Bị chồng chê: “Ở nhà cả ngày, có mỗi hai đứa con mà cũng than”, bà nội trợ này đã đáp trả cao tay
“Ổng như hóng mẹ về chợ, gọi mấy chục cuộc điện thoại. Mình vừa xót con bé khóc, vừa xót con lớn không có cái gì vào bụng, chồng chỉ kịp thốt lên: “Người vợ đảm của anh đây rồi!” – bà nội trợ chia sẻ.
Trong xã hội hiện đại, hình ảnh một phụ nữ làm việc, cống hiến cho xã hội tương đương với đàn ông đã trở nên quen thuộc. Đó được coi như một sự tự hào của chị em khi “vừa khéo việc nước vừa đảm việc nhà”. Vì lẽ đó, một phụ nữ không đi làm, chỉ ở nhà chăm con và làm nội trợ (dù không ai chính thức nói thẳng) nhiều khi bị coi là kẻ ăn bám.
Trong con mắt của nhiều “trụ cột gia đình” và xã hội, những bà nội trợ thật sung sướng, bởi họ không phải làm việc gì cả, không phải vất vả đội mưa nắng làm việc, không bị sếp mắng, không bị áp deadline, định mức công việc… như những người đang đi làm. Họ dễ dàng bị mắng nếu không biết điều mà cằn nhằn người đi làm, nếu chăm con không khéo, nhà cửa không gọn gàng, nếu bản thân họ bù xù, lôi thôi. Nếu họ than thở hoặc nhờ chồng trông con hộ một lúc để đi tắm, đi vệ sinh hay ra ngoài, họ sẽ rất dễ bị nghe câu: “Ở nhà cả ngày có mỗi trông con mà cũng không xong”, “Ai cũng có con, sao người ta vẫn làm được hết việc”, “Anh đi làm mệt mỏi cả ngày, về còn bị em sai việc”…
Nếu giải thích mãi mà chồng không nghe, vẫn khăng khăng cho rằng chị em chỉ kiếm cớ để làm nũng hay lười biếng, chị em sẽ xử lý thế nào? Hãy học cách của người phụ nữ này đối mặt với chồng và chấn chỉnh anh ấy một cách đường đường chính chính nhé.
Cũng từng nghe những câu chướng tai như thế, chị Dương Bình lại có cách ứng xử cực kỳ cao tay và cứng rắn. Chị khoe: “Các mẹ ạ!
Đây là hình ảnh tớ chụp lúc 8 giờ sáng, sau hơn 1 tiếng đồng hồ tớ bỏ đi khỏi nhà, để chồng tự xoay sở với hai đứa con, phòng khách ngập ngụa đồ chơi, hai phòng ngủ chăn màn bừa bộn và một mâm đầy bát tối qua chưa rửa cùng hàng tỉ việc không tên khác.
Nói thật tớ cũng chẳng thoải mái gì khi đi như vậy, nhưng đôi khi cũng phải cho chồng cảm nhận mọi thứ hàng ngày diễn ra như thế nào với chức danh “nội trợ”. Đã vậy nhiều lúc than vãn tí thì chồng lại cho rằng: Em ở nhà cả ngày… Có mỗi 2 đứa con… Các cụ ngày xưa nuôi hàng tá con… Cứ làm như mỗi mình em làm mẹ…
Đấy, có hơn 1 tiếng thôi mà chồng tớ phải gọi đến 20 cuộc điện thoại van nài vợ về xử lý mọi việc để chồng kịp giờ đi làm. Có hơn 1 tiếng mà chồng phải gào lên trong điện thoại:
– Em về ngay đi. Anh điên mất…
Được đà tớ cũng xả cho trận: – Giờ thì anh hiểu trầm cảm sau sinh nó bắt nguồn từ đâu chưa? Đừng để đến lúc tôi điên lên, người tôi thịt là anh chứ không phải ai khác đâu”.
Nhìn bức ảnh cậu nhóc bé xíu đang khóc mếu nước mắt giàn giụa, bé chị lớn hơn đang bíu chặt lên vai bố, ông bố thì hoảng loạn không biết xoay sở làm sao, các mẹ có con nhỏ chắc vừa buồn cười, vừa hả hê giùm cho người mẹ này. Cách “trả đũa” này của mẹ Dương Bình có vẻ cũng khá hữu hiệu đấy chứ?
