Vùng đất “quỷ ám”, nơi chẳng ai dám lai vãng vì có cả chục người mắc chứng bệnh quái đản

Thời gian đã trôi qua nhưng căn bệnh lạ ở vùng đất Mường Chiềng vẫn gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân vẫn còn đó. Những người mắc căn bệnh quái ác đó không chỉ phải chống chịu với bệnh tật mà còn cả sự dèm pha, xa lánh.

Căn bệnh lạ ở Mường Chiềng vẫn là một trong những nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Người người khi nhắc đến căn bệnh này đều mang một nỗi “kỳ thị”.

Căn bệnh lạ quái ác làm biến dạng con người

Từ Trung tâm thành phố Hòa Bình, xuôi dọc theo tuyến tỉnh lộ 433 với quãng đường chừng gần 80km là đến xã Mường Chiềng. Người ta biết nhiều đến Mường Chiềng là một nơi thơ mộng với những thửa ruộng bậc thang và những ngôi nhà của đồng bào Tày nằm xe kẽ nhau bên những sườn núi.

Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, cách đây nhiều năm, một căn bệnh quái ác ở Mường Chiềng với cái tên khô da sắc tố bẩm sinh đã hoành hành và gieo rắc nỗi đau đớn tột cùng cho hơn 10 người ở ở đây.

Gia đình ông Xa Văn Chiều có 2 người con mắc căn bệnh lạ ở Mường Chiềng. Ảnh: Duẩn.

Nhiều năm trôi qua, trong tâm khảm của những người dân, những người mắc bệnh khô da sắc tố ở Mường Chiềng được gắn với cái tên “những người bị quỷ ám”. Có lẽ vì vậy mà khi tôi dừng xe tại bản Nà Mặn (xã Mường Chiềng, Đà Bắc, Hòa Bình) vừa hỏi về nơi những con người khốn khổ đó đang sinh sống, một số người dân đã lớn tiếng khuyên can.

Với chất giọng Kinh pha Tày lơ lớ, khó nghe, họ khuyên: “Nà Mặn có 2 người, bên Nà Mười lại 2 người nữa. Bệnh đó dễ lây lắm, cả làng có ai dám đến gần đâu, cậu về đi không mang bệnh về nhà thì khổ”.

Để bắt đầu cuộc hành trình về Mường Chiềng, tôi cũng đã tham khảo một số sách báo và ý kiến một số chuyên gia về y tế. Tất cả các ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng bệnh khô da sắc tố mà nhiều người dân sinh sống tại Mường Chiềng mắc phải không phải là bệnh truyền nhiễm.

Anh Xa Văn Nhất vẫn có thể đi lại bình thường nhưng khuôn mặt đã hoàn toàn biến dạng bởi căn bệnh khô da sắc tố. Ảnh: Duẩn.

Bỏ qua những lời khuyên can, tôi tìm đường vào căn nhà của gia đình ông Xa Văn Chiều và bà Vi Thị Mơng trú tại bản Nà Mặn, Mường Chiềng. Gia đình ông Chiều, bà Mơng là một trong những gia đình phải gành chịu hậu quả đau đớn nhất của căn bệnh quái ác này.

Ông Chiều năm nay vừa tròn 73 tuổi, dáng người ông nhỏ thó, khuôn mặt hốc hác, bước đi xiêu vẹo. Có lẽ, những ngày tháng lam lũ chăm lo cho 2 người con bệnh tật, những lần trắng đêm trông con khiến ông trở nên tiều tụy.

Vừa thấy tôi đặt vấn đề muốn vào thăm những đứa con bệnh tật của mình, ông Chiều không giấu được cái vẻ ngạc nhiên. Ông bảo: “Nhiều năm nay, những người trong làng còn không dám đến nhà tôi chứ đừng nói vào thăm các con tôi”.

Tựa lưng vào chiếc cột nhà, ông Chiều rầu rĩ. Ông kể miệt mài như nhiều năm rồi ông không gặp được người để trút bầu tâm sự. Vợ chồng ông Chiều sinh được tổng cộng 8 người con, trong đó có 2 người mắc phải căn bệnh “quỷ ám” là anh Xa Văn Thao (40 tuổi) và anh Xa Văn Nhất (30 tuổi).

