Khi nào cảnh sát cơ động được kiểm tra giấy tờ? Bất cứ ai cũng nên biết điều này…

Tôi đang lưu thông trên đường, không phạm lỗi giao thông gì nhưng bị cảnh sát cơ động yêu cầu dừng lại kiểm tra rồi mới cho đi tiếp, rất mất thời gian. Xin hỏi khi nào cảnh sát cơ động được kiểm tra giấy tờ?

Quyền hạn và đối tượng tuần tra kiểm soát của cảnh sát cơ động được quy định tại điều 8, 9, Thông tư 58/2015/TT-BCA cụ thể:

“Điều 8. Quyền hạn

1. Kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu theo quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát.

2. Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo thẩm quyền.

3. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa

4. Yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

5. Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ phục vụ hoạt động tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

6. Thực hiện quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.”

“Điều 9. Đối tượng tuần tra, kiểm soát

1. Đối tượng tuần tra gồm: khu vực,mục tiêu, tuyến, địa bàn được phân công.

2. Đối tượng kiểm soát gồm: người, phương tiện, đồ vật, tài liệu.”

Như vậy, cảnh sát cơ động có quyền hạn kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát.

Về thẩm quyền xử phạt của cảnh sát cơ động trong lĩnh vực giao thông, theo quy định tại Khoản 3 Điều 70 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì: “Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại các Điểm, Khoản, Điều của Nghị định này”

Ảnh minh họa

Như vậy cảnh sát cơ động có thẩm quyền xử phạt đối với một số hành vi có liên quan đến trật tự an toàn giao thông. Để biết chi tiết từng hành vi mà Cảnh sát cơ động có thẩm quyền xử phạt, bạn có thể tham khảo các quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Cảnh sát cơ động được dừng phương tiện kiểm tra trong các trường hợp sau đây theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông:

“2. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:

a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;

b) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;

c) Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;

d) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

đ) Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.”

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Theo Vietnamnet

"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."