Giá ớt ‘lao dốc’ người dân chỉ biết ngậm ngùi và chấp nhận trước những chiêu trò của Trung Quốc…
Những ngày gần đây, người dân trồng ớt trên địa bàn tỉnh Bình Định buồn bã trước nguy cơ thua lỗ nặng vì giá ớt liên tục lao dốc, thương lái thu mua không nhiều. Có thời điểm, nông dân bán 1kg ớt chỉ với giá 2.000 đồng – không đủ tiền mua 1 gói mì tôm ăn sáng.
Năng suất và giá ớt cùng giảm
Anh Trần Văn Dũng (SN 1961, trú xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ) cho biết, mùa vụ trồng ớt năm 2016, giá ớt chỉ thiên (ớt nhỏ) được thương lái lùng sục khắp nơi và thu với giá rất cao, dao động từ 26.000 – 50.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá ớt chỉ địa (ớt to) qua tháng 3 âm lịch bất ngờ tăng giá hơn cả giá ớt chỉ thiên, đạt từ 50.000 – 55.000 đồng/kg.
Giá ớt liên tục “lao dốc”, nhiều nông dân huyện Phù Mỹ chấp nhận bán tháo để thương lái phơi khô.
“Diện tích ớt tăng hơn so với mọi năm là do năm ngoái giá ớt ở mức rất cao, bình quân 30.000 – 40.000 đồng/kg nên nhiều người rất kỳ vọng. Thế nhưng, không ngờ năm nay ngay từ đầu vụ giá ớt đã thấp, đến thời điểm thu hoạch rộ giá càng xuống dốc thê thảm”. Ông Ngô Đình Ba
“Năm nay, vào thời điểm đầu vụ thu hoạch, giá ớt chỉ thiên được đại lý thu mua từ 18.000 – 20.000 đồng/kg, ớt chỉ địa có giá từ 8.000 – 10.000 đồng/kg (thấp hơn rất nhiều so với giá ớt năm ngoái). Hiện nay diện tích ớt trên địa bàn huyện Phù Mỹ thu hoạch đã ngót 2/3, càng về cuối vụ giá ớt càng hạ thê thảm, bình quân 7.000 – 8.000 đồng/kg, có thời điểm giá ớt chỉ còn 2.000 đồng/kg, người trồng ớt lỗ méo mặt”– anh Dũng buồn rầu nói.
Với kinh nghiệm của mình, ông Trương Tư Bảy- Trưởng thôn Trung Hậu (xã Mỹ Chánh Tây), chia sẻ: “Đầu tư trồng ớt ít nhất cũng phải tốn 4 – 5 triệu đồng/sào. Năm nay, do thời tiết không thuận lợi nên hầu hết diện tích ớt đều bị bệnh thối rễ, bà con phải tốn tiền bơm thuốc bảo vệ thực vật nhiều để “cứu” ớt. Theo nhẩm tính, nông dân trồng 3.000 gốc ớt tốn mất 5 triệu tiền thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy chi phí đầu vào tăng cao”.
Theo ông Bảy, đầu tư kinh phí nhiều, người nông dân kỳ vọng năm nay giá ớt sẽ tăng cao với mong muốn vớt vát, kiếm lời. Thế nhưng, thực tế thời gian gần đây giá ớt liên lục lao dốc” đã khiến nhiều người “vỡ mộng”.
“Dù cho chi phí đầu vào tăng nhưng năng suất lại giảm. Nếu vụ này vào thời điểm năm ngoái, năng suất ớt đạt từ 1,5 – 2 tấn/sào (500m2) thì năm nay chỉ đạt khoảng 700kg/sào. Giá ớt còn giảm thê thảm hơn, có lúc chỉ còn 2.000 đồng/kg, trong khi tính bình quân để có mỗi kg ớt nông dân đầu tư phải mất ít nhất 3.000 đồng. Với giá thấp như vậy, bán 1kg ớt nông dân không mua nổi gói mì tôm”– ông Bảy cho hay.
Lại điệp khúc “thị trường Trung Quốc”
Có thời điểm giá ớt chỉ 2.000 đồng/kg, nhiều hộ trồng loại cây này lâm vào cảnh lao đao.
Theo các đại lý chuyên thu mua ớt trên địa bàn huyện Phù Mỹ, nguyên nhân giá ớt hạ thấp là do thị trường Trung Quốc “không ăn”, ngay từ đầu vụ sức tiêu thụ của thị trường rất yếu. Trong khi đó, diện tích ớt trồng tại địa phương lại tăng hơn so với mọi năm, cung vượt cầu kéo theo giá ớt “lao dốc” không phanh.
Theo ông Ngô Đình Ba- Trưởng phòng NNPTNT huyện Phù Mỹ, vụ ớt đông xuân năm nay, nông dân địa phương này trồng được 1.100ha ớt, tăng hơn năm ngoái 100ha. Hiện tại, người dân đã thu hoạch được khoảng 2/3 diện tích (700/1.100ha).
“Diện tích ớt tăng hơn so với mọi năm là do năm ngoái giá ớt ở mức rất cao, bình quân 30.000 – 40.000 đồng/kg nên nhiều người rất kỳ vọng. Thế nhưng, không ngờ năm nay ngay từ đầu vụ giá ớt đã thấp, đến thời điểm thu hoạch rộ giá càng xuống dốc thê thảm”– ông Ba chia sẻ.
Theo ông Ba, giá ớt từ đầu năm đến nay rất bấp bênh khiến người nông dân lao đao, đối mặt với thua lỗ. Cách đây vài ngày, mỗi kg ớt chỉ địa được thương lái thu mua với giá khoảng 2.000 đồng.
“Nguyên nhân giá ớt hạ là do đầu ra không ổn định, nông sản của nông dân còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Đây là bài toán nan giải từ nhiều năm qua nhưng chúng tôi đành chịu thua” – ông Ba nói.
Nguồn:WTT
"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."