Thần giao cách cảm giúp bé 6 tuổi nhiều lần gặp chị gái chết vì 46 vết ong đốt để cứu mạng mình
“Chị em nó dù đã hai thế giới khác nhau nhưng vẫn như có thần giao cách cảm khiến vợ chồng tui nhiều lần ngỡ ngàng đến khó tin. Hôm đưa bé Đạt từ bệnh viện về, chồng tui ôm con trên tay. Vừa bước vào nhà, bé Đạt chỉ tay vào tấm di ảnh nhòe của bé Tâm trên bàn thờ. Bé chỉ rất lâu, mãi đến khi có người đốt một cây nhang thắp lên thì bé Đạt chắp hai tay lạy 3 lạy. Cả nhà tui đều giật mình, rồi ai cũng nhìn nhau lặng lẽ rơi nước mắt”.
Đã gần 5 năm cô bé Đặng Ngọc Minh Tâm (3 tuổi, ngụ khu phố Hải Hòa, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) “về trời” sau khoảnh khắc lấy thân mình che chở cho em trai 1 tuổi khỏi sự tấn công của đàn ong độc hung dữ.
Cho đến nay những người thân, xóm giềng vẫn không ngừng để tang em trong lòng, ai cũng nghẹn ngào gọi em là “cô bé thiên sứ” của sự dũng cảm và tình yêu thương.
Khoảng 21h ngày 23/12/2011, trái tim “cô bé thiên sứ” ngừng đập sau hơn 8 tiếng đồng hồ chống chọi với 46 mũi nọc độc của đàn ong. Ngày 22/12 hàng năm, người thân và xóm làng đều có mặt đông đủ để cùng gửi thương nhớ đến em.
Chị Lê Thị Hồng Chi (mẹ cháu bé) không kìm được nước mắt: “Thấm thoắt đã sắp đến đám giỗ thứ 6 của cháu, mấy hôm nay bé Đạt cứ nhắc suốt “mẹ ơi, sắp đến giỗ chị rồi… Chị vì cứu con mà “mất” phải không mẹ…”, vợ chồng tui càng thêm nhớ thương cháu, càng xót xa bội phần”.
Buổi chiều kinh hoàng
Căn nhà nơi cô bé vắn số từng sinh sống nằm trên một triền đồi đá tảng lô nhô, khuất sau những lùm cây trâm cao lớn rậm rạp. Một người hàng xóm cho hay, từ sau khi bé Tâm ra đi, bà ngoại của bé vì quá đau lòng nên lâm trọng bệnh phải nằm liệt giường, còn người mẹ và anh Đặng Thành (34 tuổi, cha cháu bé) suốt mấy năm nay vẫn chưa thể nguôi ngoai được nỗi đau mất con.
“Vợ chồng nó ban ngày rất bận bịu với công việc làm thuê làm mướn để tiếp tục nuôi hai con nên người. Nhưng hết việc về đến nhà là nước mắt lại chực trào khi nhìn lên ban thờ có tấm di ảnh nhòe nhòe của con bé. Cả làng ai cũng thương nhớ con bé. Tội nghiệp, nếu nó còn sống chắc giờ đã là cô bé 9 tuổi ngoan hiền, giúp được mẹ quán xuyến việc nhà cũng nên…”, người phụ nữ hai mắt đỏ hoe.
Chiều muộn, những cơn gió lớn từ biển nối nhau thốc mạnh vào đất liền khiến rặng trâm trước và sau nhà rung lên từng cơn. Trong ánh chiều loang lổ, bóng dáng người mẹ trẻ ôm chiếc thúng con lặng lẽ xiên xiên qua bờ rào trước nhà.
Đặt chiếc thúng đã sờn dây cước, bên trong đựng vài chiếc bánh chuối chiên còn sót lại xuống nền đất, hai mắt chị đã đẫm nước: “Mùa này chiều xuống gió bấc từ biển tràn vào, càng khiến lòng tui quặn thắt lại vì nhớ con. Cũng thời gian này 6 năm trước, “thần chết” đã “cướp” mất con bé khỏi vòng tay của vợ chồng tui…”.
Người mẹ hồi ức, trưa 23/12/2011 đột nhiên mất điện cả khu vực. Dưới cái oi bức của buổi trưa, chị ôm con trai út là bé Đặng Tấn Đạt (lúc đó mới 1 tuổi – PV) ra chiếc võng trước sân nhà để ru con ngủ. Lúc đó bé Tâm đang ngủ ở trong nhà, cũng tỉnh giấc theo mẹ ra đưa võng cho em.
Khoảng 12h45, đã sắp đến giờ phải đưa con gái đầu lòng (SN 2001) đi học và bé Tâm phải đến nhà trẻ, chị nhắc con gái vào thay quần áo nhưng cô bé trả lời “mẹ cứ đưa chị đi học trước, con ở nhà đưa võng cho em chờ mẹ về rồi đi sau”.
Trước sự cương quyết của con gái, người mẹ bụng nghĩ từ nhà đến trường cả đi lẫn về chỉ chưa đầy 10 phút. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó sẽ không thể có điều gì bất thường xảy đến. Lại thêm từ khi sinh ra bé Tâm đã rất dễ nuôi, ngoan ngoãn.
