Cảm phục người phụ nữ nghèo đơn thân mang đứa trẻ bại não bẩm sinh về chăm suốt 11 năm
Nếu bạn đang cần một liều thuốc tinh thần để bản thân bình an, vững tâm lại, thì câu chuyện về người phụ nữ suốt 11 năm nuôi dưỡng đứa con bị bại não bẩm sinh dưới đây sẽ khiến bạn nghẹn ngào xúc động và tin tưởng rằng: Tình người vẫn luôn hiện hữu, dù ở trong hoàn cảnh nào, vì vậy, hãy sống tốt và yên vui.
Cô Nguyễn Thị Hường, sinh năm 1957, quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An có một cô con gái tên Phúc Liên. Từ nhỏ cô Hường đã phải trải qua cuộc sống cơ cực. Mẹ bị tai biến, nằm liệt giường, cha thì bỏ đi lấy vợ khác. Sau này, tuy lập gia đình nhưng chồng cô cũng bỏ đi khi cô vừa mới sinh con. Một mình nuôi mẹ già con nhỏ, không có bờ vai của người đàn ông. Bao nhiêu vất vả khó khăn đều đổ lên đầu người phụ nữ bất hạnh, cô chưa từng được cảm nhận niềm hạnh phúc trọn vẹn, dường như cuộc sống chưa bao giờ mỉm cười với cô.
11 năm trước, cuộc đời cô đã có một thay đổi lớn, khi cô vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An làm phẫu thuật u hàm. Đi ngang qua hành lang khoa sản, cô tình cờ chứng kiến một người phụ nữ vừa tử vong trên bàn mổ, bên cạnh là đứa con đỏ hỏn đang nằm khóc.
Không một họ hàng thân thích nào nhận đứa trẻ. Thương cảm cho số phận của đứa bé, lại nghĩ về tuổi thơ thiệt thòi, cô đơn không có sự yêu thương của cha, mẹ thì đau ốm liên miên, cô đã quyết định nhận nuôi bé, đặt tên là Phúc Liên.
Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó, cậu của bé đòi cô trả 5 triệu, nếu không sẽ đòi cháu bé về đem bán. Cuộc sống gia đình vốn đã không dư dả gì, chăm sóc mẹ già 80 tuổi nằm liệt giường đã là một khó khăn lớn đối với cô, chi phí bỉm sữa cho Phúc Liên cũng là một gánh nặng, giờ lại thêm số tiền vô lý này, cô Hường nghẹn ngào không biết phải làm gì.
Lúc ấy, chị khẩn khoản nói với người cậu: “Cậu ơi cậu đừng làm như thế, bán cháu cho người ta lỡ họ mang bán sang Trung Quốc thì tội cháu lắm. Cậu nuôi thì cậu theo tôi, về nhà tôi mà bế nó về. Cậu không nuôi thì để tôi nuôi chứ đừng bán cháu đi.”
Nói thế nào người cậu này cũng không chịu, chị đành phải ra ủy ban huyện để trình bày sự việc, mong được giúp đỡ. Ủy ban triệu tập người cậu, nhưng cậu ta vẫn khăng khăng: “Tôi không cho đâu, trả 5 triệu thì tôi ký tên cho mà nuôi. Không có tiền thì tôi không cho, tôi mang về bán đấy”. Cuối cùng, sau bao nhiêu sự tác động từ nhiều cơ quan chức năng, hơn 1 tháng sau đó, người cậu này gọi điện gọi cho chị ra để ký cho bé. Và từ đó, Phúc Liên chính thức trở thành con gái cô.
Bất hạnh vẫn chưa dừng lại ở đó, thấy Phúc Liên chưa biết nói, chưa biết cười, nhận thức sự việc xung quanh rất chậm, chị đưa bé đi khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị bại não bẩm sinh, bệnh tình càng ngày càng theo chiều hướng xấu, cô Hường lại phải vay mượn họ hàng thân thích 25 triệu để phẫu thuật cho con.
Ca phẫu thuật thành công, thế nhưng do ảnh hưởng căn bệnh, chân tay Phúc Liên teo tóp, co quắp không đi lại được, phải ngồi một chỗ, chỉ có trí óc vẫn tỉnh táo để cảm nhận được mọi chuyện xung quanh. Cô Hường phải nghỉ công việc bán quán ăn cho trường cấp III, hầu như gác tất cả mọi công việc để chăm con.
