Chuyện ông bố Đặng Hữu Nghị xin lỗi mạnh thường quân: Đừng để lòng tham lợi dụng lòng tốt

Câu chuyện người cha thi hát, bán kẹo nuôi 2 con trai tật nguyền gây xúc động dư luận những ngày qua đã dần hé lộ nhiều tình tiết đau xót. Người lớn đã có cách hành xử cá nhân trên thân phận bất hạnh của 2 đứa trẻ.

Người mẹ đột ngột lên tiếng ngay thời điểm mạnh thường quân xếp hàng dài trước ngôi nhà ở huyện Bình Chánh, TP HCM của anh Đặng Hữu Nghị. Gánh chịu bao lời mắng chửi của người đời, người phụ nữ đang mang bệnh này phải lên tiếng, chỉ mong mình không phải gánh tiếng ác người mẹ bỏ con, rằng chị vẫn yêu thương và thường xuyên thăm nom con. Trước sự tiết lộ của người vợ, anh Nghị phải thừa nhận cuộc sống của 3 cha con không đến nỗi phải đi hát rong bởi tiền tài trợ vẫn đều đều đổ về.

Sự im lặng, mập mờ để mặc người đời hiểu lầm về người vợ, về số phận của 3 cha con của anh chỉ để nguồn ủng hộ vật chất từ các mạnh thường quân không mất đi. Mới đây nhất, một chương trình truyền hình cảm động, lấy đi nước mắt của không ít khán giả phát sóng, đã đẩy làn sóng kêu gọi hỗ trợ cho cha con anh Nghị tiếp tục dâng cao. Tiền đổ về căn nhà ngày càng nhiều nhưng thân phận của 2 đứa trẻ vẫn bế tắc. Hai cháu vẫn quẩn quanh trong cái gánh hát rong hằng đêm để nhận tình thương của người đời.

Chia sẻ với những người kém may may mắn không chỉ là đạo nghĩa của cuộc sống mà còn là sự thúc giục lương tri trong mỗi con người. Nhìn nhận, va chạm với những đau thương để mỗi người được thấy mình may mắn và khi giúp đỡ người khác chính là cách cảm ơn tạo hóa đã ban cho chúng ta sự bình yên. Thế nhưng, gió bão xô bồ của cuộc sống đã khiến không ít người nỡ biến bất hạnh của người khác thành cơ hội của bản thân.

Một Hào Anh bất hạnh, bị ngược đãi từ thuở nhỏ đã trở thành kẻ trộm chỉ sau một thời gian tiêu xài hết tiền người khác giúp đỡ. Chúng ta cũng chưa thể thôi giận dữ đối với một anh chàng đã có vợ con vẫn lừa dối tình cảm của cô gái mù bán hàng rong trên một chương trình truyền hình để kêu gọi lòng thương.

Có thể ai cũng có một chút dã tâm trong tâm hồn nhưng không thể dùng sự bất hạnh của người khác để thỏa mãn những hèn kém của bản thân. Đó là sự bất lương bởi kêu gọi lòng thương bằng những toan tính rình rập. Trong khi những người thật sự bất hạnh vẫn chống chọi cật lực, lao động hằng ngày để mong được xã hội thừa nhận.

Ồn ào trưng bảng hiệu, dúi tiền vào túi người nghèo để quảng bá cá nhân và doanh nghiệp của mình. Dồn dập đổ tiền vào một cá nhân bất hạnh trong khi cuộc sống còn biết bao những cảnh đời cần được chia sẻ. Ông bà ta đã dạy “Của cho không bằng cách cho”. Lòng tốt nếu thể hiện không đúng chỗ, đúng cách sẽ tạo cơ hội cho lòng tham nảy sinh bởi đồng tiền từ tình thương sao dễ dàng quá đỗi.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, để “gió cuốn đi”. Thế nhưng, sự hảo tâm cũng phải được gửi trao đúng chỗ.

Anh Đặng Hữu Nghị và vợ con

Đại diện CÔNG TY ĐIỀN QUÂN, đơn vị sản xuất chương trình “Hát mãi ước mơ”:

Không kêu nghèo, kể khổ

Anh Đặng Hữu Nghị đến với chương trình bằng 1 bộ veston. Định dạng của chương trình mang tính thiện nguyện nên hình ảnh một bộ veston có thể không phù hợp. Tuy nhiên, khán giả thương cảm với hoàn cảnh của anh chứ không phải việc anh mặc áo sơ-mi mà ê-kíp sản xuất chương trình đưa hay bộ veston mà anh mang đến. Không ngoài khả năng ê-kíp sản xuất không trình bày rõ ràng và đủ ý nên gây hiểu lầm.

Nếu nói chương trình dàn dựng lên câu chuyện của anh Nghị là sai. Vì câu chuyện nuôi 2 bé bị bệnh bại não là sự thật và cuộc sống của anh cũng có muôn vàn khó khăn. Chúng tôi không kêu nghèo, kể khổ trong chương trình. Chuyện thương cảm tùy thuộc vào cảm xúc của người xem. Chúng tôi không có quyền hay khả năng để tạo nên điều ấy.

