Dòng nhật ký đẫm nước mắt cuối đời của chiến sĩ Công an bị nhiễm HIV
Hằng ngày, anh chờ nhìn mặt con, dẫu chỉ thoáng qua. Có hôm, ông ngoại để cháu xuống xe, chào ba một tiếng rồi đi ngay. Tuyệt nhiên không có cảnh bố ôm con thật chặt vào lòng. Vì anh sợ bệnh HIV có thể tấn công cơ thể non nớt của con bất cứ lúc nào. Rồi anh quay trở về…
Chiều nào cũng vậy, anh khoác lên người bộ quân phục rồi đi ra đầu đường Tân Liễu, nơi ấy có một ghế đá. Anh ngồi đấy… Hơn năm năm nay, khi hai vợ chồng anh phát hiện bị nhiễm HIV, bé Nguyễn Duy Minh được gửi hẳn về bên ngoại. Ông ngoại trên 70 tuổi ngày ngày đưa đón bé đi học.
10 tuổi, bé Minh còn quá nhỏ để hiểu hết hoàn cảnh gia đình. Vậy là những lúc ít đau đớn, anh cặm cụi viết hồi ký. Hồi ký kể cho con nghe về tuổi thơ của anh, về những ước mơ, thuở hai vợ chồng hạnh phúc và lúc gặp tai nạn.
“… Tại xóm đình Tân Liễu này ba đã sinh ra và lớn lên trong xóm nghèo lao động quanh năm bưng biền nước nổi. Bà nội thì tảo tần, còn ông nội thì đi biền biệt nơi xa… Ba đã lớn dần lên theo tình thương yêu, đùm bọc của bà nội, các cô, các bác của con. Nhưng sự nghèo khó ấy chính là động lực để ba cố gắng học giỏi…
…Tháng 9-1989, ba thoát ly gia đình vào ngành công an với chế độ nghĩa vụ quân sự. Ba học được những cái hay, những phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân và nghĩ rằng mình sẽ phấn đấu phục vụ suốt đời…
…Tháng 4 -1990, sau sáu tháng quân trường ba về công tác tại phòng cảnh sát bảo vệ, chốt gác cửa ở văn phòng Thành ủy.
…Tháng 7-1991 ban chỉ huy đội điều động ba về công tác tại nhà máy xay lúa Satakê, xã Tân Túc, huyện Bình Chánh. Về đó gần nhà, ba có điều kiện thăm nội nhiều hơn… Ngoài giờ đi gác ba còn dạy bổ túc văn hóa cho đồng đội…”.
Rồi anh cũng có một hạnh phúc giản dị như bao người khác. Anh cưới một cô công nhân may làm vợ và…
“…Đến tháng 4-1995 mẹ báo tin vui cho ba biết là đã có thai. Ba mừng quá ôm mẹ nâng cao và hôn vào bụng mẹ. Rồi chín tháng cũng trôi qua đến tối 24-1-1996, mẹ đã sinh ra con tại Bệnh viện Hùng Vương trong niềm vui của ba và các cô, dì, cậu… Con lớn lên trong nỗi vất vả của ba và mẹ. Lúc sanh con ra tài sản của ba và mẹ không có gì đáng giá.
Ba không có xe để đi làm. Dư được đồng nào đều mua sữa cho con và mua đồ ăn trong nhà. Nhưng rồi công việc từ từ ổn định. Ngoài sự nguy hiểm của nghề nghiệp thì ba cũng được các cơ sở quần chúng tốt giúp đỡ, chia sẻ, đùm bọc. Có những đêm ba về thăm con đầu đầy những vết thương và bông băng trắng xóa…
Công việc ngày càng nguy hiểm hơn vì bọn tội phạm hình sự ngày càng tinh vi và xảo quyệt. Vào tháng 10-1998, trong một lần kết hợp với Công an P.8, Q.11 mai phục hốt trọn một ổ mua bán ma túy tại bãi đất trống (Trường Chu Văn An bây giờ), ba đã vật ngã một đối tượng và xà quần với nó trên đống gạch vụn và cả ba cùng tên đó đều bị xây xát chảy máu.
