Cuồng ghen có phải là dấu hiệu của bệnh tâm thần?

Trước tình trạng nhiều bà vợ, ông chồng mắc chứng cuồng ghen, nhiều người đặt câu hỏi liệu đây có phải là dấu hiệu của bệnh tâm thần?

Trong tình yêu, ghen được xem như một loại gia vị giúp tình cảm lứa đôi trở nên đậm đà và nhiều màu sắc hơn. Nhưng ghen quá đà, không đúng lúc sẽ khiến đối phương cảm thấy bó buộc và không thoải mái trong mối quan hệ. Thậm chí, vì ghen mà nhiều người còn xuất hiện ảo tưởng, ảo giác, đa nghi quá mức. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu đây có phải là dấu hiệu của bệnh tâm thần hay không?
Các nhà tâm lý học vào cuộc

Sau nhiều cuộc nghiên cứu chuyên sâu, các nhà tâm lý học đưa ra những nguyên nhân khiến con người phát sinh cảm giác ghen tuông:

Thứ nhất, ghen tuông là cơ chế tiến hóa thích ứng của con người. Phía nam giới có xu hướng ghen tuông về mặt ngoại tình tình dục. Ngược lại, phụ nữ lại thiên về mặt tình cảm. Họ ghen tuông khi thấy chồng trở nên dần lạnh nhạt với mình. Các nhà tâm lý học lý giải rằng đó là vì nam giới thường nghĩ đến việc duy trì giống nòi hơn là phụ nữ. Trong khi phụ nữ cần người đàn ông ấm áp, luôn đủ sức để che chở và bảo vệ mình.

Thứ hai, nền văn hóa ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý ghen tuông của cả hai giới. Các nhà nghiên cứu tâm lý học khẳng định, cách xử lý cơn ghen của cả phụ nữ và đàn ông chịu ảnh hưởng nhiều từ xã hội.

Ghen tuông quá mức là nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc đánh ghen vô cùng tàn bạo – Ảnh: Internet

Bệnh cuồng ghen chính là dấu hiệu của rối loạn tâm lý

Các nhà tâm lý học kết luận rằng, chứng cuồng ghen và thái độ nghi ngờ bản thân trong mối quan hệ tình cảm với đối phương là chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế tình cảm (ROCD). Đây là một dạng của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).

Cụ thể, OCD là một dạng trạng thái lo âu, rối loạn về suy nghĩ khiến người bệnh luôn có những cảm giác hoài nghi người yêu, chồng/vợ mình đang phản bội hay giận dỗi. Cảm giác này lặp đi lặp lại thường xuyên dẫn đến những hành động không kiểm soát được.

Tiến sĩ tâm lý Stephen Brodsky, Trưởng khoa OCD tại Trung tâm điều trị các chứng hoảng loạn và chấn thương tinh thần ở New York và New Jersey (Mỹ) cho biết: “Những người mắc chứng cuồng ghen sẽ có những hành động như thường xuyên xem lịch sử cuộc gọi, tin nhắn trong điện thoại, trên mạng xã hội, phần mềm trò chuyện của đối phương, lúc nào họ cũng cần biết đối phương đang làm gì, nói chuyện, đi cùng ai…”.

Một số người thậm chí còn lập ra các bài kiểm tra để thử sự hòa hợp của cả hai. Một số lại không ngừng so sánh mình với người yêu cũ của đối phương. Hoặc họ tự hỏi bản thân tình yêu là gì rồi tự rước lấy cảm giác lo lắng, ngờ vực cho chính mình.

Ghen tuông quá mức chính là dấu hiệu của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế tình cảm (ROCD) – Ảnh: Internet

Theo khảo sát, nữ giới có khả năng mắc bệnh cuồng ghen nhiều hơn nam giới rất nhiều. Thậm chí họ còn có biểu hiệu rõ rệt hơn khi mắc bệnh. Nữ giới khi mắc bệnh luôn bị ám ảnh bởi cảm giác phản bội “ảo” và dần rơi vào trạng thái trầm cảm, thậm chí là điên loạn và muốn tự tử.

Một biểu hiện nữa của người mắc bệnh cuồng ghen là luôn nảy sinh tư tưởng nghi ngờ dù chỉ từ những việc nhỏ của đối phương như một cuộc điện thoại có giọng nói lạ, tin nhắn của người khác giới,…

Nguyên nhân dẫn đến bệnh cuồng ghen

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác dẫn đến căn bệnh cuồng ghen. Các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết và khẳng định rằng, cuồng ghen có thể có nguồn gốc từ gen di truyền từ gia đình và chịu ảnh hưởng bởi môi trường sống. Bên cạnh đó, cuộc sống hôn nhân của bố mẹ cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý sau khi lập gia đình của các con. Con cái chứng kiến bố/mẹ ngoại tình sẽ có nguy cơ mắc chứng cuồng ghen cao hơn người bình thường.

Cuồng ghen chính là nguyên nhân khiến nhiều cuộc bạo hành gia đình xảy ra, dẫn đến sự tan vỡ của nhiều mối quan hệ và người chịu hậu quả trực tiếp chính là trẻ em – mầm non tương lai của xã hội. Do đó, một khi đã chọn gắn kết cuộc đời mình với một ai đó, hãy yêu thương và đặt lòng tin vào đối tác của mình để cuộc sống hôn nhân trở nên hạnh phúc và viên mãn.

Nguồn:PNSK