‘Nặng lòng chữ hiếu Cha ơi! Làm sao trả nổi cuộc đời của con’
Tình yêu mà cha dành cho chúng con thật thầm lặng. Còn đối với mẹ, lại là tấm chân tình sâu đậm, giống như rượu để càng lâu lại càng nồng nàn, càng thơm…
Từ xưa tới nay, những từ “trầm mặc, ít nói, hướng nội” thường được dùng để nói về cha. Mãi cho tới hai năm trước, khi mẹ tôi “bất cẩn” lên nhầm chuyến xe “tai biến” tại New York, thì tôi mới dần dần phát hiện ra rằng, hóa ra… cha cũng thật dịu dàng. Sự mềm mại đó thể hiện ra từ trong sinh hoạt thường ngày, âm thầm tích trữ thành dòng sông, lặng lẽ chảy mãi không dừng, tưới mát tâm hồn tôi.
Trong thị trấn nhỏ của chúng tôi, những đứa trẻ đều lớn lên, chắp cánh bay cao bay xa. Những người đến tuổi lập gia đình thì lập gia đình, những ai muốn phát triển sự nghiệp thì cũng tới nơi đất khách quê người làm ăn.
Vậy nên trong căn nhà trống trải chỉ còn lại hai bóng già nương tựa vào nhau. Thi thoảng cuối tuần hoặc vào ngày nghỉ con cái mới quây quần đông đủ. Buổi hàn huyên vui vẻ sớm kết thúc, con cháu lại rời đi như cơn lốc, thoáng chốc không gian lại trở nên yên ắng. Có lẽ đây là bức tranh tả thực khá chuẩn xác về hình ảnh gia đình hiện đại ngày nay.
Từ ngày mẹ tôi bị tai biến, mặc dù sức khỏe chuyển biến tốt, nhưng cánh tay phải của mẹ vẫn chưa hoàn toàn bình phục. Cánh tay trở nên yếu ớt không còn mấy sức lực, 5 ngón tay thi thoảng tê bì và co cụm lại. Mẹ muốn chụm tay lại hay giơ tay ra hoặc cúi trước ngả sau cũng không còn dễ dàng, linh hoạt như xưa.
Dẫu cho 7 người con chúng tôi đã nói cạn lời với cha mẹ già, ngỏ ý muốn mời người giúp việc lo toan việc lớn việc nhỏ trong nhà, để cha mẹ được an nhàn lúc tuổi xế chiều nhưng đều không thuyết phục được cha mẹ. Cha mẹ xưa nay vốn tính cách không hợp nhau nhưng về việc thuê người làm lại cùng một suy nghĩ.
Điều này cũng thật lạ, cha mẹ đều xuất thân vất vả, giờ lại được người khác cung kính hầu hạ, phải chăng thấy ngượng ngùng hay không thoải mái vì trong nhà có thêm người lạ? Dù sao thì cũng không thể thuyết phục được cha mẹ, chúng tôi chỉ biết thương lượng sắp xếp thời gian cùng về thăm nhà, thu dọn, quét tước, làm những việc vặt trong nhà.
Vậy là tự nhiên gánh nặng dọn dẹp và mọi thứ trong nhà cha lại đổ dồn lên vai cha. Từ việc quét tước nhà cửa cho tới việc lau cửa sổ, giặt giũ quần áo, dọn dẹp vệ sinh, cơm nước, tắm giặt, khâu vá…. thậm chí ngay cả việc chà rửa hàm răng giả cho mẹ, đều do một tay cha làm. Cha cũng không nói một lời nào, ông chỉ âm thầm chu toàn mọi việc. Những việc làm tưởng chừng nhỏ bé ấy lại trở nên vĩ đại trong lòng tôi.
Tôi ôm giữ chúng trong lòng với một nỗi xúc động nghẹn ngào thầm lặng, cố kìm nén con sóng lớn đang ầm ầm vang dội: Đây chẳng phải là những việc trong phận sự của con cái hay sao? Không thể hàng ngày phụng dưỡng hiếu kính bên cha mẹ, tôi thấy thật xấu hổ và ăn năn.
Cha vốn là người đôn hậu, lạc quan. Dẫu là chuyện to tày trời lọt vào mắt ông, thì ông vẫn điềm nhiên đối diện với nó, sau đó cha mới tìm cách giải quyết. Dẫu gặp phải chuyện oan ức hoặc khiến lòng người oán hận, cha cũng không mảy may thể hiện điều gì trên khuôn mặt hay phản ứng lại, cha vẫn trầm tĩnh, quật cường và kiên định. Sự nhẫn nhịn này thường khiến tôi xúc động.
Tính tôi bộp chộp, hay nóng giận, động một chút là tôi có thể nổi đình nổi đám lên. Khi sốt ruột hay công việc thất bại tôi hay phiền muộn, rồi thành ra bực dọc. Còn cha tôi xưa nay lại không hề nổi giận trách mắng ai, ông lại càng không cằn nhằn, khó chịu với mọi người xung quanh. Ông vẫn luôn im lặng không nói, chỉ chuyên tâm cố gắng thu xếp mọi việc thật êm đẹp.
