Chuyện đi đẻ: Chồng khóc như mưa, không muốn vợ đẻ thêm một lần nào nữa

Câu chuyện đi đẻ: Không chỉ đau đẻ khủng khiếp, sau sinh chị Diệu Hằng còn phải đối mặt với chứng đi đại tiện không kiểm soát, bí tiểu và táo bón nặng khiến chị cảm thấy còn “đau hơn đau đẻ”.

Chia sẻ về hành trình đi đẻ đón con gái đầu lòng chào đời, chị Nguyễn Diệu Hằng (sinh sống tại Sơn La) cho biết dù ca sinh nở đã diễn ra cách đây 3 năm nhưng chị vẫn nhớ in như vừa cách đây 3 phút. Những ám ảnh trong lần sinh con đầu lòng khiến chị luôn có cảm giác sợ hãi và không dám đẻ lần 2.

Chị cũng cho biết vì chồng chứng kiến gần như toàn bộ ca sinh của vợ, thấy vợ chịu đau đớn khổ sở trong quá trình sinh con nên suốt thời gian qua anh luôn nói với chị rằng chỉ nuôi một bé An (con gái chị Hằng) thôi và không muốn vợ lại phải đẻ nữa.

Dù đã sinh con 3 năm nhưng chị Hằng vẫn ám ảnh về chuyện đi đẻ.

Không chỉ đau đẻ khủng khiếp, sau sinh chị Hằng còn phải đối mặt với chứng đi đại tiện không kiểm soát, bí tiểu và táo bón nặng khiến chị cảm thấy còn “đau hơn đau đẻ”.

Dù những ám ảnh trong lần sinh con đầu lòng vẫn còn nhưng bà mẹ 9x cho biết chị vẫn muốn có thêm con và dự định sẽ sớm có kế hoạch mang bầu, sinh nở trong thời gian tới.

Dưới đây là nhật ký đẻ thường đón con gái đầu lòng của chị Diệu Hằng:

Nghĩ lại chuyện đi đẻ, ngày ấy đã 3 năm rồi mà em nhớ như in như vừa cách đây 3 phút.

Tối hôm ấy em với chồng đang nằm, thì em vỡ ối ướt hết vùng mông (không cảm giác gì là mình vỡ ối cả). Em bảo mình không tè dầm, chẳng lẽ chồng tè dầm chăng? Hỏi chồng không phải, thì ôi thôi nhận ra mình đã vỡ ối rồi. Nhưng vỡ ối mà chẳng thấy đau bụng gì cả.

Đọc báo thấy bảo uống lá tía tô, em cố bảo chồng đun một ấm nước lá tía tô, xong mang lên xe, uống được vài ngụm thì hồi hộp không thể uống được nữa. Đến bệnh viện có mấy phút mà em ướt hết váy, thay luôn bỉm cho người già vì bỉm cũng ướt hết. Dù vậy em vẫn không đau bụng gì cả, em đã nghĩ sao mà đi đẻ lại sướng vậy…

Nhập bàn đẻ, em được truyền kích đẻ, lúc ấy mới thấy thế nào là đau đẻ. Cơn đau dồn dập, đã thế bác sĩ cứ ra ra vào vào kiểm tra xem mở mấy phân, đưa tay vào vùng kín thực sự cảm giác đó rất kinh khủng. Mặc dù em cảm thấy đau lắm rồi nhưng cổ tử cung vẫn chỉ mở được 1 phân. Mấy tiếng sau mở được 2 phân và cứ thế từ 21 giờ tối đến 2-3 giờ sáng vẫn chưa mở hết.

Trong thời gian đau đẻ đó, em liên tục đi đại tiện, tiểu tiện và cả nôn nữa nhưng cái cốt lõi nhất là đứa con cần ra thì vẫn chưa ra.

Thời gian trôi đi, em càng ngày càng đau đến mức tưởng như không thể kêu được nữa. Chồng em ngồi bên thì khóc như mưa xong bảo: “Em cứ kêu đi, chí ít anh còn biết tình hình của em như thế nào?” Mình không hiểu tại sao nhiều mẹ đau đẻ vẫn có sức hét, có mẹ còn đi lại thoăn thoát được. Em nghĩ chắc mình không thể qua được đêm hôm đó. Em cảm giác đau đến phát ngất mà em vẫn cố giơ 3 ngón tay xong thều thào bảo mẹ chồng: “Sao mẹ lại đẻ được những 3 người con hả mẹ?”

