“Cô tưởng, cả thế giới có mình cô đẻ à”

Tôi năm nay 29 tuổi. Tôi lấy chồng được hai năm. Chồng tôi là công nhân cơ khí còn tôi là giáo viên cấp 3. Khi tôi dẫn anh về ra mắt gia đình, biết anh đã tự mua được nhà riêng ở Hà Nội nhưng chỉ học hết cấp 3 rồi lăn lộn làm công nhân, mẹ tôi đã nén tiếng thở dài.

Mẹ bảo, sự khác biệt về trình độ văn hóa sẽ khiến cuộc hôn nhân của chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi không nghe mẹ. Tôi nghĩ rằng, tôi đủ khéo léo để không khiến chồng thấy tự ti trước bằng cấp của tôi. Vì thế, tôi đã quyết định làm đám cưới với anh.

Cưới nhau xong, chúng tôi cũng có khoảng nửa năm hạnh phúc. Vợ chồng ríu rít với nhau sau mỗi buổi đi làm về. Thế nhưng, kể từ khi tôi mang thai thì niềm hạnh phúc cứ lụi tàn dần.

Anh vẫn chăm chỉ làm ăn nhưng không hề biết quan tâm đến vợ. Trong đầu anh dường như không có sự tồn tại của đứa con trong bụng tôi. Hoặc có chăng, anh coi đó là nghĩa vụ của tôi. Thế nên, mỗi lần tôi kêu than mệt mỏi vì nghén ngẩm, anh đều cau có và tỏ ra khó chịu. Tôi ốm nghén và nghỉ dạy thêm nên thu nhập ít ỏi, anh cũng buồn bực rồi đá thúng đụng nia.

Ngày tôi trở dạ sinh con, anh đưa tôi đến bệnh viện rồi lại tranh thủ về nhà làm nốt đơn hàng cho kịp ngày hẹn khách. Một mình tôi ở viện, bụng thì đau mà nước mắt cứ chảy lưng tròng.

Ảnh minh họa

Mẹ tôi nhận được điện thoại của tôi, bà tá hỏa bắt xe từ quê lên. Đến viện, thấy bên cạnh tôi chỉ có cô bạn thân cùng trường, nước mắt bà trào ra.

Thế rồi tôi sinh khó, bác sĩ chuyển tôi vào phòng mổ. Lúc mổ xong, y tá chuyển tôi ra ngoài, tôi cố đảo mắt tìm chồng nhưng không thấy. Tôi định òa lên khóc nhưng lại cố nghiến răng và nghĩ đến điều lớn lao hơn, ấy là, chồng tôi đang phải lo sự nghiệp…

Tuy nhiên, sự rộng lượng của tôi không được đáp đền. Chồng tôi vẫn say sưa với công việc. Tôi nằm viện 5 ngày, mỗi ngày anh chỉ xuất hiện vào giờ ăn cơm để mang cơm cho tôi. Nhưng mang cơm, đơn giản chỉ là mang cơm, anh không hề hỏi han hay chăm sóc cho tôi như những người chồng khác trong phòng.

Ngày cuối cùng, đúng lúc chồng tôi có mặt thì cô y tá đến thay băng. Tôi đau đến thấu xương nên nằm r.ê.n r.ỉ, nước mắt trào ra. Chồng tôi thấy tôi khóc, anh không động viên mà lại cau có.

Nhìn gương mặt cau có của anh, tôi không chịu nổi. Tôi nói trong nước mắt, trách anh vô tâm… Không ngờ, anh cầm hộp cơm đổ thẳng vào thùng rác. Vừa đổ, anh vừa bửi bậy. Anh bảo: “… cô tưởng, cả thế giới có mình cô đẻ à”.

Sau đó, anh hùng hổ bước ra khỏi phòng trước con mắt sững sờ của những người có mặt. Tôi lại đành câm lặng, nén tiếng thở dài vào trong lòng.

Hết thời gian nằm viện về nhà, mẹ chồng tôi đến ở cùng để chăm sóc. Lúc đó, chuỗi ngày căng thẳng và đầy tủi nhục của tôi mới bắt đầu.

Mẹ chồng tôi biết tôi có nghề nghiệp đoàng hoàng, học thức cao hơn chồng nên lúc nào cũng sợ con trai mình thiệt thòi. Nếu chẳng may, chồng tôi giúp tôi bế con hay rửa bát là bà lao vào giằng lấy việc và đẩy chồng tôi ra.

Bà liên tục làm công tác tư tưởng rằng, đàn ông thì không thể làm việc nhà, đàn ông thì không thể chăm con, không thể nấu cơm rửa bát. Những việc đó sẽ làm mất đi khí chất của đàn ông, sẽ khiến người phụ nữ “được đừng chân lân đằng đầu”…

Chồng tôi nghe mẹ, từ đó, anh không bao giờ đoái hoài việc gì trong nhà. Anh cũng không bao giờ dám thể hiện sự vui vẻ với tôi trước mặt mẹ. Trong khi đó, mẹ chồng của tôi thì cổ hủ. Cứ thấy vợ chồng tôi cãi nhau, giận nhau thì bà vui ra mặt. Chồng tôi mà ngủ ở phòng tôi thì bà đá thúng đụng nia …

Tôi sinh con 1 th.á.n.g đã tự mình chăm con, cơm nước, giặt giũ cho cả nhà. Mẹ chồng tôi ở cùng nhưng chỉ thỉnh thoảng trông cháu cho tôi làm, thời gian còn lại, bà xem ti vi và thủ thỉ nói xấu tôi với con trai.

Tôi nhìn thấy bà rồi lại nhìn thấy chồng mà uất đến tột đỉnh. Tôi khóc suốt ngày, nhiều lúc còn nghĩ đến chuyện tự tử để chồng tôi và mẹ chồng phải ân hận suốt cuộc đời. Nhưng rồi, nhìn đứa con còn đỏ hỏn, tôi lại không làm được.

Tôi không biết phải thoát khỏi cảnh này như thế nào? Tôi muốn xin về quê ngoại nhưng mẹ chồng và cả chồng tôi đều không cho. Họ quan niệm, đã lấy chồng thì không thể tùy tiện về ngoại như khi còn son rỗi nữa. Xin mọi người hãy cho tôi lời khuyên.

Theo WTT