Theo truyền thống Nepal, má.u ki.nh của phụ nữ bị xem là dơ bẩn và vì thế mà họ bị đuổi ra những túp lều tạm bợ để sống trong những ngày ấy.
Tại một số vùng ở Nepal, nhiều người tin rằng nếu một cô gái lấy chồng trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt thì gia đình của cô sẽ được lên thiên đàng. Vì thế tục tảo hôn và tục cách ly khi hành kinh (Chapaudi) luôn có liên quan mật thiết với nhau và đều xoay quanh sự trong sạch, thuần khiết của một phụ nữ trước và sau khi bắt đầu hành kinh.
Bị cho là không sạch sẽ, không thể chạm vào và có khả năng trút tai ương lên đầu người khác, gia súc cũng như vùng đất họ đang sống mỗi khi hành kinh, phụ nữ luôn bị tống cổ khỏi ngôi nhà của họ. Một số người phải sống trong các kho dụng cụ gần đó trong khi những người khác phải đi bộ cách nhà 10-15 phút băng qua những cánh rừng rậm để đến chỗ những túp lều nhỏ tách biệt. Trong khi bị lưu đày, những phụ nữ này còn phải đối mặt, và thường xuyên mất mạng, vì cái nóng khủng khiếp và vì bị ngạt do những đống lửa được đốt lên để sưởi ấm vào mùa đông gây ra. Không những thế, họ còn bị rắn độc cắn và bị xâm hại.
Với mục đích chấm dứt hủ tục ép buộc phụ nữ phải bị lưu đày mỗi lần đến tháng này ở Nepal, nhiếp ảnh gia Poulomi Basu đã thực hiện bộ ảnh Nghi thức Lưu đày nhằm vạch trần những điều kiện khủng khiếp mà phụ nữ ở các vùng nông thôn phải chịu đựng trong vòng một tuần mỗi tháng trong suốt 35-45 năm cuộc đời họ trước khi mãn kinh.
Được biết tục cách ly khi hành kinh đã bị tuyên bố là bất hợp pháp bởi Tòa án Tối cao Nepal vào năm 2005, thế nhưng những người phụ nữ trong bộ ảnh của Basu đã được đào tạo để chấp nhận truyền thống này không một lời phàn nàn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ cũng chấp nhận hủ tục này được áp dụng với con gái họ. Vì thế mà một số người đã bí mật nhờ Basu rằng: “Cô hãy đưa con gái tôi theo với. Xin hãy đưa nó về thành phố với cô. Hãy dắt nó chạy khỏi nơi này.” Dù vậy nhưng để hoàn toàn chấm dứt hủ tục này, cả Basu lẫn những người phụ nữ khốn khổ kia vẫn còn cả một chặng đường đầy chông gai phải vượt qua.