Học sinh 2k công khai chửi bới mạt sát giáo viên công khai trên facebook, không biết xử lí thế nào?
Vừa tựu trường được vừa hôm, nhiều học sinh đã lên trang cá nhân có lời lẽ không hay với thầy cô giáo, thậm chí dùng từ tục tĩu rất khó nghe.
Facebook trở thành nơi ‘xả’ những câu từ đầy thách thức của học sinh
Đáng chú ý những ngày gần đây là việc một nam sinh đăng lên Facebook chửi tục cô giáo chủ nhiệm vì ‘bị’ cô này… giao làm lớp trưởng. Mặc dù chưa rõ thực hư nhưng câu chuyện nhanh chóng trở nên ồn ào, đặc biệt là khi một người được cho là cô giáo chủ nhiệm đã vào trực tiếp Facebook học trò để ‘cảnh cáo’.
‘…cô giáo chủ nhiệm tự dưng cho tao làm lớp trưởng, làm cc á, ức vãi’, nguyên văn dòng status gây tranh cãi của nam sinh. Và cô giáo đã có phản hồi như sau: ‘Em ăn nói kiểu gì đấy? Cô bảo là tạm thời nhé. Mới vào trường đã thế à. Em xem lại em đi, cô vào Facebook em hôm bữa thấy em chửi các bạn, hôm nay chửi cô, cô sẽ xử lý đến nơi đến chốn!’.
Câu chuyện dù chưa rõ thực hư song cũng khiến cho nhiều người cảm thấy lo ngại về đạo đức của thế hệ học trò mới. Cùng lúc, nhiều status nói hỗn với thầy cô của các teen 2k sau vài ngày nhập học đã được dân mạng chụp lại và truyền tay. Lúc này thì câu chuyện trở nên ầm ĩ hơn, đặc biệt là khi nhiều teen 2k ra mặt để đôi co với những người lên án mình.
Quay lại câu chuyện nam sinh chửi cô giáo vì bị giao làm lớp trưởng trên, theo thông tin chia sẻ trên Facebook, vụ việc xảy ra ở trường THPT T.C (Sơn La). Để xác minh, chúng tôi đã liên hệ đến nhà trường, tuy nhiên đại diện nhà trường cho biết chưa nghe tin gì về vụ việc và sẽ tiến hành xác minh.
Bàn luận về vụ việc, một bạn tên Ngọc Vy viết: ‘Thứ duy nhất tôi cảm thấy buồn đó là đôi khi các bạn trẻ cảm thấy uất ức thì thứ chúng dùng để xả là mạng xã hội, cho mọi người thấy con người chúng mất dạy thế nào thôi… Đúng thật nên giáo dục trẻ trước khi phát biểu để tránh bị ăn tát vì nghĩ mình có quyền thay đổi xã hội, trong khi chính bọn trẻ còn chưa biết rửa bát hay rót cho cha mẹ chúng ly nước.’
‘Ôi! Giật cả mình. Vì giữa kỳ 2 năm ngoái mình cũng thay lớp trưởng, mà em ấy phản đối không muốn làm. Các cháu 16, 17 tuổi rồi, rất ương bướng, 1 số cá biệt thì thích thể hiện nên không phải thầy cô nói gì là nghe nấy đâu.’ – một cô giáo bình luận.
Phản ứng của thầy cô trước sự ngỗ ngược của học trò
Trong công tác giáo dục, chắc hẳn cô thầy nào cũng từng gặp phải những học trò cá biệt, thậm chí có hành động, lời nói hỗn hào với mình, hoặc người đồng nghiệp của mình. Vậy các thầy cô có suy nghĩ như thế nào?
Cô giáo Quỳnh Trang (GV bộ môn Sinh học, THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) thừa nhận dù bản thân chưa gặp tình huống tương tự nhưng từng đã nhìn thấy đồng nghiệp rơi vào tình cảnh như thế. Cô tâm sự: ‘Thật ra mỗi người luôn có áp lực nhất định, HS có áp lực riêng, giáo viên cũng có vô vàn gánh nặng. Khách quan mà nói, HS nói tục với giáo viên trên Facebook là sai, khiến quan hệ thầy trò thêm căng thẳng. Nếu là tôi trong tình huống này, tôi không lựa chọn đôi co trên Facebook mà gặp trực tiếp em học sinh để trao đổi’.
Thầy Trịnh Văn Quỳnh, GV Ngữ Văn trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định) thì bày tỏ: ‘Chuyện đăng lên mạng xã hội hoặc group kín của lớp nói xấu giáo viên xuất hiện trong một số bộ phận học sinh. Nguyên nhân do học sinh bức xúc hoặc ấm ức một chuyện gì đó, do chưa có sự cảm thông giữa thầy và trò nên học sinh chỉ biết trút tâm sự lên mạng xã hội.
Chuyện này thường xuyên xảy ra khi mạng xã hội lên ngôi. Nhiều em học sinh mâu thuẫn lời nói trên mạng nên gây xa xô xát. Với giáo viên thì phải xử lý khéo léo hơn.
Học sinh lúc bức xúc có thể không kìm chế đăng lên mạng xã hội sau khi giải tỏa cảm xúc có thể các em suy nghĩ lại. Đó là sự bồng bột của tuổi trẻ mà giáo viên phải lấy bản lĩnh đứng lớp để đáp lại.
Nhiều giáo viên chọn cách xử lý kỷ luật thông báo với phụ huynh nhà trường, nhiều giáo viên lại chọn cách đối thoại lắng nghe, hoặc chọn cách im lặng bỏ qua trước những lời miệt thị chê bai.
Tôi chọn cách im lặng và ứng xử bằng hành động, khi học sinh nhận ra được trí tuệ nhân cách và tâm huyết của người giáo viên sẽ phải thay đổi thái độ. Nhiều em đã ngỏ lời xin lỗi có thể sau 1 vài ngày cũng có khi vài năm sau khi em ra trường.
Người giáo viên khi bị xúc phạm có thể bị tổn thuơng tinh thần nhưng lời qua tiếng lại còn gây nên mệt mỏi chuyện bé thành to và tiếng xấu của mình bị lan truyền nhanh hơn sau này không thể giải thích được.’
Mang câu chuyện này trao đổi với một phụ huynh ở Đà Nẵng, nhìn nhận vụ việc, phụ huynh này cho biết: ‘Con tôi ở nhà cũng hay kêu ca thầy cô khó tính, thỉnh thoảng tôi lại thấy cháu và nhiều bạn học cùng lớp lại tụ tập nói xấu thầy cô. Bây giờ mạng phát triển, các con không chỉ nói với nhau nữa mà con mang lên mạng nói công khai.
Tôi thấy đây là vấn đề mà nhà trường cũng cần lưu tâm, giáo dục các con kĩ hơn, Dù thầy cô đúng sai chưa biết, lên mạng chửi mắng tục như vậy thì phải có biện pháp xử lý phù hợp.’
Theo Đất Việt
"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."