…Tháng 11-2000, khi làm trinh sát tại công viên Lãnh Binh Thăng, ba bị một đối tượng đâm lén vào lưng rồi bỏ chạy…
…Ba được kết nạp Đảng năm 1999, lúc con 3 tuổi..
…Tháng 4-2001, ba kết hợp với Công an P.8, Q.11 chuyển hóa công viên Lãnh Binh Thăng. Trong lúc truy quét tệ nạn xã hội, ba thu gom kim tiêm chích xì ke tại công viên, lo suy nghĩ vô tình bị vấp cục đá, kim rớt trúng chân ba chảy máu…
Dù công việc rất nguy hiểm và vất vả nhưng “…Cuộc sống gia đình ta thật hạnh phúc biết bao nhiêu. Ba đi làm mang tiền về cho mẹ nuôi con… Con là hoàng tử của lòng ba. Ba đi làm về là con hát cho ba nghe… Cầu mong sao cho cuộc sống trôi qua êm đềm như thế thì hạnh phúc biết mấy. Dự định đến năm 2003 thì cho con một đứa em gái nữa cho vui nhà vui cửa…”.
Nhưng, ước mơ giản dị ấy cũng không thành. Hồi ký ghi tiếp: “Đến giữa tháng 12-2001 thì không hiểu sao ba hay bị sốt về chiều, uống thuốc bao nhiêu cũng không hết… Nhưng ba vẫn cố sức đi làm, tham gia nhiều chuyên án lớn. Ba đâu biết rằng sự cố gắng quá sức làm ba ngày càng suy kiệt…
…Sáng thứ hai (tức 13-1 năm Nhâm Ngọ), cô y tá gọi ba lên phòng gặp bác sĩ gấp. Bác sĩ bảo ba đã bị nhiễm HIV. Ôi trời đất dường như sụp đổ dưới chân ba. Tay chân ba rụng rời nghe như sét đánh bên tai… Đến 14g ngày hôm đó, mẹ con về nhà nội vào buồng một mình nằm khóc vật vã đau đớn. Ba nhìn thấy mẹ đau thắt ruột gan khuyên mẹ nên bình tĩnh và hi vọng để còn sống nuôi con.
Sáng hôm sau mẹ con dậy sớm lắm chở con đi xét nghiệm máu tại Trung tâm Truyền máu và huyết học Q.5. Ba thì nằm ở nhà rã rời chờ hi vọng kết quả xét nghiệm máu của mẹ và con.
Buổi chiều hôm đó thì có bác Hồng – chỉ huy của ba – xuống nhà thăm ba và an ủi…
…Nhưng một mình ba chết đi đã đành, đằng này vô tình làm khổ mẹ con. Hai ngày sau, ban chỉ huy Công an quận 11 gọi ba và mẹ lên đi xét nghiệm lại lần nữa tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Ba thật đau lòng khi biết mẹ cũng bị nhiễm HIV…
…Hai ngày sau thì kết quả xét nghiệm của con đã có. Ba và mẹ rất vui như nhẹ hẫng lên chín tầng mây khi thấy kết quả của con âm tính.
…Nhưng nỗi đau của mẹ con quá lớn. Có lúc mẹ lén lấy thuốc ngủ của nội con ra uống định chết cho xong nhưng không hiểu sao chính lúc ấy con thức giấc và khóc làm mẹ chợt tỉnh ngộ bỏ qua ý định ấy.
Còn ba thì luôn bỏ ăn, bỏ uống cho đến lúc suy kiệt rồi bất tỉnh. Ngày 4-3-2002, khi tỉnh dậy thì thấy ba đang nằm ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, lại có mẹ bên cạnh nuôi ba… Mẹ an ủi ba đừng bi quan “rồi anh sẽ khỏe về với em, hai đứa mình nương tựa nhau mà sống để nuôi con”.