Khi có thêm em trai, cô bé tuy mới 3 tuổi nhưng đã rất ra dáng làm chị, giúp mẹ chăm em rất “mát tay” nên chị mới yên tâm để hai con nhỏ ở nhà. Người mẹ không thể ngờ được rằng, ngay khi chị vừa rời khỏi nhà thì cơn gió bất ngờ ập đến làm đổ chiếc tổ ong vò vẽ từ ngọn cây trâm xuống đất ngay gần chiếc võng bé Tâm đang ngồi ru em. Nhanh như chớp, đàn ong dữ ùa ra tấn công hai đứa trẻ vô tội.
Đưa con gái lớn đến cổng trường, trong lòng người mẹ chợt như có lửa đốt nên vội vã tăng ga trở về nhà. Chị nức nở khóc nhớ lại: “Về đến cổng, tui nghe tiếng bé Tâm khóc rất to, lòng tui càng rối bời vì bé Tâm thường rất ít khóc nhè. Từ đằng xa, tui thấy bé Đạt nửa thân trên võng, nửa dưới đất, còn bé Tâm đang ôm chặt lấy em vừa khóc thét lên “đau quá. Má ơi… đau quá”.
Nhìn xa sẽ tưởng rằng bé Đạt không may bị ngã khỏi võng nhưng khi đến gần thì một cảnh tượng kinh hoàng đang hiện ra trước mắt. Hàng trăm con ong đang bủa vây lấy hai đứa nhỏ. Bé Tâm gần như đã dùng cả người để ấp lên người bé Đạt nên ong vây lấy vàng cả đầu, lưng con bé…”.
Bà mẹ ôm mặt, nước mắt không ngừng rơi: “Có lẽ khi phát hiện tổ ong rơi xuống, nó đã định ôm lấy em bế đi chỗ khác nhưng không đủ sức nên dùng thân mình ấp lên che chắn bảo vệ cho em. Dù bị đàn ong độc ác tấn công đau đớn nhưng nó chưa một phút bỏ lại em để thoát thân mà vẫn dũng cảm, kiên trì bảo vệ cho em đến cùng, đến khi mẹ trở về…”
Chiều hôm đó, con không may gặp nạn đúng lúc người chồng đã đi công trình, trong túi người mẹ chỉ có vỏn vẹn 20 nghìn đồng. Khi ôm được hai con thoát khỏi vòng vây của đàn ong độc, chị không còn biết nhờ cậy được ai ngoài những người hàng xóm thân thuộc.
“Lúc đó cơ thể bé Tâm lẫn bé Đạt đã nóng bừng bừng như lò lửa. Tui phải chạy vào nhà lấy cái áo khoác vào cho cháu rồi mới gọi thêm người để cùng giúp đưa các cháu đến bệnh viện cấp cứu”, người hàng xóm còn run run thuật lại.
Khoảng 1h30, những hàng xóm mới trợ giúp đưa được bé Tâm và bé Đạt đến bệnh viện thị xã Bà Rịa, lúc này cả hai bé đều đã trong trạng thái bất tỉnh. Bệnh viện ghi nhận bé Tâm bị 46 vết ong đốt chủ yếu ở vùng đầu và lưng, còn bé Đạt bị gần 30 vết chủ yếu ở tay, một số ít ở vùng đầu.
“Lúc đưa hai cháu nhập viện, bác sĩ xác định cả hai cháu đều bị nhiễm độc nặng. Tui không có tiền, đành vay mượn những người hàng xóm mỗi người một ít nộp tạm ứng ban đầu cho con. Khi bác sĩ truyền dịch, cơ thể bé Tâm không tiếp nhận được nhưng một chốc sau đã có phần tỉnh táo hơn, có thể mở mắt trò chuyện và đòi uống sữa. Thấy con có vẻ tỉnh táo tui chưa kịp mừng thì bé lại thiếp đi”.
Mẹ của cô bé như đứt từng khúc ruột kể, khoảng bốn tiếng đồng hồ ở bệnh viện thị xã Bà Rịa, cả hai con nhỏ của chị bắt đầu có những dấu hiệu xấu hơn: “Bé Tâm nặng hơn khi liên tục nôn ói và cả người dần chuyển sang màu tím tái. Khi đó các bác sĩ mới đồng ý cho hai cháu chuyển viện lên tuyến trên vì tình trạng đã rất nguy kịch”.
Bởi cả đoạn đường dài gần 100 km vào giờ tan tầm ken kín người và xe, đến 21h hôm ấy chiếc xe cứu thương mới gần đến nơi. Khi chiếc xe đang hối hả tăng ga chỉ còn cách cánh cổng bệnh viện khoảng 100m thì bé Tâm chợt mở mắt. Người mẹ tấm tức khóc suốt cả đoạn đường vội nắm chặt lấy tay con nghẹn ngào: “Cố lên con yêu của mẹ! Rồi con sẽ khỏe lại, mẹ mua sữa, mua áo quần mới cho con…”.