Chị Dương Bình chia sẻ, hiện anh chị đang có 2 bé, một bé 5 tuổi và một bé 9 tháng. Hiện tại chị đang ở nhà trông con và làm nội trợ vì gia đình neo người. Trong khi đó, chồng chị Bình đi làm cách nhà 20 km, sáng đi tối về và công việc cũng khá bận rộn. Chị quan niệm rằng, việc nhà thì mẹ nào cũng phải làm giống nhau nhưng khác ở điểm là có được chồng san sẻ hay không thôi.
“Ổng đi từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Thời điểm ổng về, mình ở nhà cũng nấu nướng xong xuôi, tắm táp cho 2 đứa nhỏ và cho đứa lớn ăn xong. Nhà cửa sạch sẽ. Ổng về chỉ việc tắm và ngồi vào mâm. Gần như mọi việc trong nhà không phải động tay chân. Có chăng bế đứa nhỏ lúc mình nấu bột và tắm. Mình cũng thương ổng đi làm vất vả nên không mấy khi làm phiền. Chỉ nhờ ổng trông chừng chốc lát”, chị Bình tâm sự.
Vẫn thương chồng thương con nhưng đôi khi chị Bình vẫn thấy mệt mỏi với công việc bếp núc, dọn dẹp, loay hoay với hai đứa nhỏ mà chẳng biết tâm sự với ai, thi thoảng cũng cằn nhằn chồng một tí. “Có thể bản thân chồng cũng hiểu sự khác nhau giữa việc con cái xưa và nay nhưng những câu cửa miệng mà đàn ông hay nói với vợ thì dễ làm tổn thương lắm. Vợ thì cần động viên chia sẻ, nhưng chồng lại nói như thế thành ra bất đồng, và tạo sự ức chế.
Vì lẽ đó, mình muốn cho chồng cảm nhận công việc mà hằng ngày vợ làm để anh ấy hiểu đó là chuyện không hề đơn giản. Đó không phải chỉ là lao động chân tay mà cần cả trí óc để sắp xếp thời gian cho 1 ngày dài với hàng đống việc không có tên”.
Một cách hài hước, chị Bình kể lại giây phút anh chồng nhìn thấy chị trở về sau hơn 1 tiếng đồng hồ “mất tích”: “Ổng như hóng mẹ về chợ ấy. Mình thì vừa xót con bé khóc, vừa xót con lớn không có cái gì vào bụng. Ổng chỉ kịp thốt lên: ‘Ôi, người vợ đảm của anh đây rồi!’ rồi đi làm. Tối hôm ấy, ổng còn ngồi tâm sự thế này: ‘Thực ra thì anh cũng lười, anh chỉ biết kiếm tiền về cho em và các con. Anh không giỏi nấu nướng, không nhanh trí cho việc sắp xếp nhà cửa. Nhưng cũng tại vì anh lấy được người vợ chịu khó rồi’.
Từ hôm đó đến nay, tối nào về ổng cũng biết để đồ đạc gọn gàng, bế con đi hàng xóm chơi rồi đổ rác giúp vợ. Đúng thật là có sự thay đổi ngoạn mục”.
Nói thì dữ dằn vậy thôi nhưng chị Bình cũng hạnh phúc lắm vì được chồng ưu ái, thậm chí anh còn chăm sóc vợ khá cẩn thận lúc chị ở cữ đứa lớn, dù có cả bà nội bên cạnh. Bản thân chị cũng trải qua giai đoạn khủng hoảng sau sinh đến mức đập phá một số đồ đạc nhỏ trong nhà nhưng cuối cùng chị lại biết tự cân bằng lại bản thân sau những sóng gió để cuộc sống gia đình lại êm ấm như xưa.
Thế đấy, các mẹ ạ, dù ở nhà nội trợ hay đi làm việc ở cơ quan, nếu bị chồng hay ai đó cho rằng mình không chu toàn việc nhà và lấy cớ bận con mọn để lười biếng, các mẹ hãy thử giao việc “đơn giản” ấy cho họ một lúc, đi spa, shopping hoặc uống cafe chém gió với bạn bè, sau khi về, biết đâu mọi sự sẽ khác.
Nguồn:Tri thức trẻ
"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."