Còn nhớ lời anh trăng trối cho con trước lúc lâm chung: “Ba không mong con sẽ có quyền cao chức trọng. Điều cha mong mỏi nhất là con có thể làm bất cứ nghề gì để sống, miễn là lương thiện. Và con hãy giúp đỡ những ai nghèo khó hơn con”.
Và chị đã sống với anh hơn bốn năm nữa. Đến cuối năm 2005, chị qua đời.
Khi vợ mất, căn nhà nhỏ quạnh hiu giữa đồng thuộc xã Hưng Long, huyện Bình Chánh chỉ còn anh và người mẹ già. Mẹ anh – người phụ nữ tám con và trên 40 năm bị bệnh tâm thần.
Vừa tự chăm sóc mình, hằng ngày anh đi chợ, nấu cơm, giặt giũ cho mẹ. Bà rất hay quên, nhưng lạ thay, có những điều bà nhớ như in.
“Thằng Dũng còn mới đút cơm, dỗ dành tui: “Mẹ ráng ăn đi! Mai mốt con không còn được hầu hạ mẹ”. Nó còn bồng tui đi tắm. Trước ngày hôn mê, nó còn cho tui 200.000 đồng. Vậy mà…” – bà lão móm mém khóc.
Hai tuần nay, anh bắt đầu hôn mê. Để cậu em thiêm thiếp trên tay, chị Nguyễn Thị Chiêm khóc nấc: “Út gói kỹ 7,2 triệu đồng tiền các nhà hảo tâm cho. Trước ngày hôn mê, Út cho mẹ 200.000 đồng. Cho con trai 1 triệu đồng.
Còn bao nhiêu gửi chị để lo thuốc thang, làm đám cho em để khỏi phiền bà con phúng điếu”. Để an ủi, Út Dũng còn nắm tay chị: “Em chống tội phạm ma túy để cứu nhiều người khác. Em không hối hận. Chị Ba đừng buồn”.
Chết cho sự sống!
“Anh không hối tiếc những gì đã làm. Chỉ mong sẽ có nhiều người đưa anh đi, cho vui!”. Anh trút hơi thở cuối cùng với mong ước giản dị như thế. Đám tiễn anh dù không kèn trống nhưng đông người đến dự. Ngoài những đồng đội, đám tang anh còn có cả những người không họ hàng, thân thích. Trong đó có những “bà mẹ” đã từng nấu chè hạt sen mang vào bệnh viện cho anh ăn.
Rời nơi anh an nghỉ, tôi chợt nhớ đến quyển sách ố vàng trên kệ sách của anh với tựa đề Gắng sống đến bình minh của nhà văn Nga Vaxin Bưkôp. Chị Ba anh cho biết: “Thời gian bệnh, Út rất thích đọc quyển này. Út thường nói: Em sẽ cố sống. Em sẽ không đầu hàng!”.
Xin ghi lại một câu trong quyển sách này: “Có những cái chết làm nên sự sống… Chết đi mà gieo mầm cho sự sống mới dũng cảm và trung thực”. Và có lẽ đó chính là gia tài lớn nhất mà anh đã để lại cho đứa con nhỏ giờ đây côi cút cả cha lẫn mẹ của mình.
Đưa thi hài anh về nơi an nghỉ cuối cùng, anh Nguyễn Văn Hùng – đội cảnh sát điều tra và trật tự xã hội Công an Q.11, người đồng đội xưa của anh – ngậm ngùi: “Từ 1998 đến đầu 2001, Dũng đã ba lần bị đối tượng tiêm chích ma túy tấn công xây xát, chảy máu. Lần nào Dũng cũng dũng cảm truy bắt tội phạm đến cùng…
Suốt mấy năm qua, Dũng đã vượt qua nỗi đau bệnh tật, dẫu biết rằng cả hai vợ chồng sẽ ra đi vì căn bệnh quái ác bỏ lại đứa con thơ dại, nhưng cả Dũng và vợ đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng. Dẫu biết rằng trên đời này ai cũng phải mất đi, nhưng sự ra đi quá sớm của Dũng đã để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho bạn bè, đồng đội”.
Nguồn:TTO
"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."