Sự ảnh hưởng thầm lặng này ngấm dần vào trong cõi lòng tôi, xuyên suốt dòng chảy trong sinh mệnh của tôi, và dạy cho tôi những nội hàm tinh thần sâu sắc. Việc giáo dục vô hình nhưng lại rất cảm động của cha là tài sản lớn nhất trong cuộc đời này của chúng tôi.
Cha còn có khả năng âm nhạc thiên bẩm như ông nội. Nghe mẹ kể rằng trước kia ông nội kéo đàn nhị rất hay, ông tự học mà thành tài. Còn cha lại rất nhạy cảm với tiết tấu của âm nhạc. Ông thích nghe nhạc, thích hát, mỗi lần ông thổi sáo lại càng giống ông nội, tự học mà thành tài. Có lẽ vì vậy mà trong dòng máu của tôi cũng tự nhiên có niềm đam mê nhiệt thành với âm nhạc. Những khi cao hứng, cha lại dùng ngón trỏ ấn trên phím đàn, nốt được nốt không, tạo thành những “đơn khúc sáng tạo”, mang lại niềm vui cho mọi người.
Thi thoảng về nhà tôi lại nhìn thấy dáng cha nằm thư thái trên chiếc ghế gập. Đôi khi ông lẩm nhẩm bài hát của những ca sĩ vang bóng một thời, hay thổi bài tiêu “Một nhành mai” mà ông ưa thích nhất. Dù là tiếng sáo hay tiếng hát của cha cũng đều thấm đẫm thi vị thâm trầm của tuổi tác. Phong vị ấy tưới tắn, thấm nhuần từng chút một vào trong tâm hồn thơ bé của tôi, thì thầm bên tai tôi, đong đầy trong tim tôi và vang vọng mãi trong tâm hồn tôi.
Tính cách lạc quan, yêu đời của ông thường dễ dàng mang đến niềm vui cho mọi người, bởi lẽ ông biết lấy đủ làm vui. Cha hiểu sâu sắc đạo hạnh phúc của đời người, cha thường nói tâm không tạp niệm, thân ắt nhẹ nhàng.
Sự rộng lượng và lương thiện trong cách đối nhân xử thế của cha, chính là nguồn sức mạnh thuần phách nhất giúp ông đối diện với cuộc sống. Ông tỉ mỉ kết nối nguồn cội của sinh mệnh và tình yêu, chân thành mà khẩn thiết. Ông chăm chỉ, thành thực và toát ra vẻ an nhiên tự tại.
Người đàn ông từng đầu đội trời kiên nghị không thể khuất phục này hóa ra lại ôm giữ tình cảm mềm yếu trong đáy lòng mình. Bánh xe thời gian đang liên tục xoay vần như tia chớp, cha tôi cũng dần tới tuổi xế chiều. Sự cường tráng và mạnh mẽ ngày xưa của ông cũng dần xuống dốc.
Mỗi lần nhìn thấy bóng dáng cha, tự nhiên sống mũi tôi lại cay cay, thấy trong lòng mình sao mà cô đơn, trống vắng. Dẫu thế nào thì cha vẫn là số 1, là người khổng lồ cường tráng đầu đội trời chân đạp đất trong thế giới của tôi.
Cha tôi không giỏi ăn nói, nhưng trong ánh mắt ông thi thoảng lại gợn lên những tia ấm áp, thường khiến hơi ấm trào dâng trong lòng tôi. Tình yêu mà cha dành cho chúng tôi rất thầm lặng, nhưng đối với mẹ lại là tình sâu nghĩa nặng, giống như rượu để lâu, càng ngày càng thơm, càng ngày càng nồng nàn hơn. Có lẽ cha đã nhìn thấu tuổi tác và mọi thứ trên đời. Nhưng để có được một cái tâm thuần tịnh thì đâu có dễ?
Bóng dáng cha và mẹ cùng thơ thẩn dạo bước bên nau, đổ dài trên con đường làng dưới ánh tà dương khiến tim tôi quặt thắt. Tình thâm thực sự hóa ra lại không cần những lời bóng bẩy chót lưỡi đầu môi, lại càng không cần những bông hồng thơm lãng mạn. Tấm chân tình khiến con người mãi đi tìm ấy lại toát ra trong những cử chỉ của cha, bình dị và ấm áp vô ngần.
Nhưng rồi đến lúc cha sẽ rời khỏi thế gian, tôi biết tìm ai thay thế cha để làm chỗ dựa tinh thần vững vàng như núi và rộng rãi như trời, bao dung ấm nồng như đất. Phật gia giảng, cha mẹ và con cái cũng là mối nhân duyên trong dòng chảy sinh mệnh đời người. Biết ở kiếp nào, tôi mới trả hết chứ Hiếu cho những hi sinh thầm lặng và vĩ đại mà cha đã dành cả cuộc đời cho chúng tôi…?
Nguồn:ĐKN