Cô giáo “bán thân” để học trò được đến trường và nỗi đau xé lòng của đám trò nhỏ ngày đưa tang cô giáo 21 tuổi
“Cô Ân, chúng con yêu cô” là câu nói cuối cùng mà bọn trẻ dành cho cô giáo mà chúng yêu quý nhất. Chúng có thể biết nhưng mãi không bao giờ hiểu được rằng cô đã hy sinh như thế nào để bọn trẻ được đến trường và lớn lên như những đứa trẻ khác.
Trong buổi lễ truy điệu cô giáo trẻ vào một ngày trời nhiều mây và dường như tối sầm, những đứa trẻ với gương mặt u buồn vẫn mơ hồ không rõ chuyện gì đã xảy ra. Ngập tràn trong nước mắt, người ta nhìn thấy một bức ảnh đen trắng cùng nụ cười hiền hậu của cô. Thầy hiệu trưởng run tay mở cuốn nhật ký của cô giáo trẻ và đọc trong nước mắt: “Mỗi lần bán thân, là có thể giúp một em học sinh có cơ hội đến trường. Mỗi lần làm vợ bé, là có thể mang hy vọng cho cả trường học…”. Cô giáo đó là Ân Thái Hà, một giáo viên hiền hậu và lương thiện. Cô đã dùng tấm thân của mình để đổi lấy tâm hồn trong sạch của bọn trẻ. Và câu chuyện của cô khiến không ít người ám ảnh….
Ân Thái Hà là một thiếu nữ xinh đẹp, cô được sinh ra tại một vùng quê nông thôn ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Tại vùng quê nghèo này, các thiếu nữ trong thôn dù xinh hay không xinh cũng đều phải lần lượt tới các thành phố ở phương Nam kiếm tiền bằng nghề “bán hoa”. Để rồi cứ mỗi năm Tết đến, họ lại mặt hoa da phấn hân hoan quay trở về quê.
Với Ân Thái Hà lại là ngoại lệ. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 cô không muốn lựa chọn cho mình con đường giống những người khác. Điều này khiến cô bị dân làng xét nét và soi mói đủ đường bởi cô là một trong những thiếu nữ xinh nhất vùng. Không chỉ hàng xóm mà ngay cả gia đình cô, cha mẹ cô cũng mắng nhiếc, xỉa xói và cho rằng cô vô dụng không làm nên tích sự gì. Nhưng cô vẫn giữ kiên định, vẫn học hành và làm những điều mình nên làm.
Một ngày nọ, Ân Thái Hà biết một ngôi trường tiểu học ở thôn đang thiếu giáo viên. Với thành tích học hành khá tốt, cô đã chủ động đến xin dạy miễn phí cho các em nhỏ. Và sau một thời gian vượt qua các kỳ thi sát hạch, cuối cùng cô cũng được chính thức trở thành cô giáo Ân.
Lần đầu tiên, cô giáo Ân bước vào lớp, bọn trẻ không ngừng trầm trồ khen ngợi bởi đây là lần đầu tiên chúng gặp được cô giáo xinh đẹp như thế. Với sự trẻ trung và hiền dịu của mình, cô giáo Ân khiến bọn trẻ thích đi học hơn và lớp học ngày càng vui vẻ, ngập tràn tiếng cười hơn.
Cô giáo Ân và bọn trẻ đã trải qua khoảng thời gian rất vui vẻ. Nói là phòng học nhưng thật ra đó chỉ là một túp lều cỏ tránh mưa gió, dùng thân cây làm tường, lấy đá làm bàn học, dùng gạch xếp thành bục giảng. Chiếc bảng đen là thứ giá trị nhất của lớp học cũng được làm từ đá, sau khi mài nhẵn, quét lớp sơn đen. Ngay cả phấn viết cũng không đủ dùng, những lúc hết phấn, cô trò phải dùng vôi để thay thế. Ấy vậy mà cả cô Ân và bọn trẻ đều nương tựa được nhau ngày qua ngày, cô Ân vẫn kiên trì dạy chúng từng nét chữ và dạy chúng cách làm người.