Không nên biến con trẻ thành “cần câu cơm”

Khi biết được sự thật đằng sau câu chuyện người cha tham gia cuộc thi trên truyền hình để kiếm tiền nuôi 2 con bị teo não, những người làm báo chúng tôi rất trăn trở. Có nên viết ra đây những điều không thật về người vợ, về tình cảnh không đến nỗi quá bi thảm như anh Đặng Hữu Nghị đã kể trên truyền hình để lấy nước mắt của nhiều khán giả, trong đó có chúng tôi? Liệu rồi đây, khi biết được sự thật, những mạnh thường quân, những nhà hảo tâm có còn giúp đỡ, hỗ trợ cho anh để nuôi 2 trẻ đáng thương? Nhìn 2 cậu bé Hữu Toàn, Hữu Tùng vô tư đùa nghịch thú nhồi bông khi khách ghé thăm nhà tặng quà, tặng tiền mà thấy nao lòng…

Nhưng sự thật vẫn là sự thật, vẫn phải sòng phẳng với khán giả, với bạn đọc, nhất là với những nhà hảo tâm, những mạnh thường quân. Điều mong mỏi lớn nhất là sau bài báo này, người cha có 2 con tật nguyền phải suy nghĩ lại cách sống của mình. Nói dối về người vợ, nói quá lên về hoàn cảnh gia đình để tìm kiếm lòng thương hại, để nhận được nhiều tiền là trái đạo lý, là đáng trách.

Người Việt sống rất nghĩa tình, lá lành đùm lá rách, chỉ nhìn 2 cậu bé thôi ai cũng rơi nước mắt và sẵn lòng chung tay giúp sức, chia sẻ với hoàn cảnh của gia đình anh Nghị. Hãy tri ân những tình cảm mà mọi người gửi đến mình để chăm sóc 2 con thật tốt, không nên biến 2 đứa trẻ thành “cần câu cơm” để rồi dẫn đến những hành động, cách cư xử không hay.

Nhà anh Đặng Hữu Nghị được xây mới ở quê.

Gia đình anh Nghị đã được hưởng chế độ

Nằm khuất sâu trong con đường làng ở xã Hương Lộc, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế, căn nhà ông Đ.C (70 tuổi, cha anh Đặng Hữu Nghị) khá thanh vắng. Một nhóm thợ hồ đang thi công hoàn thiện những hạng mục căn nhà mới nằm sát vách với căn nhà cấp bốn gia đình ông đã ở từ lâu.

Bà N.T.Đ (vợ ông) vào ở với cha con anh Nghị để chăm sóc 2 đứa cháu nên ở quê chỉ có mình ông. “Cách đây chừng 5 năm, vợ chồng nó ly hôn. Tòa phân xử thằng Nghị nuôi đứa lớn, còn đứa nhỏ giao cho vợ. Tài sản chẳng có gì, vợ nó chỉ được chiếc tivi và cái quạt thôi” – ông C. kể.

Theo ông Đoàn Trọng Hậu, Chủ tịch UBND xã Hương Lộc, anh Nghị, chị Huyền và các con vẫn còn hộ khẩu tại địa phương. Ngoài 2 con được hưởng chế độ tàn tật, anh Nghị cũng được hưởng chế độ người chăm sóc.

Do hoàn cảnh khó khăn, UBND xã Hương Lộc đã cho vợ chồng anh Nghị mượn một mảnh đất ở trung tâm xã để dựng tạm quán sửa xe máy. Do làm ăn ế ẩm nên trước khi ly hôn, vợ chồng anh dắt con vào Nam đi bán dạo. Sau khi ly hôn, anh Nghị dắt con lớn vào Nam, còn chị Huyền ở với đứa con thứ 2 tại nhà ngoại và cũng thường xuyên lên ở lại căn nhà tạm này để mua bán ve chai.

Mặc dù đã ly hôn nhưng mỗi lần anh Nghị ra quê, họ vẫn sống chung với nhau và kết quả là có thêm đứa con thứ 3. Sau khi mang bầu đứa con này, chị Huyền rời hẳn quê hương chồng. Vào năm 2015, sau khi anh Nghị dựng nhà tôn để ở trên mảnh đất này thì bị chủ đất kiện, yêu cầu trả lại. Ngoài mảnh đất này, hiện anh Nghị không còn mảnh đất, nhà cửa nào ở quê do mình đứng tên sở hữu.

“Ông C. vừa mới bán rừng tràm và có thể người dì hỗ trợ thêm nên mới có tiền xây nhà” – ông Hậu khẳng định.

Trong khi đó, ông Lưu Đức Trọng – tổ trưởng tổ 13, phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa – xác nhận cách đây khoảng 15 ngày, một người đàn ông tên Nghị dẫn 2 người con tật nguyền đến mua một căn nhà trong tổ. Người này ở tại căn nhà một vài ngày rồi đi, từ đó đến nay căn nhà để trống không thấy ai đến trông coi cũng như làm thủ tục đăng ký tạm trú.

Theo Người lao động

"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."