Hà Nội: Nữ sinh 16 tuổi nhập viện tâm thần vì thói quen sử dụng mạng xã hội nhiều giờ trong ngày
Khi sử dụng mạng xã hội nhiều giờ trong ngày, nữ sinh 16 tuổi đã xuất hiện tình trạng mất ngủ, dễ buồn, dễ khóc, mất định hướng, không biết mình phải làm gì, học hành sa sút.
Facebook đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Các bác sĩ khuyến cáo việc sử dụng quá nhiều mạng xã hội sẽ khiến sức khỏe có vấn đề.
Được biết, bệnh nhân N. ở Hà Nội, 16 tuổi có thói quen sử dụng facebook nhiều giờ trong ngày, không liên tục. Cứ có thời gian là bệnh nhân sử dụng điện thoại hoặc máy tính để vào facebook.
Nữ sinh này vào các diễn đàn trên facebook, chat với bạn bè trên facebook. Thỉnh thoảng, cô gái đăng một cái ảnh, chờ mọi người comment (bình luận) rồi nhanh chóng trả lời lại.
Một thời gian sau, nữ sinh này xuất hiện tình trạng mất ngủ, dễ buồn, dễ khóc, mất định hướng, không biết mình phải làm gì, học hành sa sút, sinh hoạt đảo lộn. Cứ lúc nằm ngủ là bệnh nhân lại mong muốn ngồi dậy để sử dụng facebook. Dần dần bệnh nhân rơi vào trạng thái không trung thực, giả dối, mất lòng tin.
Khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán, nữ sinh có dấu hiệu trầm cảm do lạm dụng mạng xã hội dẫn đến cảm xúc thay đổi. Bác sĩ đã lập kế hoạch điều trị, đề nghị gia đình hỗ trợ, chia sẻ với bệnh nhân.
Kết quả, sau 2 tuần, cảm xúc của nữ sinh khá hơn, có lòng tin hơn vào cuộc sống. Bệnh nhân giảm cảm giác thôi thúc sờ điện thoại. Sau 4 tuần, bệnh nhân có giấc ngủ tạm ổn, cảm giác thôi thúc sử dụng điện thoại lên mạng xã hội ít dần.
Trước đó, một cậu bé 14 tuổi được gia đình đưa vào viện trong tình trạng co giật. Bố mẹ bệnh nhân cho biết, con trai cứ đi học về là lao vào điện thoại, nằm trong phòng lướt Facebook. Ngay cả lúc ăn hay đi vệ sinh cũng ôm điện thoại theo để nhắn tin, mỗi ngày hơn 10 tiếng.
Thấy vậy, phụ huynh đã tịch thu điện thoại. Ngay sau đó cháu bé thu hẹp lại và bắt đầu co giật. Bác sĩ sau đó phải chỉ định dùng thuốc loạn thần, tình trạng ảo giác của bệnh nhi sau đó hết, thời gian sử dụng Facebook giảm dần.
Từ những trường hợp này, Bác sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị các rối loạn stress, Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, gia đình cần chú ý đến việc chơi sử dụng điện thoại, máy tính của con trẻ. Trong trường hợp, nếu mọi người có những dấu hiệu mất ngủ, buồn chán, lầm lì, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, luôn cảm thấy cô đơn, mắt hay nhìn xuống thì nên đưa đến các cơ sở về sức khỏe tâm thần để điều trị sớm.