Đến 5 giờ sáng thì em đẻ, cơn rặn đến em rặn như rặn đi đại tiện, không rặn không chịu được. Rặn mấy hơi thì cuối cùng con cũng ra. Em còn cảm nhận được bác sĩ rạch xoét một phát rất ngọt nữa. Cảm giác tái tê tận tim. May mắn là con em cân nặng vừa phải nên cũng dễ ra.

Đẻ xong em gần như lả đi, không cần biết đến con vì không thể mở mắt ra nhìn được nữa. Mùa hè cuối tháng 5 mà em rét run lên. Bác sĩ còn khâu tầng sinh môn nữa. Mấy em sinh viên thực tập thì cứ bịt mồm xong mắt nhắm hãi quá quay đi. Mặc dù được tiêm thuốc tê nhưng em chả cảm giác tê tí nào, luôn mồm thều thào hỏi: “Sắp xong chưa bác sĩ ơi?”

Đến khi xong, chồng em bế ra giường bệnh thì em không còn chút sức lực nào sau một đêm vật vã nữa. Tay không bấu nổi vào chồng, người thì lạnh tê tái như lên cơn như sốt rét.

Sau sinh bà mẹ trẻ lại tiếp tục đối mặt với không ít đau đớn, khó khăn.

Tưởng như thế đã xong nhưng ra đến giường bệnh lại bắt đầu mở ra một “chương” đau đớn mới.

Vì đau vết đẻ vết khâu nên em không ngồi được, nằm im bẹp dí không cựa người nghiêng được. Con thì các bà phải bế lựa vào ti. Sau đó thì em bị… tiêu chảy. Đi vệ sinh không tự chủ được toàn ra bỉm nhưng khốn khổ là đại tiện thì không tự chủ nhưng em lại không thể đi tiểu được. Nhìn chị bên cạnh giường phải đi thông ống tiểu 5 lần 7 lượt mà em đã hãi rồi. Vì vậy em cố gắng rặn liên tục. Các mẹ đã từng sinh mà bị tắc tiểu như em chắc hiểu cảm giác này. Tập rặn mãi tập mãi cuối cùng cũng són dần được ra bỉm và đi tiểu được trở lại.

Về vấn đề ăn uống sau sinh cũng không hề đơn giản. Em đói lắm, đói kinh khủng mà không ngồi ăn được vì đau. Mỗi lần sắp ăn là mẹ em phải đút giảm đau vào hậu môn cho. Ngày 3 viên sau 5 ngày mới giảm còn ngày 2 viên (biết là không tốt nhưng em không thể ngồi cho con bú, không thể ăn được). Đút giảm đau rồi mà em vẫn phải ghé một bên mông, cảm giác sau một tháng đẻ mông của em đã lệch hẳn.

Sau vụ đi đại tiện không tự chủ được thì em lại phải chiến đấu với chứng táo bón. Em táo sau sinh một tuần, mỗi lần đi vệ sinh là em gồng mình, khóc trong nhà vệ sinh. Thời gian đó em suốt ngày chỉ ăn món rau lang luộc. Mà nói đến ăn, cái gì cũng kiêng: kiêng lạnh, kiêng chua, kiêng tanh…. Mùa nóng thèm nước ngọt lạnh và kem thế nhưng mẹ em chốt: “Phải kiêng hết” nên em đành chịu.

Sau vụ ấy 10 ngày em mới gội được đầu và mái tóc không thể chải (vì em đau cả chục ngày không thể cúi xuống cho mẹ em gội được). Tắm thì ở viện về là em được tắm luôn nước lá cây, đứng im cho mẹ tắm vì đau không thể cử động nổi.

Sau 3 năm sinh con nhưng trong em vẫn luôn ám ảnh chuyện đi đẻ. Thế nên bây giờ em không biết làm sao để có thể sinh ra một em bé thứ 2 đây. Mặc dù vậy cũng có những người may mắn đẻ dễ như gà vậy nên các chị em không nên có tâm lý sợ đẻ mà ngại sinh con nhé.

Nguồn:Khám Phá