Anh Xa Văn Thao là người đầu tiên mắc phải căn bênh quái ác ở Mường Chiềng. Ảnh: Duẩn.

“Gần 40 năm trước, khi thằng Thao mới sinh ra chưa đầy 2 tháng thì trên người bất ngờ xuất hiện nhiều vết mẩn đỏ, rồi nổi ngứa. Càng lớn, bệnh lại càng lan ra, nhiều khi ngứa quá, nó ngồi gãi, mủ chảy ra những chỗ khác khiến bệnh càng ngày càng lan ra khắp người.

Ban đầu nó còn đi được, nhìn được, tự làm những công việc vệ sinh cá nhân hàng ngày nhưng đến bây giờ thì nó trở thành người tàn phế, không làm gì được. Năm trước, một vết đỏ xuất hiện trên mặt, nó cũng lấy tay gãi, mủ từ vết thương đó chảy ra nhỏ vào mắt khiến bây giờ một bên mắt đã bị mù vĩnh viễn”, ông Chiều nhớ lại.

Một buổi chiều cách đây mấy năm, anh Thao đi ra phía cầu thang tìm cách leo xuống thì bất ngờ đổ sụp xuống. Cả người ăn lăn xuống nền nhà, vết thương bị cọ xát khiến cho máu bắn tung tóe. Nhiều người dân rất xót xa nhưng lo sợ nên không ai dám đến gần.

Sau lần đó, anh Thao không thể di chuyển được, bệnh tật khiến chân tay anh co quắp và không thể cử động được nữa. Mặc dù vẫn nghe và hiểu được mọi người nói chuyện nhưng anh Thao không thể đáp lại.

Ông Chiều có hai người con mắc bệnh khô da sắc tố. Ảnh: Duẩn.

Trên người anh Thao, từng lớp da bong tróc, lở loét, mủ chảy thấm hết phần lưng áo. Ở gần anh, người ta dễ dàng nhận thấy một mùi hôi, tanh. Có lẽ cũng chính vì vậy mà gần 40 năm qua, rất ít người dám tiếp xúc với anh.

Việc duy nhất anh có thể làm bây giờ là đưa đôi bàn tay cong queo bốc từng miếng cơm trong chiếc bát để ngay gần giường. Việc vệ sinh diễn ra với anh Thao gần như là vô thức. “Nó có biết gì đâu, cứ thỉnh thoảng đi ra nhà, bà nhà tôi lại phải dọn dẹp cho”, ông Chiều tâm sự.

Cũng giống như người anh trai, anh Xa Văn Nhất (30 tuổi, con trai thứ 6 của ông Chiều) cũng bị căn bệnh lạ tàn phá cơ thể ngay từ khi còn nhỏ. Bắt đầu từ những vết mẩn đỏ, giờ đây, thân toàn bộ khuôn mặt của anh Nhất đã bị tàn phá đến biến dạng. “Thằng Nhất còn đi được, còn tự tắm rửa, ăn uống, sinh hoạt được chứ thằng Thao thì không làm được gì. Việc vệ sinh cá nhân hàng ngày đều do vợ chồng tôi làm cho”, ông Chiều kể.

Kể từ ngày 2 con bị bệnh khô da sắc tố, gánh nặng gia đình dồn cả vào đôi vai bà Vi Thị Mơng. Ảnh: Duẩn.

Thời gian trước, khi bệnh tình còn chưa nặng như bây giờ, người dân vẫn thấy anh Nhất lùa bò lên đồi để chăn. Tuy nhiên, theo thời gian, bệnh tình của anh càng có dấu hiệu nặng hơn. Khuôn mặt đã biến dạng, hai mắt đang mờ dần và người lúc nào cũng râm ran ngứa.

Thời trai trẻ, bản thân ông cũng đã từng xông pha dọc ngang nơi chiến trường ác liệt từ Quảng Bình, Quảng Trị rồi sang mãi cả Nam Lào. Có khó khăn, đau đớn nào ông chưa từng trải qua nhưng giờ đây, những tiếng khóc xé lòng, những tiếng gào rú đau đớn của các con khiến tim ông đau hơn gấp vạn lần.

