“Những cậu bé ếch” – Vụ án giết người rúng động Hàn Quốc 26 năm chưa lời giải đáp
Do quy định về hiệu lực điều tra vụ án đã kết thúc, hồ sơ của án giết người này đã bị đóng lại và trở thành một trong những vụ án ám ảnh và gây xúc động mạnh mẽ bậc nhất trong dư luận Hàn Quốc.
Một ngày cuối tháng 3/1991, một nhóm học sinh tiểu học gồm 5 cậu bé độ tuổi từ 9-13 rủ nhau đi bắt ếch tại vùng núi Waryong. Cả 5 đứa trẻ đều cùng học tại trường tiểu học Seongseo, thành phố Daegu và nơi ở của các em chỉ cách khu vực núi 3,5 kilomet.
Đến mãi chiều muộn, mặt trời đã xuống núi nhưng gia đình vẫn không thấy bóng dáng của 5 cậu bé đâu cả. “Những cậu bé ếch” – tên của truyền thông đặt cho các em – đã mãi mãi không bao giờ trở về nữa.
Sau khi các gia đình đến trình báo tại sở cảnh sát địa phương về vụ án mất tích, toàn bộ dân làng và cả lực lượng cảnh sát đều tỏa ra tìm kiếm, lùng sục khắp khu vực xung quanh nhưng không hề tìm được một dấu vết nào của 5 cậu bé. Vụ án mất tích bí ẩn đã tạo được sự chú ý trong dư luận. Tất cả báo chí, truyền thông đều vào cuộc đưa tin trong khi đội ngũ điều tra và tìm kiếm của cảnh sát thì vẫn giậm chân tại chỗ bất lực.
Vụ án rúng động và tạo nhiều áp lực đến mức tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là Roh Tae Woo cũng phải điều động hơn 300.000 nhân viên cảnh sát, quân đội và người dân tình nguyện viên tham gia vào quá trình tìm kiếm. Các bản tin quốc gia cập nhật vụ án từng phút một, cả đất nước đều mong ngóng theo dõi, ai cũng cầu mong những đứa trẻ đều có thể bình an vô sự trở về nhà.
Khoảng thời gian tìm kiếm đó, đã có khoảng 8 triệu tờ rơi được phân phát trên toàn quốc gia, thậm chí chính quyền còn treo thưởng 42 triệu won (khoảng 35 nghìn đô la) cho ai tìm được tung tích của các cậu bé ếch. Một số gia đình nạn nhân đã bỏ hẳn mọi thứ từ công việc đến cuộc sống của mình vì muốn dành hết tất cả thời gian và sức lực để tìm kiếm con mình.
Mặc dù công cuộc điều tra được tiến hành vô cùng ráo riết và rộng rãi trên đủ mọi phương tiện nhưng mọi thứ đều như vào ngõ cụt vì chẳng có một chút manh mối nào tìm được. Các cuộc gọi báo tin giả ngày một nhiều, có lần cảnh sát còn nhận được một cuộc gọi nặc danh của một gã đàn ông nói rằng: “Tôi đã bắt cóc bọn trẻ để lấy tiền chuộc nhưng chúng đã chết vì suy nhược cơ thể hết cả rồi”.
Cứ thế thời gian trôi qua, 11 năm tìm kiếm, 11 năm gia đình của các nạn nhân nhỏ tuổi sống không bằng chết, mỗi ngày đều thấp thỏm, lao đao và mỗi ngày trôi qua, niềm hy vọng về sự sống sót của các con mình càng tàn lụi dần…
Tháng 9 năm 2002, có một cuộc điện thoại nặc danh gọi đến cảnh sát cho biết: “Các người sẽ tìm được xác bọn trẻ tại núi Waryong”, nhưng lúc ấy cảnh sát chỉ nghĩ là một cuộc gọi đùa giỡn, giả danh như tất cả những cuộc gọi trước đây. Đáng sợ là chỉ vài ngày sau, có người trong lúc đến vùng núi Waryong nhặt quả thông thì phát hiện ra vài bộ quần áo rách rưới và giày trẻ con trải khắp nơi thì liền lập tức gọi báo cảnh sát. Sau khi tìm kiếm, cảnh sát đã tìm được ra 5 bộ hài cốt trong một cái hố cạn, xác định chính là của 5 cậu bé ếch. Câu hỏi được đặt ra là, tại sao cảnh sát đã từng kiếm hơn 500 lần khu vực này mà không hề phát hiện ra dấu vết nào?
Ban đầu, cảnh sát nghi ngờ 5 đứa trẻ bị đi lạc, lạnh cóng và chết dần do 5 bộ hài cốt được tìm thấy trong tư thế quây tròn lại như thể đang sưởi ấm cho nhau. Thế nhưng gia đình các nạn nhân đều phản đối kịch liệt bởi chúng đều là những đứa bé tinh khôn, khỏe mạnh và rất thông thạo khu vực, tại sao chỉ cách nhà khoảng 3 cây số mà không thể tìm được đường về? Hơn thế nữa, lúc xảy ra vụ án là vào mùa mưa, nếu các em đang bị lạnh, tại sao lại cởi quần áo ra để làm gì?
Sau khi tiến hành khám nghiệm kỹ lưỡng, cảnh sát nhận định họ đã phán đoán sai ban đầu. Họ tìm được dấu vết bị đánh bằng vật cùn trên hộp sọ của 3 nạn nhân. Họ còn tìm thấy vết máu trên 2 hộp sọ và hai lỗ đạn trên hộp sọ còn lại. Gần hiện trường, cảnh sát tìm thấy vài đầu đạn và vỏ đạn nhưng được biết khu vực này trước đây là bãi tập bắn nên không thể kết luận được có liên quan đến vụ án hay không. “Những cậu bé ếch” không còn là vụ án mất tích nữa, mà đã trở thành một vụ giết người.
Từ sau khi các bộ hài cốt được tìm thấy, cảnh sát cũng không phát hiện thêm được manh mối nào cho vụ án. Ngày 25/3/2004, tròn 13 năm sau ngày 5 cậu bé mất tích, gia đình cuối cùng cũng đã hoàn thành được nghi lễ chôn cất cho các con mình. Phần hộp sọ của các nạn nhân được hiến cho đại học Gyeongbuk để tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu y học.
Đến năm 2006, thời hạn 15 năm điều tra vụ án đã hết hiệu lực, cuối cùng hồ sơ án mạng bí ẩn của “những cậu bé ếch” xem như đã bị khép lại chẳng bao giờ có lời giải đáp. Mãi đến tháng 7 năm 2015, đạo luật này đã bị bãi bỏ, vì vậy những nạn nhân trẻ tuổi và gia đình họ có lẽ vẫn còn cơ hội đòi lại được công lý.
Năm 2011, dựa trên tình tiết bí ẩn của vụ án, các nhà làm phim đã sản xuất một bộ phim điện ảnh mang tên Children, do Lee Kyu Man làm đạo diễn. Bộ phim kể về hành trình điều tra vụ án của một nhà sản xuất chương trình truyền hình với sự giúp đỡ của một giáo sư tâm lý.
Phim đưa ra một giả thuyết rằng hung thủ chính là phụ huynh của một trong những đứa trẻ mất tích nhưng cuối cùng bị bác bỏ. Sau màn đấu trí và đuổi bắt căng thẳng, cuối cùng cảnh sát cũng bắt được kẻ thủ ác cũng là một người trong làng. Đáng tiếc kết thúc này chỉ là phim mà thôi.
"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."