Có một hôm mưa to gió lớn, đêm khuya gió thổi bay nóc lớp học, bảng đen cũng bị thổi lật mất. Hôm sau khi đến lớp, cả cô trò đều ngơ ngác.
… Khi cô Ân bước vào chỉ thấy một chiếc giường và lần đầu tiên quý giá nhất đời con gái của cô Ân đã được đổi thành tiền mang về cho các em học sinh.
Cô Ân gắng gượng không khóc, bởi vì trước mắt cô chỉ nghĩ đến hình ảnh đáng thương của bọn trẻ đang chờ đợi mỏi mòn đến ngày được đi học trở lại. Nửa đêm, cô Ân trở về nhà và không một ai có thể hiểu được hết nỗi nhục và xấu hổ dâng trào trong lòng cô.
Ngày hôm sau, bọn trẻ bắt đầu thấy có người đến mang theo một ít vật liệu xây dựng để dựng lại lớp học. Chúng rất vui, cô Ân nói với bọn trẻ không lâu sau nữa, huyện sẽ cử người đến mua gạch để xây cho chúng ta một phòng học khang trang hơn, mưa gió bão bùng không sợ bị sập.
Đừng trước gương, cô biết rằng cứ như vậy có lẽ niềm hi vọng được đến trường sẽ mãi là giấc mơ. Đã đến lúc cô phải dùng tấm thân này để hoàn thành giấc mơ cắp sách của bọn trẻ. Cô nghĩ đến những người chị em trong thôn cũng đã xa quê để làm việc đó, và cô hiểu rằng đó là cách kiếm tiền nhanh nhất. Sau khi quyết định, cô tạm biệt hiệu trưởng, cha mẹ, từ bỏ căn phòng dột nát để đến với chốn phồn hoa kiếm tiền. Trước khi đi, bố mẹ cô Ân thì cười, còn thầy hiệu trưởng thì khóc.
Nơi gọi là chốn phồn hoa đó chẳng có chút hấp dẫn gì với cô Ân. Trước mắt cô chỉ là những hình ảnh về căn phòng dột nát, ánh mắt hy vọng được đến lớp của bọn trẻ. Cô bước vào một tiệm cắt tóc, nằm lên chiếc giường nhơ nhúa, vô cảm để người khác chà đạp lên thân thể mình lần thứ hai. Ngày hôm đó, cô viết trong nhật ký: “Hóa ra hắn cũng chẳng bằng khách làng chơi”.
Tại nơi thị phi và phức tạp như thế, cô Ân vẫn cố giữ tâm hồn trong sạch, không tham lam, không sân si. Cô là người tiết kiệm nhất trong số những người làm ở đây. Dù không mặc đồ hở hang, khiêu gợi nhưng cô lại được lòng rất nhiều khách. Và đó là lý do tại sao họ luôn chọn cô. Dần dần cô Ân trở thành cái gai trong mắt những chị em làm cùng và cũng chính vì thế cô phải luôn gánh chịu những trận đánh hội đồng vì họ ghen ăn tức ở.
Cứ mỗi lần thương tích đầy mình cô Ân lại chuyển đến chỗ khác làm ăn. Cữ mỗi lần nhìn gương mặt kinh tởm bỉ ổi của khách cô lại nghĩ về nụ cười rạng rỡ của bọn trẻ đang chờ cô ở quê. Cũng chính vì vậy cô Ân chưa một lần khóc, bởi cô biết mình là cô giáo của bọn trẻ.
