Cậu bé quê Thái Nguyên lưu lạc cùng chiếc xe đạp ở biên giới Campuchia: ‘Mẹ bỏ con rồi sao?’

‘Mẹ chỉ đưa mấy chục ngàn đem theo ăn quà và dặn nếu không tìm được cậu thì mua cơm mà ăn. Tên, số điện thoại, mặt mũi của cậu thế nào cháu cũng không biết. Mẹ bỏ con rồi sao?”, Cường khóc.

Cường đang được chăm sóc tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Long An ẢNH: KHÔI NGUYÊN


Thông tin câu bé bị lưu lạc bên campuchia

11 giờ 40 ngày 6.5, chúng tôi tìm đến Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Long An (gọi tắt là trung tâm, thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) và được chị Ngọc Diễm, nhân viên hành chính đưa xuống dãy nhà khá khang trang dành cho những người tuổi cao không nơi nương tựa.

Khi đến phòng, chị Diễm kêu lên: “Cường đâu rồi con? Ăn uống xong chưa, hết mệt rồi phải không? Có bác tìm gặp hỏi thăm”.

Đang nằm trên giường, Bế Minh Cường (10 tuổi), ngụ xã Phương Giao, H.Võ Nhai, Thái Nguyên nhanh nhẹn nhảy xuống, áo thun, quần đùi sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng. Cường chạy ra cửa, khép nép khoanh tay:

“Thưa bác ạ! Thưa cô Diễm ạ!”. “Con ăn ngon miệng không? Đã khỏe chưa?”, chúng tôi hỏi. “Con ăn ngon lắm ạ. Mấy ông, bà còn cho bánh nữa”, Cường hào hứng kể.

Theo những người lớn tuổi tại trung tâm, khoảng 20 giờ đêm qua, Cường được cơ quan chức năng H.Thạnh Hóa đưa về đây. Lúc vào nhận phòng, cháu còn rất mệt. Nhân viên cùng ban quản lý đã đưa cháu đi tắm, sau đó cho ăn uống để lấy lại sức khỏe. “Sáng nay ăn xong tô mì, 9 giờ cháu lại ăn thêm hộp cơm. Nhìn thằng nhỏ ăn thấy mắc thèm”, ông Sang (68 tuổi) ở phòng kế bên cho biết.

Cháu Bế Minh Cường (10 tuổi, quê Thái Nguyên) được tìm thấy khi lưu lạc ở một xã thuộc địa bàn tỉnh Long An (giáp Campuchia) Ảnh: Khôi Nguyên

Cường khá nhút nhát. Khi hỏi điều gì đó, cháu suy nghĩ khá lâu rồi mới trả lời. Nói đến gia đình, Cường kể chậm rãi: Mẹ nói, cha con mất từ khi mới sinh ra. Vài năm sau, mẹ lấy chồng khác tên H.V.L (37 tuổi), sau đó sinh thêm hai em tên H.A.T (7 tuổi) và H.T.N (5 tuổi). Từ khi sinh ra, hai tay cháu bị dị tật bẩm sinh nên không thể làm nặng bất kỳ công việc gì. Theo Cường, cháu ở với bà ngoại và bà chỉ kêu phụ chuyện nhà chứ không thể phụ bà kiếm tiền.

Do khó khăn, mẹ và cha kế phải sang tận Trung Quốc để lao động. Cường và hai người em cùng mẹ khác cha sống chung với bà ngoại. “Ngoại con vẫn khỏe, con nhớ bà ngoại và hai đứa em lắm. Giờ làm sao để đi về nhà cho thật sớm!”, đứa bé vô tư nói.

Do nhà nghèo, từ nhỏ Cường không được cha mẹ cho tới trường nên phải đi học “ké” người chị bà con gần nhà nhưng chỉ biết vài ba chữ cái. Hai đứa em thì mới đi học lớp 1 và mẫu giáo.

Nhớ lại ngày mẹ đưa đi, Cường kể: Khuya đêm đó ra bến xe, mẹ còn gói hết mấy cái quần áo cũ bỏ trong giỏ xách máng váo cổ chiếc xe đạp cũ kỹ rồi căn dặn: “Vé số mẹ đã mua rồi, con cầm lấy. Mấy chục ngàn đồng nhét vào túi quần coi chừng bị mất cắp; lúc đói mua quà ăn. Lúc xe dừng ở bến tại TP.HCM, con xuống đó cậu sẽ ra đón. Đừng lo sợ! Cậu đưa về nhà ở thôi”. Cường hỏi: “Cậu tên gì? Tướng tá ra sao? Có số điện thoại không?”. Mẹ bảo: “Đã điện báo cho cậu rồi, con cứ đi đi, có gì mẹ sẽ liên lạc lại sau”. Lên xe, Cường ngồi co ro ở hàng ghế sau. Suốt 2 ngày đêm, không dám lấy tiền ra mua bánh, nước uống. Đến 8 giờ sáng 5.5, xe đỗ ở bến, Cường lấy xe đạp ra đứng chờ ở lề đường.

Nhìn dòng người đông đúc qua lại, Cường chỉ có một ước ao mong gặp cậu thật sớm để được ăn và uống nước do cơn đói khát kéo dài. Nhưng tất cả đều vô vọng…

Không còn chút hy vọng, Cường lên xe đạp qua nhiều ngã tư, ngã ba đèn xanh đỏ rồi…dừng chân nghỉ ở một cánh đồng lúa mênh mông. Đạp mệt rồi nghỉ và cuộc hành trình vô vọng đưa Cường đến ấp Cây Gãy, xã Thuận Bình, H.Thạnh Hóa, tỉnh Long An (địa phương tiếp giáp biên giới Campuchia – PV).

“Không biết mẹ muốn bỏ con luôn trong này hay sao mà chẳng nói cậu là ai”, Cường mếu máo.

Chúng tôi lấy một ít tiền tặng Cường. Cầm tiền trên tay, Cường nói: “Con cất đem về cho bà ngoại. Ngoại già không làm ra tiền. Quê con nghèo lắm!”. Rồi Cường vui mừng, bỏ chạy lại giường, nằm xuống, lấy khăn trùm kín mặt…

Nguồn: thanhnien