Mẹ tâm thần, bố bệnh tật chăm con sống thực vật: “Không có tiền chữa thì phải để nó chết thôi”
Gia cảnh nghèo khó khi mẹ bị tâm thần nhiều năm nay, cha là cựu chiến binh mất sức lao động, tính mạng của cậu con trai bị tai nạn giao thông đang cận kề tử thần, mọi chi phí điều trị gia đình không có khả năng chi trả.
Về tới khu 1 xã Thanh Uyên (Tam Nông, Phú Thọ), cứ hỏi đến nhà em Phạm Tiến Đạt (sn 1995) gặp tai nạn hầu hết người dân đều lắc đầu ngao ngán “nó bây giờ sống thực vật mà”, “còn sống được mấy ngày” hay “nhà đấy cám cảnh, mẹ điên, bố mất sức, con gần chết”….
Mẹ điên khùng, bà ngoại ốm yếu, cha mất sức lao động lập trước ảnh thờ cho con
Lọt thỏm trong những tán cây của xã Thanh Uyên, Tam Nông (Phú Thọ), ngôi nhà bằng xi măng trát dở với những mảng tường bong tróc, lớp gạch không đủ sức kết dính khiến mọi thứ như sắp sập đổ.
Trong ngôi nhà là những con người đã “khổ hết phần người khác”, mẹ bị điên đã hơn 10 năm nay, bố là cựu chiến binh mất sức sau một lần bị ngã từ trên cao xuống lúc đang làm việc, con trai trưởng là Đạt cũng bị tai nạn giao thông đang chờ phép màu cứu giúp. Mọi sinh hoạt, thuốc thang đều phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi từ người con gái sinh năm 1998 làm công nhân gửi về.
Ông Phạm Văn Thanh (60 tuổi – bố Đạt) cho biết, Đạt là con đầu tiên của hai vợ chồng sau nhiều năm kết hôn, đến tối ngày 30 Tết 2017, khi mọi nhà đang chuẩn bị đón không khí năm mới cũng là lúc ông bủn rủn chân tay nhận được tin con trai gặp nạn ở gần nhà.
“Chạy tới nơi máu me be bét hết cả, mặt nó cũng không còn ra hình thù, lúc đó người ta nói chết rồi nhưng gia đình vẫn đưa con đi đến bệnh viện để cứu chữa. Mẹ nó điên, không dám nói cho biết vì sợ bệnh càng nặng hơn, tôi cũng đành nhờ cậy anh em họ hàng giúp đỡ, trông nom để vào viện chăm con”, ông Thanh chia sẻ.
Cũng từ lúc Đạt vào viện, mọi cho tiêu trong gia đình đều do em gái lo toan với số tiền làm được 4 triệu/tháng. Số tiền lo viện phí cũng do người thân, anh em huy động và chạy vạy khắp nơi đã lên tới hơn 300 triệu đồng. “Bây giờ có mượn cũng không ai cho nữa, họ thấy cảnh này có ai dám đưa tiền cho mình, tiền ăn còn nhờ người thân huống hồ gì tiền trả người ta. Họ cũng có cái khó của họ, mình trong vị trí đó cũng không cho mượn thêm”, ông Thanh tâm sự.
Trong buổi trò chuyện với phóng viên, trên khóe mắt của người đàn ông 60 tuổi đỏ hoe, những giọt nước mắt cứ trào trực chảy xuống nhưng rồi ông cố kìm nén. Giờ đây, ông là trụ cột, là điểm tựa để mọi người có thể đứng vững.
Ông cho biết, khi chạy chữa được 2 tháng nhưng tình hình con trai không có sự thay đổi, mắt vẫn nhắm và tiên lượng xấu, gia đình đã lấy tạm chiếc ảnh thẻ của Đạt để mang đi rửa làm ảnh thờ. Người bà 88 tuổi thấy vậy chỉ nằm ôm ảnh đứa cháu khóc và phó mặc cho số phận. Ở cái tuối gần đất xa trời, bà lại phải chuẩn bị tâm lý để tiễn đứa cháu đầu xanh đi trước người đầu bạc.
“Không có tiền chữa thì phải để nó chết thôi”
Nói tới vợ, ông Thanh chia sẻ, bà Tâm bị điên từ hơn 10 năm nay, những lúc phát bệnh, bà lại đi lang thang khắp khu này đến khu khác, nhặt ăn những bẩn ngoài đường hay nằm ngủ ở bụi cây mà không ai biết. Chỉ khi có hàng xóm hay anh em họ hàng đôn đáo đi tìm về mới thấy gương mặt lấm lem, người đầy bùn đất của bà Tâm.
Cô Phạm Thị Đối (cô của Đạt) tâm sự: “Mẹ nó cứ điên điên khùng khùng như thế, ngày nào cũng lo, chỉ sợ nhảy xuống giếng. Có hôm chui vào gầm giường, cuộn tròn trong mớ túi bóng làm cả nhà đi tìm, tôi thì chạy ra giếng lấy sào chọc xem có nằm dưới đấy không. Lúc sau vào nhìn mới thấy, người thì tanh hôi, lại đến tay bố nó. Tôi thi thoảng mới chạy sang, còn đâu tất cả mọi việc do anh Thanh hết”.
Mọi công việc trong gia đình ông Thanh cho tới tiền chữa bệnh cho Đạt cũng một tay người cô lo liệu. Trong căn nhà cũ kỹ không có đồ đạc giá trị ngoài chiếc quạt, mấy chiếc ghế ngồi cũng do cô Đối mang sang để tiếp khách đến thăm. Thậm chí, chiếc giường mục nát, không có chiếc chiếu để nằm cũng do người cô mua cho để gia đình sử dụng. Tất cả mọi sinh hoạt, ăn uống trong nhà hầu hết do gia đình cô lo liệu để ông Thanh yên tâm chăm sóc con.
Ông Thanh cho biết, khi gặp tai nạn và được đưa vào viện, con trai ông sống trong tình trạng người thực vật. Để có thể duy trì sự sống mong manh còn lại, các bác sỹ đã phẫu thuật đưa hộp sọ ra ngoài, bảo quản ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và chờ đến khi nào gia đình có tiền, sức khỏe Đạt tiến triển hơn sẽ tiến hành đưa hộp sọ vào não.
Nhìn Đạt nằm thoi thóp trên giường, người mẹ điên không ngừng bật khóc, bà không dám lại gần bên để nhìn con trai. Bà Tâm ngồi một góc, nước mắt giàn dụa, trên gương mặt đờ đẫn của người mẹ điên không thể làm gì để giúp con mình bớt đau.
Ngày 4/5, không đủ tiền chi trả viện phí, gia đình Đạt đã xin cho con về nhà để tiện chăm sóc. Đạt vẫn nằm đó, trên đầu chỉ còn da bọc não và gương mặt biến dạng, phình lên. Ông Thanh cho biết, gia đình nhận được thông tin sang tháng 6 sẽ có đoàn về chữa cho các bệnh nhân ở Phú Thọ nhưng phải cần hơn 300 triệu nữa con ông mới có cơ hội sống sót.
“Ai cho mượn tiền nữa, nhờ cô nó đứng ra mượn cho, người ta cũng biết nên không có tiền đành để thằng Đạt như vậy. Trời thương thì cho sống, còn không chắc tôi nhìn nó chết vậy, người làm bố không lo được cho con nhưng bây giờ đến tiền ăn uống phải nhờ nhà cô Đối thì làm sao có đồng nào chữa nữa”, ông Thanh khổ sở nói, mắt đỏ hoe.
Nguồn:Đời sống plus
"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."