Cha day dứt vì đồng lõa với kế hoạch sát hại chính con mình chỉ vì tin chuyện bùa ngải

Để trả thù, “trừ họa”, một nhóm người đã lập kế hoạch sát hại dã man một người vô tội vì cho rằng anh này đã gây ra những cái chết bất thường trong ấp. Đau đớn hơn, đứng sau kế hoạch ấy lại có cả cha của người xấu số.

Niềm tin mê muội

Ấp Tà Teng (xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) nằm giáp với biên giới Campuchia. Mấy năm trước, bởi xa xôi cách trở nên đời sống người dân vô cùng khó khăn, lạc hậu. Bởi thế, thời gian ấy, ở ấp này, người dân vẫn mụ mị tin vào chuyện bùa ngải hại người.

Ảnh:internet

Thời gian đó, ở Tà Teng bất cứ ai trong chết là việc đầu tiên người ta nghĩ nguyên do là bị yểm bùa. Vùng này, trước đây có nhiều người vượt biên sang Campuchia để học “nghề” bùa ngải.

Tin chuyện hoang đường nên người dân khi bệnh tật không hề nghĩ đến bệnh viện, thầy thuốc mà chỉ nhất quyết tìm tới các thầy bùa để nhờ “làm phép” giải bệnh.

Ảnh:internet

Vụ án đau lòng xảy ra khởi nguồn từ cái chết của ông Tiên Men, 63 tuổi. Ông Men bỗng dưng lìa đời khi vẫn còn cường tráng. Ông Tiên Men chết sau một giấc ngủ. Con trai ông là Tiên Qui (SN 1980) nhiều lần vuốt mắt để cha được yên nghỉ nhưng không được. Ông cứ mở mắt trừng trừng.

Tang cha chưa mãn thì Tiên Đốc khi đó 19 tuổi, em gái của Tiên Qui cũng bất thình lình lăn ra chết. Chỉ trong vòng vài tháng gia đình phải mang tang hai lần đã khiến sự nghi ngờ của Tiên Qui và gia đình về chuyện bố, em bị bỏ bùa bùng phát.

Sau khi làm xong đám tang cho cha và em gái, Tiên Qui được nhiều người dân “vẽ đường” là phải đi tìm nguyên nhân dẫn đến những cái chết trên bởi chỉ có tìm được người bỏ bùa mới giải được oan ức cho người xấu số và những thành viên còn lại của gia đình mới có thể sống yên ổn.

Ảnh:internet

Như những gì dân làng suy đoán, đồn thổi, Tiên Qui đi xem bói thì thầy phán cha và em gái bị yểm bùa. Không những phán nhăng quậy thế, thầy còn bảo phải tận tay giết người làm bùa ngải thì dân làng mới có cuộc sống yên ổn.

Khi Tiên Qui chưa đủ chứng cứ để xác minh lời thầy bói nói thì ở ấp lại xảy ra 2 cái chết bất ngờ khác. Một người là Thạch Na (SN 1950) và bà Thị Pil (SN 1962) mẹ đẻ và mẹ vợ của Tiên Sam (SN 1972), nạn nhân xấu số của của vụ án kinh hoàng này.

Tìm thầy pháp để truy kẻ bỏ bùa

Tiên Sam và Tiên Qui là anh em họ. Tuy nhiên, hai người có mâu thuẫn vặt vãnh trong cuộc sống thường ngày. Trước đây, như nhiều người khác, Tiên Sam cũng sang Campuchia học bùa ngải và từng nhiều lần nói với dân làng là mình biết “nghề” kỳ dị này. Bởi vậy, trước những cái chết trẻ của người dân trong ấp, người bị tình nghi số một chính là Tiên Sam.

Thậm chí, khi bà Thạch Na và Thị Pil chết, sự nghi ngờ ấy càng lớn thêm gấp bội. Dân trong ấp cho rằng, người học bùa muốn giỏi nghề thì đầu tiên phải lấy người thân ra làm “chuột bạch”. Ngay cả chính Tiên Xem (SN 1949), cha của Tiên Sam cũng có mối nghi ngờ đó.

Ngay sau cái chết của vợ, Tiên Xem cũng đi xem bói. Đi với ông là Tiên Qui. “Thoạt đầu, khi nhiều người nói rằng thằng Tiên Sam làm nhưng ông Xem cứ một mực không tin đó là sự thật. Cho đến khi đi xem bói cùng với thằng cháu là Tiên Qui thì ông đã thay đổi hoàn toàn, ông tin là con mình chính là người đã gây ra những cái chết trên”, bà Thị Sậy, mẹ kế Tiên Sam kể lại.

Ông Xem có 5 người con, Sam là con trai cả. Theo lời kể của dân trong ấp, Sam là người dẻo miệng và luôn lợi dụng chuyện mình từng học bùa ngải để dọa nạt người cuồng tín, kém hiểu biết.

Chính vì thái độ tự đắc của Sam nên dân ấp Tà Teng tin Sam có bùa và sợ Sam như sợ hủi. Nhiều người mỗi khi thấy bóng dáng của Sam đi qua điều phải đóng cửa để tránh mặt. Họ sợ Sam bỏ bùa.

“Nhiều nhà họ sợ thằng Sam tới mức đang ăn cơm, thấy Sam đi qua cũng phải vội vàng dẹp hết đồ ăn đóng cửa lại. Tung tích của thằng Sam cả dân làng điều biết cả. Họ thông báo cho nhau để tránh va chạm với Sam. Vì họ tin Sam là kẻ hung ác, kẻ biết bùa ngải hại người”, chị Thị Bal, vợ của Sam chia sẻ về nỗi oan của chồng mình.

