Con hết hẳn mồ hôi trộm, ăn ngon ngủ say nhờ các bài thuốc tự nhiên ngon miệng hiệu quả
Con nhà em người luôn ướt đẫm mồ hôi, bắt đầu từ 2 tháng đã thấy hiện tượng đổ mồ hôi nhiều ở con. Dễ gặp nhất là khi con bú sữa, khi con nằm chơi hoa tay múa chân… mồ hôi túa ra ướt cả khăn sữa lót đầu, lót lưng.
Em cũng chu đáo cho con ngủ trong phòng thoáng, mặc cho con áo 3 lỗ, và lót đầu bằng khăn sữa. Ấy thế mà con vẫn cứ ra nhiều mồ hôi, mà bà ngoại gọi là mồ hôi trộm. Bà bày em phơi nắng cho con mỗi ngày để giảm hiện tượng mồ hôi. Nhưng không đỡ tí nào, đỉnh điểm là lúc 8 tháng con bị viêm phổi, bác sĩ chẩn đoán là do con đổ mồ hôi ở lưng quá nhiều, thấm ngược vào người dẫn đến viêm phổi. Lần đó con tiêm gần 10 mũi kháng sinh và nằm viện gần 10 ngày. Xót hết cả ruột mẹ.
Sau lần đó, em bắt đầu tìm hiểu các mẹo, các cách ngoài thuốc để con bớt ra mồ hôi, thì trộm vía em bắt gặp các bài thuốc này, vừa giúp bé ngon miệng, vừa chữa được chứng mồ hôi trộm. Đây còn lại là những công thức chế biến cháo ăn dặm bổ dưỡng cho con, giúp em đỡ bí thực đơn mỗi ngày.
Vô cùng hiệu quả nên em chia sẻ lại với các mẹ, mẹ nào áp dụng mà ra con hết đổ mồ hôi thì cho em hay với nha.
1. Cháo trai
Nguyên liệu: 5 con trai đồng loại vừa; 30g lá dâu non; 50g gạo nếp; 50g gạo tẻ; dầu thực vật, gia vị vừa đủ.
Cách nấu: Pha nước muối loãng ngâm trai, sau một tiếng vớt ra rửa sạch, cho vào nồi luộc. Nhặt lấy ruột trai và lọc lấy nước trong. Ruột trai bỏ hết phần đất, thái nhỏ ướp gia vị, dùng dầu thực vật xào cho thơm.
Lá dâu non rửa sạch thái nhỏ. Gạo tẻ, gạo nếp xay thành bột mịn, cho thêm nước vào nước luộc trai, cho bột gạo vào quấy đều, đun nhỏ lửa. Khi cháo chín cho trai, lá dâu, nêm vừa gia vị, cháo trai sôi lại là được. Cho bé ăn 2 lần/ngày vào lúc đói, ăn liền trong 4-5 ngày cho bé sẽ giúp bé giảm ra mồ hôi trộm .
2. Chè chè đậu xanh/đậu đen chữa mồ hôi trộm
Nguyên liệu: Đậu xanh/đậu đen 50g, gạo nếp 50g, lá dâu non (khô) 10g, đường vừa đủ.
Cách nấu: Đậu xanh/đậu đen và gạo nếp sao vàng tán thành bột nhỏ, lá dâu khô cho vào ấm cùng 250ml nước đun sôi kỹ chắt lấy nước. Cho bột đậu, bột gạo, đường vào nước lá dâu quấy đều, đun cho sôi lại là được. Cho trẻ ăn 2 lần/ngày, lúc đói và cần ăn trong 7 ngày liền để giúp trẻ hạn chế ra mồ hôi trộm.
Ở đây cách nấu của đậu đen và đậu xanh hoàn toàn giống nhau, các mẹ tùy chọn hoặc nấu thay đổi theo ngày cho bé thêm khẩu vị.
3. Cháo nếp cẩm
Nguyên liệu: Gạo nếp cẩm còn nguyên cám.
Cách nấu: Xay bột nếp cẩm hòa với cháo hoặc bột ăn dặm của bé. Mỗi bữa bột của bé, cho vào 1 nửa thìa cafe bột gạo nếp cẩm còn nguyên cám. Đối với trẻ lớn hơn, có thể cho một nắm gạo nếp cẩm vào món cháo thông thường hoặc nấu thành xôi cho bé ăn. Dùng trong vài tuần nấu cho bé ăn để giảm rõ rệt hiện tượng mồ hôi trộm.
4. Nước lá dâu
Nguyên liệu: 10 gr lá dâu khô, 5 gr rau má khô.
Cách nấu: Cả hai thứ trên rửa sạch cho vào nồi cùng 200 ml nước đun sôi kỹ, chắt lấy nước uống. Chia làm hai lần cho trẻ uống trong ngày. Dùng trong 5 ngày cho trẻ.
Nếu trẻ lớn hơn các mẹ nấu canh bằng nước lá dâu rồi cho bé ăn một 1 lần/ngày với cơm và ăn liên tục trong 5 ngày
5. Cháo hẹ
Nguyên liệu: 30g gốc hẹ; 50g gạo; 50g thịt lợn nạc; gia vị vừa đủ.
Cách nấu: Gốc hẹ chọn phần thân sát gốc, rửa sạch giã nhỏ, lọc lấy 200ml nước đặc. Thịt lợn nạc băm nhỏ ướp bột gia vị xào chín. Gạo xay thành bột, cho vào nước gốc hẹ quấy đều, đun trên lửa nhỏ, khi cháo chín cho thịt lợn, bột ngọt vào đảo đều, cháo sôi lên là được.
Cho bé ăn ngày một lần, cần ăn liền 2-3 ngày, nếu bé chưa ăn được thì lọc lấy nước cho uống.
Em mách thêm các mẹ các cách hỗ trợ ngăn ngừa bé ra mồ hôi trộm hiệu quả:
– Các mẹ cho con bú thường ngày cũng giúp trẻ đỡ ra mồ hôi trộm.
– Giữ cơ thể trẻ thoáng mát, hạn chế các thức ăn sinh nhiệt (mỡ, thịt bò, tôm, cua, cá biển, mít, sầu riêng, xoài…), bổ sung các chất mát (rau tươi, trái cây, rau má, cải bẹ). Cho trẻ ở và ngủ trong phòng thoáng mát, chơi đùa dưới bóng râm và tắm rửa sạch sẽ hằng ngày.
– Giữ cho trẻ luôn mát, ăn ngủ nơi thoáng mát, chơi đùa trong bóng râm và luôn tắm bé tại nhà sạch sẽ hàng ngày. Cho trẻ uống đủ nước.
– Khi trẻ ra nhiều mồ hôi, mẹ nhớ lau mồ hôi để không làm bé bị nhiễm lạnh.
Việc bé ra mồ hôi trộm là điều hoàn toàn bình thường vì tuyến mồ hôi của bé chưa hoàn thiện. Khi trẻ bị mồ hôi trộm, các mẹ cũng không nên quá lo lắng nếu bé vẫn bú tốt, ăn ngủ và phát triển bình thường. Theo thời gian bé sẽ hết, chỉ cần các mẹ chú ý, khi đêm ngủ hãy sờ lưng, cổ gáy, ngực, trán con nếu có mồ hôi hãy lau ngay thì chắc chắn bé sẽ khỏe mạnh và lớn nhanh.
Theo WTT