Cánh cửa xe vừa hé mở, cô bé 3 tuổi chỉ kịp mở đôi mắt tròn ngây thơ non nớt nhìn mẹ thốt lên “mẹ ơi, mẹ ơi” rồi ngưng thở, cánh tay buông lơi khỏi bàn tay mẹ. Người mẹ như chết ngất ôm con trong lòng gào thét “con ơi, đừng bỏ mẹ. Một chút nữa thôi, thở đi con ơi…” nhưng linh hồn cô bé đã mãi mãi bay về trời sau hơn tiếng đồng hồ chống chọi với nọc độc của “thần chết”.
Con gái đã mất, con trai đang “thập tử nhất sinh”, chỉ còn 5% hi vọng sống sót. Người mẹ trái tim cũng đã vỡ vụn đành nhờ người em gái ở lại bệnh viện túc trực, còn mình về làm đám tang cho con.
Chị kể, khi chiếc xe đưa bé về, hàng trăm người dân vì thương xót đã vượt đêm tối để đến tiễn em lần cuối. Lúc lập ban thờ cho con, người mẹ mới kịp nhớ con không có một tấm hình nào để thờ. May mắn thay, người dì của bé lục trong điện thoại mới có được một tấm ảnh mờ mờ nhòe nhòe nên in ra làm di ảnh.
Về bé Đạt ở bệnh viện, trong thời khắc giành giật sự sống, điều thần kỳ đã đến với em. Hơn nửa tháng lọc máu trong phòng cách ly, bé dần hồi phục và được về nhà.
Người mẹ đưa bàn tay quệt nước mắt kể, chồng làm thợ sơn còn chị làm thuê làm mướn. Khi hai vợ chồng vừa vay mượn xây được một gian nhà tạm bợ để ra riêng thì đại nạn ập đến. “Hồi đó, ban thờ bé Tâm phải đặt nhờ ở nhà ngoại. Về sau, nhờ nhiều người hảo tâm thương tình giúp đỡ nên vợ chồng tui xây được căn nhà nhỏ để rước bàn thờ của cháu về. Mộ phần của cháu cũng được xây đắp khang trang”.
Chị rưng rưng kể thêm, gần 6 năm nay, đối với vợ chồng chị cuộc sống không lúc nào vui. “Đêm nào tui cũng khóc vì nhớ con và lo lắng bé Đạt lớn lên không được bằng bạn bằng bè. Mấy năm trở lại đây, má phải của bé phù lên bất thường và thường xuyên bị chảy máu mũi. Vợ chồng tui định bụng gom góp đưa con đi khám nhưng vẫn chưa có đủ tiền”.
Tuy nhiên, so với những đứa trẻ cùng lứa tuổi, Đạt chưa từng ốm vặt lần nào. Người mẹ cho hay, bé Tâm từ nhỏ đã rất thương em. Có lẽ dù đã về trời nhưng linh hồn cô bé vẫn ngày ngày dõi theo bảo vệ và làm bạn với em.
“Chị em nó dù đã hai thế giới khác nhau nhưng vẫn như có thần giao cách cảm khiến vợ chồng tui nhiều lần ngỡ ngàng đến khó tin. Hôm đưa bé Đạt từ bệnh viện về, chồng tui ôm con trên tay. Vừa bước vào nhà, bé Đạt chỉ tay vào tấm di ảnh nhòe của bé Tâm trên bàn thờ. Bé chỉ rất lâu, mãi đến khi có người đốt một cây nhang thắp lên thì bé Đạt chắp hai tay lạy 3 lạy. Cả nhà tui đều giật mình, rồi ai cũng nhìn nhau lặng lẽ rơi nước mắt…”
“Rồi khi bé Đạt 3 tuổi, trong một lần dì bé đưa cháu đi ăn sáng. Bé Đạt gọi 3 tô hủ tiếu, em tui chưa kịp hiểu thì người ta bưng ra. Bé Đạt nhìn về phía chiếc ghế không có người ngồi nói rằng: “Em gọi cho chị đó. Chị ăn ngon nhé. Em thương chị”. Cả quán nghe thấy mà lạnh cả sống lưng”.
“Nay cháu Đạt đã học lớp lá, ở lớp được đánh giá là ngoan và thông minh. Sắp tới đã là đám giỗ thứ 6 của bé Tâm, mấy hôm trước Đạt đi học về rồi đột nhiên ôm lấy tui thủ thỉ “mẹ ơi, hồi đó chị vì cứu con mà mất phải không mẹ”, “con thương chị lắm”, vợ chồng tui nghe mà chết lặng. Có lẽ ở trên trời, bé Tâm cũng được yên lòng…”.
Người mẹ ôm mặt, nước mắt không ngừng rơi: “Có lẽ khi phát hiện tổ ong rơi xuống, nó đã định ôm lấy em bế đi chỗ khác nhưng không đủ sức nên dùng thân mình ấp lên che chắn bảo vệ cho em. Dù bị đàn ong độc ác tấn công đau đớn nhưng nó chưa một phút bỏ lại em để thoát thân mà vẫn dũng cảm, kiên trì bảo vệ cho em đến cùng, đến khi mẹ trở về…”
Nguồn:Báo Pháp Luật
"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."