được với giá này.

Bên cạnh đó, trên trang Báo Mới cũng đưa tin về vụ việc này như sau:

Mới đây, trên các trang báo có đưa tin hàng dệt may của Trung Quốc lại bị phát hiện chứa hàm lượng formaldehyde cao quá mức cho phép đầu tiên trên thế giới. Trong khi đó, tại Việt Nam quần áo, vải sợi Trung Quốc vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường. Điều này khiến người dân hết sức hoang mang.

Quần áo Trung Quốc có chứa chất gây hại cho sức khỏe

Theo Cục Công thương thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), qua xét nghiệm mẫu quần áo trẻ em lưu hành ở thành phố này cho thấy trong số 138 mẫu lấy ngẫu nhiên có tới 42 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, chiếm 30%. Cục Công thương thành phố Quảng Châu đã yêu cầu nhà tiêu thụ cũng như nhà sản xuất ngừng bán những sản phẩm này, xử lý những người không chấp hành quy định.

Đây không phải lần đầu quần áo Trung Quốc phát hiện có chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Năm 2013, thông tin 85 mẫu quần áo trẻ em do Trung Quốc sản xuất được các chuyên gia của tổ chức GreenPeace (Hòa Bình xanh) đem đi kiểm nghiệm đã bị phát hiện chứa … chất độc hại như NPE, antimon và cả Phthalates khiến không ít người hoang mang, lo lắng.

Ảnh:Internet

Chất Phthalates (từng có nhiều trong thú nhún Trung Quốc) có thể gây vô sinh khi sử dụng. Thậm chí, các nhà chức trách Trung Quốc đã khuyến cáo người dân, kể cả hàng hiệu, hàng đắt tiền cũng có nguy cơ chưa hàm lượng các chất này cao, nếu không qua kiểm định, rất khó để biết.

Tháng 5/2013, Trung Quốc đã phát hành cẩm nang tiêu dùng khuyến cáo người dân chọn mua quần áo trẻ em nhạt màu, không có chất làm sáng dạ quang hay có in màu để giảm khả năng mua những sản phẩm có chứa hóa chất tạo màu độc hại.

Cuối năm 2012, thông tin về việc áo ngực Trung Quốc chứa chất lạ đã làm hoang mang dư luận. Ngay khi thông tin này được loan báo, trong các ngày sau đó, Đội quản lý thị trường tại nhiều tỉnh thành trên cả nước liên tiếp phát hiện những gói chất lạ trong áo ngực được bán tràn lan, không nguồn gốc tại các khu chợ.

Tại một cửa hàng bán quần áo trong chợ Vĩnh Hồ, chị Ngô Hồng M. (Thái Thịnh, HN) mua cho con gái một bộ đồ không rõ nguồn gốc xuất xứ cho biết: “Giá rẻ lại đẹp nên tôi mua cho con gái, chứ không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, cũng như việc có ảnh hưởng đến sức khỏe của con hay không”.

Một người bán hàng quần áo bằng xe đẩy được hỏi lý do tại sao lại chỉ bán hàng Trung Quốc cho biết: “Tôi bán hàng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Bán quần áo đắt tiền không ai mua. Quần áo Trung Quốc vừa rẻ, vừa đẹp… lại đắt hàng”.

Theo các chuyên gia, việc nhận biết quần áo, vải sợi có chứa hàm lượng formaldehyde vượt mức cho phép hay không phụ thuộc vào các cuộc kiểm tra chất lượng sản phẩm, giám định hàm lượng formaldehyde của các cơ quan có thẩm quyền, chuyên trách, còn bằng mắt thường, người tiêu dùng khó phân biệt được hàng sử dụng an toàn. Như vậy, người tiêu dùng đang đối diện với nguy cơ mua phải những sản phẩm gây hại cho sức khỏe của chính mình và người thân.

Tác hại của hóa chất Phthalates

Ảnh:Internet

Hợp chất Phthalate là một chất hóa học, được sử dụng như một chất để giúp nhựa dẻo, mềm hơn, đồng thời tăng khả năng chịu nhiệt ở các sản phẩm. Chất này thường có mặt ở các sản phẩm nội thất ô tô, ống nhựa, đồ chơi kém chất lượng, đồ nhựa không nhãn mác, xuất xứ…

Dấu hiệu để nhận ra Phthalates là sản phẩm nhẹ có mùi nhựa rất nồng. Chính bởi Phthalates là chất làm mềm nhựa chứ không phải tạo ra liên kết chặt chẽ nên nó dễ phai ra. Nếu để sản phẩm ở nhiệt độ càng cao thì khả năng chất này bị phai ra càng lớn.

Trong quá trình sử dụng sản phẩm, các dẫn chất Phthalates sẽ tách ra, hòa vào không khí hay thức ăn đang đựng rồi theo đường tiêu hóa, “xâm nhập” cơ thể con người. Tác hại mà Phthalates đem lại cho cơ thể chúng ta là xáo trộn nội tiết tố, khiến bé gái bị nhiễm Phthalates dễ dậy thì trước tuổi. Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐH Rochester (Mỹ) cho thấy, Phthalates còn có tính kháng nội tiết tố sinh dục nam – androgen. Khi tiếp xúc với Phthalates thường xuyên, nhiều bé trai sẽ có hành vi ít nam tính hơn cùng sự xáo trộn hormone sinh dục nam trong cơ thể.

Trước những tác hại khôn lường từ quần áo Trung Quốc, người dân phải cực kì cảnh giác nếu không muốn ôm bệnh vào thân, hối hận cả đời nhé.

Nguồn:WTT

"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."