Cha ủng hộ thanh niên làng hành quyết con mình

Sau khi được thầy cúng “cao tay” chỉ định người gây họa cho dân làng, phẫn uất, Tiên Qui cùng một số người khác đã lập kế hoạch “giết người để trừ họa cho dân”. Đau đớn, kế hoạch ấy lại được ông Tiên Xem, bố của Tiên Sam ủng hộ.

Được sự đồng ý của ông Xem, Tiên Qui đã huy động hơn 10 người thanh niên trong ấp để lên kế hoạch vây bắt “thầy phù thủy” hại người đang sống trong ấp. Ngày 14/1/2010, khi Tiên Qui đi chợ thì phát hiện Tiên Sam đang đi trên bờ ruộng, cặm cụi cắt cỏ cho bò ở ấp Tiên Khánh (xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang). Thấy Sam đi có một mình, Tiên Qui vội vàng quay về thông báo cho mọi người trong ấp để vây bắt.

Chỉ trong vòng ít phút, cả đám thanh niên hơn chục người đã bắt được Tiên Sam ngay tại cánh đồng vắng vẻ.

“Họ giải người được cho là mầm mống tai họa của dân làng đến vị trí đúng như lời thầy pháp nói. Họ dùng dây thấm dầu để trói Tiên Sam. Khi Tiên Sam bị trói nằm chỏng chơ ở đó thì dùng cây tre, cây trúc còn lá vót nhọn đầu để đâm khắp người cho đến khi Tiên Sam chết”, ông Tiên Paol, một người chứng kiến vụ việc kinh hãi nhớ lại.

Theo những người chứng kiến, bởi cho rằng Tiên Sam đã gây ra cái chết cho cha và em gái mình, Tiên Qui đã hùng hổ trút lên Tiên Sam những cú đâm kinh hãi hết như một người thợ rừng đi săn quái thú.

Hành quyết xong người xấu số, cả đám kéo về ấp thông báo “chiến tích”. Khi đó, mọi người trong ấp mở tung cửa như thể ăn mừng chiến thắng lẫy lừng.

Ám ảnh tội ác

Gây thảm án, đám thanh niên cuồng tín nghĩ mình đã lập được công lớn cho dân làng. Không lâu sau đó, sự việc được một số người dân thông báo cho cơ quan chức năng địa phương. Ngay lập tức cơ quan chức năng đã tiến hành bắt giữa Tiên Qui, Tiên Xem hơn chục người quá khích tham gia kế hoạch giết người tàn bạo này.

Khi bị bắt giữ, Tiên Xem, Tiên Qui ra sức kháng cự bởi họ cho rằng hành vi giết Tiên Sam chỉ là để bảo vệ dân làng chứ họ không hề phạm pháp.

Sau hơn 2 tháng tích cực điều tra, cơ quan chức năng đã đầy đủ các bằng chứng để chứng minh hành vi phạm tội của đám người quá khích. Tại phiên tòa mở ra sau đó ít lâu, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt Tiên Qui 15 năm tù, Tiên Xem 7 năm tù.

Những người liên quan đến cái chết của Tiên Sam bị phạt tù từng mức án khác nhau, tổng cộng là 152 năm tù. Ngoài ra, các bị cáo còn phải bồi thường 42 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần cho gia đình nạn nhân, đồng thời phải cấp dưỡng, lo cho các đứa con của Tiên Sam tới năm 18 tuổi.

Hiện tại, một số người tham gia vào vụ hành quyết kinh hãi này cũng đã được ra tù. Ông Tiên Xem cũng vậy.

Nhắc lại vụ việc đau lòng trên ông Xem bảo: “Từ ngày nghe thằng Qui nói chính thằng Sam là người giết cha và em nó tôi cũng không tin đâu. Nhưng nghĩ lại cũng thấy hơi rợn người khi lần lượt vợ trước của tôi chết, rồi mẹ vợ của thằng Sam chết thì tôi mới hoang mang.

Rồi tôi đi xem thầy bói ở trên núi gì đó tôi không nhớ nữa. Khi đi có đi cùng với một số người khác. Ông thầy bói cũng nói rằng chính Sam là người bỏ bùa, bỏ ngải giết mọi người trong làng. Thầy bảo phải giết nó không người tiếp theo là tôi, nó là mầm họa của cả gia đình và dân làng. Phần nghe lời dân làng nói, nghe thầy phán nên tôi cũng đồng ý giết con. Khi việc xảy ra, biết mình sai nhưng đã quá muộn rồi”, ông Xem tâm sự.

Ông Xem bảo, ở trong tù, ông đã rất ân hận về tội lỗi của mình. Giận mình bao nhiêu ông lại thương mấy đứa cháu nội (con Tiên Sam) bấy nhiêu. “Kể từ ngày về 3 đứa con của thằng Sam chả thèm gọi tôi một tiếng nội. Chắc chúng ghét tôi lắm”, ông Xem rầu rĩ.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tiên Đà, Trưởng ấp Tà Teng bảo, trước đây, dân trong ấp còn nhiều mê muội. Tất cả cũng bởi đường xá hiểm trở, xa xôi, đời sống còn nhiều thiếu thốn. Sau vụ án kinh hoàng trên, chính quyền cùng người dân đang cố gắng bỏ đi những hủ tục lạc hậu để tránh đi những chuyện đau lòng.

Nguồn:Đời sống plus 

"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."