Suốt 11 năm qua, mỗi năm 2 lần, hai mẹ con cô Hường lại vào bệnh viện để khám bệnh và chỉnh hình cho bé Liên. Sức khỏe cháu rất yếu, hai mẹ con liên tục phải ở trong viện nhiều ngày. Thường xuyên bị sốt cao, bị những cơn đau đầu khủng khiếp hành hạ, bé cứ đập đầu xuống giường, cô Hường lại thức suốt đêm bế con, xoa đầu cho con đỡ đau.
Nuôi con bệnh tật, gia cảnh khó khăn, cuộc sống của cô chỉ dựa vào 3 sào ruộng bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Vì lao động quá sức, cô Hường bị nong động mạch vành, thấp tim, hở tim, tắc nghẹt phổi. Bao nhiêu tiền của làm ra hầu như đều dồn vào chi phí thuốc thang cho Phúc Liên, bản thân cô chỉ dám ăn rau dưa cà muối cho qua bữa.
Mỗi tháng, bé Phúc Liên được nhà nước trợ cấp 450.000 đồng, chỉ đủ tiền thuốc thang hằng ngày. Cô Hường nhận được 270.000 đồng/tháng tiền nuôi người khuyết tật. Hơn 11 năm qua, chỉ tính riêng chi phí đi bệnh viện của bé Phúc Liên cũng đã lên tới hơn 150 triệu đồng, số tiền quá khổng lồ với một người nghèo khó. Dù khó khăn là thế, cô Hường vẫn yêu thương chăm sóc con hết mực. Hy vọng bé Phúc Liên sẽ được chữa khỏi và sống bình thường như những đứa trẻ khác vẫn chưa bao giờ tắt trong cô.
Có lúc nhìn ánh mắt đầy cầu cứu của cô, người xung quanh không khỏi nghẹn ngào, thương cảm. Một phụ nữ đơn thân hy sinh tất cả để nuôi một đứa con thơ dại tật nguyền khiến người ta khâm phục vô ngần. Trong cái túng thiếu của cuộc sống, cái cực khổ của bênh tật và cái mịt mờ của tương lai, người phụ nữ ấy vẫn vươn lên, hết mình tin tưởng và trao đi yêu thương chân thành…
Hai mảnh đời bất hạnh có nhân duyên gặp nhau để sưởi ấm cho nhau và đi qua những ngày khốn khó. Dù nghèo khó nhưng có bé Phúc Liên, cô Hường cảm thấy cuộc sống thật nhiều màu sắc, và với đứa bé đáng thương bị bỏ rơi từ khi đỏ hỏn, cô Hường giống như một thiên thần hộ mệnh, cứu giúp cuộc đời em khỏi cảnh cùng cực và khổ đau. Mong rằng mọi điều tốt lành sẽ đến với hai mẹ con, giống như cách mà họ nương tựa vào nhau trong cuộc đời nghiệt ngã.
Tấm lòng của một người mẹ thật cao cả, tấm lòng của một người mẹ bất hạnh dành cho đứa con bệnh tật lại càng bao la, vĩ đại và đáng trân trọng. Câu chuyện của cô Hường không chỉ là tình yêu thương vô bờ bến của một người mẹ, mà còn là câu chuyện cảm động lòng người về tình người. Dù không phải đứa con cô dứt ruột đẻ ra, không có quan hệ huyết thống, nhưng cô vẫn yêu thương Phúc Liên bằng cả tấm lòng, không bỏ rơi em dù em mang trong mình những khiếm khuyết. Tình cảm của cô không toan tính hay thực dụng, nó hoàn toàn xuất phát từ trái tim ấm áp thiện lương. Đó là điều vô cùng trân quý mà bao nhiêu bạc tiền cũng không mua nổi.
Đọc xong câu chuyện này, nhiều người hơn nữa sẽ tin vào những điều tốt đẹp. Trong dòng đời xô bồ, trong cuộc sống dường như nghẹt thở bởi những nỗi lo cơm áo gạo tiền, bởi những lợi ích cá nhân, đâu đó, vẫn có những tấm lòng cao cả đang gieo những hạt giống thiện lành, sưởi ấm những tâm hồn khô héo một cách chân thành và thuần khiết.
Nguồn:ĐKN/soha