Xót xa cô gái Hà Nội 10 năm đi viện chạy thận với những ước mơ còn dang dở

Nguyễn Thị Oanh (Mê Linh – Hà Nội) đã có thâm niên 10 năm chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai. Trong suốt 10 năm đó, căn phòng trọ có diện tích gần 10m2 chính là ngôi nhà thứ 2 của Oanh.

Ước mơ còn dang dở

Oanh chia sẻ, căn bệnh thận đã theo cô suốt 18 năm qua, nó bắt đầu từ khi Oanh lên 9 tuổi, khi đó bác sĩ phát hiện bị viêm cầu thận. Điều trị căn bệnh viêm cầu thận suốt 8 năm trời, đến năm 17 tuổi Oanh phải đi cắt ruột thừa. Kể từ sau ca phẫu thuật đó, Oanh bị suy thận và phải gắn cuộc đời mình với chiếc máy chạy thận.

Trước đây, dù mắc bệnh phải điều trị hàng ngày, nhưng Oanh vẫn luôn có ý thức trong việc học hành. “Khi đó, em biết bệnh của mình, nên phải cố gắng học tập thật tốt với mong muốn sau này kiếm được một công việc phù hợp với sức khỏe”, Oanh ngậm ngùi nhớ lại.

Kể về quá trình chiến đầu với bệnh tật của mình, không ít lần Oanh rơi nước mắt.

Nhưng rồi, sức khỏe ngày càng chuyển biến xấu, thời gian ở viện còn nhiều hơn cả thời gian đi học và Oanh không thể theo kịp chương trình nên đành “gác” bút sách, rời gia đình, quê hương chuyển xuống Hà Nội thuê nhà ở trọ để chữa bệnh.

Không chỉ có uớc mơ đi học dang dở, cho đến tận bây giờ sau 10 năm chạy thận liên tục, sức khỏe của Oanh đã giảm sút rất nhiều, nhất là những hôm trái nắng trở trời, Oanh lại ho và toàn thân đau nhức. “Giờ đây, nhiều bộ phận trong cơ thể em đã hỏng. Có những đêm, khi đang ngủ cảm thấy như có kiến bò trong xương, mắt thì mờ đi trông thấy, dạ dày bị ảnh hưởng do uống nhiều thuốc…”, Oanh nói.

Thậm chí, những mong muốn nhỏ nhoi nhất trong cuộc sống hàng ngày của Oanh cũng không thể thực hiện được, đơn giản như việc đi vệ sinh một cách thoải mái nhất giống những người phụ nữ bình thường khác.

“10 năm nay nhiều khi đi chơi cùng với các chị khỏe mạnh, nhìn mọi người đi vào nhà vệ sinh như bình thường mà phát thèm. Em chỉ thầm ước mình cũng được như vậy”, Oanh nói.

Theo Oanh, những người mắc căn bệnh này coi như bị một “án tử hình” treo trên đầu và suốt đời không thể tách rời khỏi bệnh viện. “Ai đã mắc căn bệnh này khi nào chết mới được về quê hương”, Oanh nói.

Xót lòng những hình ảnh “tàn phá” cơ thể khi chạy thận.

Muốn có con mà chẳng dám

Trong suốt 10 năm chạy thận, Oanh đã phải trải qua rất nhiều gian truân vất vả. “Bệnh tật là chuyện đã rồi và đương nhiên mình phải đối mặt, nhưng có nhiều chuyện đôi khi quyết định lại thay đổi cả một cuộc sống con người”, Oanh chia sẻ.

Đó chính là câu chuyện tình cảm của Oanh. Theo lời kể của cô gái này, cách đây khoảng 5 năm về trước, Oanh có quen một người có cùng cảnh ngộ với mình. “Anh ấy có em cùng cảnh chạy thận, bản thân anh ấy cũng ốm yếu chẳng làm được việc gì nặng, chúng em hiểu và thông cảm cho nhau nên quyết định đến với nhau”, Oanh kể.

Tuy nhiên, quyết định này lúc đầu đã gặp phải sự phản đối của những người trong gia đình. Mọi người cho rằng việc Oanh bệnh tật như vậy không làm ăn được gì giờ lấy chồng cũng có hoàn cảnh như vậy thì chỉ làm khổ nhau.

Dù có gia đình nhưng Oanh vẫn phải sống dựa vào bố mẹ.

Nhưng rồi, sức mạnh tình yêu của Oanh và chồng đã “chiến thắng” mọi thứ. Tính đến nay hai vợ chồng oanh đã về ở với nhau được khoảng 4 năm. “Anh ấy là người rất hiền lành, yêu thương vợ, mỗi khi có chuyện gì không vừa ý anh ấy chỉ cười thôi. Bây giờ duyên số đưa chúng em lại với nhau, thôi đành nương tựa vào nhau để sống, chứ biết làm sao”, Oanh chia sẻ về người chồng của mình.

Hiện tại, do Oanh sức ngày càng yếu, nên việc bán cafe dạo một mình chồng Oanh cáng đáng. “Cuộc sống ở đây em vẫn chủ yếu dựa vào gia đình, nghĩ mà thấy mình thật là vô dụng. Mỗi khi về nhà, nhìn thấy sổ nợ gia đình ngày càng dày lên mà lòng cảm thấy đau nhói, nhưng với chút sức cùng, lực kiệt em cũng chẳng biết phải làm sao”, Oanh nói.

Nguồn:Khám phá

"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."