“Mấy chục năm qua, chưa đêm nào vợ chồng tôi ngủ được ngon giấc. Thỉnh thoảng các con đau lại kêu gào lên, lúc đó hai vợ chồng chỉ còn biết vắt tay lên trán mà trách trời sao khiến mình khổ thế. Gia đình tôi sức cùng lực kiệt rồi, tính mạng các con phó mặc lại cho ông trời vậy”, ông Chiều chua chát kể.

Ở Mường Chiềng, anh Xa Văn Thao là người đầu tiên mắc phải căn bệnh này. Tính đến hết thời điểm này, cả xã cũng đã có 10 trường hợp mắc bệnh tương tự, trong đó có ghi nhận một trường hợp đã tử vong.

Người đã ra đi vì căn bệnh quái ác đó là anh Xa Văn Hải ở xóm Chum Nưa. Khác với những trường hợp còn lại, anh Hải chỉ chống chịu với căn bệnh quái ác này cho đến khi tròn 8 tuổi (năm 1994)

Mong ước mọi người đừng xa lánh

Chia tay gia đình ông Chiều, tôi tìm đến gia đình nhà ông Xa Văn Mính (68 tuổi) và bà Vi Thị Ủ (65 tuổi). Căn nhà sàn của gia đình ông Mính nằm tách biệt hẳn so với phần còn lại của cộng đồng.

Phía bên trên căn nhà sàn mái lá cọ đã nhuốm màu thời gian, một người đàn ông khuôn mặt chỉ còn da bọc xương, hai môi trề xuống. Thỉnh thoảng, ở đôi môi ấy lại thấy nhỏ ra những giọt rãi nhỏ xuống nền đất vàng khè bên dưới.

Đó là anh Xa Văn Mấn (38 tuổi, con trai cả của ông Mính và bà Ủ), anh Mấn cũng là nạn nhân và bị căn bệnh quái ác dày vò mấy chục năm nay.

Căn nhà của gia đình ông Xa Văn Mính nằm heo hút giữa rừng cây. Ảnh: Duẩn.

Bước vào phía trong căn nhà sàn, ông Mính ngồi ủ rũ hướng mặt ra bên ngoài khung cửa sổ, đôi mắt đăm chiêu. Thỉnh thoảng, người đàn ông có mái tóc bạc phơ lại khẽ một tiếng thở dài đầy ngao ngán.

Từ khi bị khô da sắc tố, anh Xa Văn Năm chỉ có thể quanh quẩn ở nhà. Ảnh: Duẩn.

Hoàn cảnh của gia đình ông Mính không khác mấy so với gia đình ông Chiều. Cả hai hộ đều được xếp vào hạng cùng đinh của thôn. Hơn nữa, bà Vi Thị Mơng (vợ ông Chiều) còn là chị gái ruột của bà Ủ.

Gia đình ông bà sinh được tổng cộng 4 người con gồm Xa Văn Mấn (38 tuổi), Xa Văn Năm (37 tuổi), Xa Thị Dạy (35 tuổi) và Xa Văn Tạo (31 tuổi) thì cả 4 người đều đang có dấu hiệu mắc phải căn bệnh khô da sắc tố bẩm sinh.

Anh Xa Văn Mấn cùng cậu em trai là anh Xa Văn Năm là những người bị nặng nhất trong nhà. Tuy khuôn mặt không bị tàn phá đến biến dạng như hai người con của ông Chiều nhưng trên người các anh, những vết mẩn đỏ, ngứa, lở loét lan khắp từ thắt lưng quần lên đến đầu.

Anh Xa Văn Mấn cũng mắc phải căn bệnh quái ác giống như người em của mình. Ảnh: Duẩn.
Mặc dù đã gần 40 tuồi nhưng anh Xa Văn Năm có ngoại hình rất nhỏ bé. Ảnh: Duẩn.

