Người mẹ khóc suốt nửa tháng trời chỉ mong gặp hai con gái sinh non ở tháng thứ 6
15 ngày sau sinh chị Hoa mới được nhìn thấy mặt con. Trong giây phút xúc động ấy chị đã òa khóc, đó là những giọt nước mắt vừa hạnh phúc, nhưng cũng còn không ít những suy tư.
Mẹ khóc ròng mong từng ngày gặp con
Có mặt tại khoa Hồi sức Sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương đúng vào thời điểm người nhà đưa cơm tối, chúng tôi theo chân anh Tào Đức Lưu (sinh năm 1986, ở thôn Minh Sơn, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) lên phòng bệnh.
Tại đây, những đồ dùng, hộp cơm phải được đưa qua cánh cửa sổ đang hé mở. Vừa đưa cơm vào trong, anh Lưu vừa nói: “Trong phòng này chỉ có chị em được ở thôi, nửa tháng đưa con lên đây, tôi chưa được vào bế con lần nào”.
Vừa nói chuyện, anh Lưu vừa chỉ tay vào phía giữa phòng bệnh, nơi vợ anh là chị Bùi Thị Hoa và bà cô đang bế 2 cô con gái bé bỏng của mình. “Vợ tôi mang thai đôi, lại sinh thiếu tháng, nên sau 1 tuần chăm sóc đặc biệt trong lồng kính, tôi phải nhờ một bà cô ra cùng chăm sóc, chứ mình chỉ ở vòng ngoài phụ đạo thôi”, anh Lưu nói.
Theo chia sẻ của anh Lưu, ngày 20/5, khi đó vợ anh mang thai mới được có 6 tháng. Buổi tối sau khi ăn cơm xong, bỗng dưng thấy con ở trong bụng đạp thình thịch, cùng với đó là biểu hiện đi tiểu nhiều và ra dịch màu trắng.
“Nghĩ có chuyện chẳng lành, tôi gọi xe đưa vợ ra thẳng Bệnh viện Sản Thanh Hóa. Chỉ sau 2 tiếng vợ tôi đã được mổ đẻ và 2 bé song sinh chào đời với cân nặng của chị là 1,5kg, còn em được 1,9kg”, anh Lưu kể lại.
Do sinh thiếu tháng, hai cháu được chuyển thẳng sang Bệnh viện Nhi Thanh Hóa nuôi trong lồng kính 2 ngày, rồi tiếp tục được chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương. Còn vợ anh Lưu bị nhiễm trùng ở vết mổ, thêm vào đó là bệnh tiểu đường thai kỳ nên phải nằm lại bệnh viện sản theo dõi.
“Kể từ khi sinh ra, cho đến tận ngày 5/6 vợ tôi mới được nhìn thấy con. Những ngày còn điều trị ở trong bệnh viện tỉnh, khi nào gọi điện về vợ tôi cũng khóc vì nhớ con.
Sau khi ra Hà Nội được 4 ngày, hôm được gặp các con, vợ tôi khóc nức nở và cũng kể từ đó đến giờ 3 mẹ con chăm nhau trong phòng bệnh, còn tôi thì tiếp tế cơm, nước, bỉm sữa… bên ngoài”, anh Lưu nói.
Chỉ mong một ngày yên ổn
Hai vợ chồng anh Tào Đức Lưu và chị Bùi Thị Hoa lấy nhau đã gần 10 năm, nhưng trong suốt 10 năm đó sóng gió liên tục ập đến với gia đình. Theo lời kể của anh Lưu, sau khi lấy nhau được hơn 1 năm, anh chị hạ sinh một cậu con trai vào năm 2010.
Nhưng không may mắn, con trai anh chị bị teo não và phải đặt đâu nằm đấy từ khi sinh cho đến tận bây giờ. Sau khi sinh con đầu lòng được 2 năm, anh chị quyết định sinh thêm con, nhưng đợi mãi, đợi mãi vẫn chưa có tin vui.
Sau khi đi khám, anh chị mới biết cả hai bị vô sinh thứ phát (chồng tinh trùng yếu, vợ u nang buồng trứng) và muốn có con không còn cách nào khác là phải thụ tinh trong ống nghiệm.
Với khao khát có con, anh Lưu và chị Hoa vay mượn khắp nơi được 250 triệu để đi làm thụ tinh trong ống nghiệm. Đến năm 2015, anh chị khăn gói ra Hà Nội để thực hiện việc thụ tinh.
Dù chuyển phôi thành công, nhưng sau đó siêu âm không thấy tim thai nên các bác sĩ đã yêu cầu hút bỏ ra ngoài. “Tiền mất, giọt máu cũng mất chúng tôi buồn lắm, nhưng phải cố gắng gượng với những hy vọng cuối cùng”, anh Lưu chia sẻ.
Sau lần thụ tinh hỏng năm 2015, đến cuối năm 2016 hai anh chị mới đến bệnh viện để thực hiện chuyển nốt 4 phôi còn lại. Lần này may mắn đã mỉm cười với hai vợ chồng anh chị khi chuyển 4 phôi, thì có đến 3 phôi thành công. Tuy nhiên, để an toàn các bác sĩ đề nghị hủy 1 phôi và giữ lại 2 phôi.
Kể từ khi thụ tinh thành công, hai vợ chồng vui mừng khôn xiết, hàng ngày anh Lưu đi làm thuê lấy tiền để chăm vợ, trả nợ và tiết kiệm sinh con… Nhưng cuối cùng, cái thai chẳng thể ở trong bụng đủ ngày đủ tháng.
“Thôi thì con muốn ra sớm gặp bố mẹ, mình cũng chấp nhận thôi. Bây giờ điều quan trọng nhất với tôi là phải làm sao chăm tốt cho mẹ, để nhiều sữa cho 2 con bú”, anh Lưu quả quyết.
Khi chúng tôi hỏi về dự định đặt tên cho hai cháu, anh Lưu cười và nói: “Ngay khi mới sinh ra, các bác sĩ đã đặt tên chị là Tào Anh, còn em là Tào Em rồi. Hiện tôi vẫn chưa nghĩ ra cái tên gì cả, nên cứ để thế cho dễ gọi và dễ phân biệt chị em”.
Nguồn:Khám phá
"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."