Thời gian trôi qua, cô Ân dành dụm gói gém toàn bộ số tiền mình kiếm được gửi cho thầy hiệu trưởng để xây dựng trường học. Có ai hỏi đến thầy cứ nói là tiền quyên góp của xã hội dành tặng cho thôn. Nghe lời dặn của cô Ân, thầy cũng dốc lòng dốc sức xây dựng trường học khang trang như ước muốn của cô. Tháng đầu tiên, trường mua được bảng đen, sửa lại nóc phòng, tháng thứ 2 phòng học có bàn gỗ, tháng thứ 3 bọn trẻ đều được đến lớp, tháng thứ 4, thứ 5 bọn trẻ có đồng phục chỉnh tề, không còn ai phải đi chân đất đến trường nữa.
Đến tháng thứ 6, cô Ân bất ngờ trở về thăm bọn trẻ. Nhìn cô Ân từ xa, chúng đều tranh nhau chạy lại gọi cô: “Cô Ân về rồi, cô Ân xinh đẹp về với chúng con rồi…”. Làm việc nhục nhã, xấu hổ cực khổ cô không khóc, ấy vậy mà nhìn những gương mặt rạng rỡ của bọn trẻ, cô Ân lại khóc như mưa…Về không bao lâu, cô Ân đã phải quay lại thành phố làm việc.
Đến tháng thứ 7 trường có sân vận động, tháng thứ 8 trường xây thêm sân bóng rổ, tháng thứ 9 bọn trẻ đã có đầy đủ dụng cụ học tập, tháng thứ 10 sân trường bắt đầu treo cờ và bọn trẻ có thể đứng chào cờ, hát quốc ca.
Tháng thứ 11, một người khách kiên quyết không chịu sử dụng “áo mưa” nên cô Ân đã mang thai. Và thế là cô đã trở thành vợ bé bất đắc dĩ. Tuy nhiên, người đàn ông này sau nửa năm cũng đã rũ bỏ cô và đuổi cô ra ngoài. Quá mệt mỏi với những tổn thương tâm hồn và thể xác, cô Ân muốn bỏ tất cả để trở về với bọn trẻ. Nhưng ước mơ lớn nhất của cô là xây cho lũ trẻ một phòng học to đẹp, và ước mơ ấy đang dần được hoàn thành, chỉ còn một tí nữa thôi, cô tự nhũ mình hãy cố gắng thêm tí nữa.
Cô một lần nữa lại hạ thấp bản thân mình tới cầu xin người đàn ông rũ bỏ mình. Tuy nhiên, lần này ông đã giới thiệu cô cho người đàn ông giàu có khác và người này sẽ sẵn sàng bỏ ra 3000 USD để mua cô trong một đêm. Nghĩ đến những khó khăn đã từng trải qua, cô Ân lại nhắm mắt bán thân cho người đàn ông đó và thề rằng, sau đêm nay cô sẽ về nhà, sẽ về với bọn trẻ. Nhưng cũng chính vào đêm đó, cô Ân đã bị người đàn ông đó hành hạ cho đến chết. Cũng giây phút đó là lúc cô bước sang sinh nhật lần thứ 21.
Cô giáo Ân đã qua đời như thế, nhưng vẫn chưa hoàn thành được tâm nguyện xây dựng một trường học khang trang cho bọn trẻ của cô.
Chuyện một cô gái “bán hoa” qua đời thì có gì đáng chú ý. Bầu trời Thẩm Quyến thì vẫn trong xanh, xe cộ vẫn đông đúc nhộn nhịp, người đi đường, những đôi tình nhân vẫn rất vui vẻ đùa giỡn với nhau trên phố. Lúc đó, không ai để ý rằng ở một ngôi làng nhỏ tỉnh Cam Túc đang tổ chức tang lễ cho một cô giáo làm gái có tấm lòng vĩ đại. Đám tang chỉ có học sinh và phụ huynh, cùng tấm ảnh đen trắng cùng nụ cười hiền hậu của cô Ân và cuốn nhật ký đẫm nước mắt mà cô để lại….
Nguồn:Tri thức trẻ
"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."