“Chúng cứ gãi suốt ngày đêm như vậy thôi, gần 40 tuổi đầu rồi nhưng nhìn có khác gì đứa trẻ con đâu chú. Thương con nhưng chúng tôi không biết làm thế nào được”, bà Ủ chia sẻ

Ngồi ngay sát bên tôi, anh Xa Văn Mấn không lúc nào dừng tay với những nhát gãi khiến da thịt chảy cả máu. Khuôn mặt anh vô hồn, anh mắt như muốn van lơn, cầu khần hãy đưa anh thoát khỏi căn bệnh quái ác đó.

Ảnh:Duẩn
Những vết thương loang rộng trên khắp vùng lưng của anh Mấn. Ảnh: Duẩn.

Theo như lời bà Ủ kể lại, hai người con của ông bà sinh ra đều bình thường như những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, cứ đang đến độ tuổi lớn thì lại đột ngột mắc bệnh. Ban đầu chỉ là những vết ngứa nhỏ, sau đó những vết ngày càng ngày càng lan rộng ra.

“Mới đầu, chúng cứ kêu ngứa, rồi liên tục dùng tay gãi, tuy nhiên càng gãi, nước mủ chảy ra càng nhiều, lây lan sang những chỗ khác. Đến thời điểm hiện tại, từ vùng thắt lưng lên đến đầu các con tôi, đâu đâu cũng thấy da tróc ra, lở loét, lốm đốm như da cóc.

Hiện tại, căn bệnh đã khiến việc đi lại của anh Năm và anh Mấn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Duẩn.

Bác sĩ ở dưới xuôi con đến thăm khám nhiều lần, cho nhiều thuốc uống, bôi, bắt kiêng khem đủ thứ nhưng càng ngày bệnh lại càng nặng, không có dấu hiệu phục hồi”, bà Ủ buồn bã chia sẻ.

Ngồi rầu rĩ nhìn ra bên ngoài khung cửa sổ, ông Mính không giấu nổi nỗi xót xa. Theo lời ông, hiện tại, sức khỏe của hai người con đang rất yếu, ăn uống không bù lại được lượng máu chảy ra mỗi khi bệnh tái phát.

“Chúng tôi cũng không biết các em sẽ sống được bao lâu nữa, gia đình thì nghèo quá, không có đủ chi phí, thuốc thang để đưa các em đi điều trị. Đợt trước có một vài người lên thăm hỏi, hỗ trợ, số tiền đó cũng được dồn cả vào mua thuốc thang cho các em nhưng xem chừng không khả thi, bệnh vẫn hoàn bệnh”, ông Mính chia sẻ.

Ông Xa Văn Mính chỉ mong người dân mở rộng lòng hơn với những người mắc bệnh như con ông. Ảnh: Duẩn.

Cũng giống như những hộ gia đình có con em mắc phải căn bệnh khô da sắc tố ở đây, điều ông Mính và bà Ủ buồn lòng nhất là sự kì thị, phân biệt. “Mặc dù được cán bộ y tế khuyến cáo đây là bệnh không lây nhưng họ vẫn tránh như tránh ta. Tôi nói thật, ít có người như cậu lắm, dám trực tiếp tiếp xúc với mấy đứa nhà tôi.

Giờ chúng nó cũng chẳng sống được bao nhiêu lâu nữa, tôi chỉ mong mọi người hãy hòa đồng, bao dung, cảm thông hơn để chúng có thể được sống những tháng ngày cuối cùng thật đúng nghĩa”, ông Mính nghẹn ngào chia sẻ.

Bà Vi Thị Ủ trong cuộc trò chuyện với PV. Ảnh: Duẩn.

Suốt những năm qua, thông tin về căn bệnh lạ và những con người khốn khổ nơi núi rừng của đất Mường Chiềng đã ngập tràn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Từng đoàn bác sĩ, chuyên gia y tế cũng không quản ngại khó khăn, vất vả lặn lội lên tận Mường Chiềng để thăm bệnh. Tuy nhiên, từng tốp, từng tốp đến rồi lại đi, chỉ còn căn bệnh lạ ở Mường Chiềng và sự kì thị vẫn ở lại với những con người khốn khổ.

Nguồn:Đời sống plus 

"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."