Cảnh báo dịch sốt xuất huyết “hoành hành” tại Hà Nội
Ngày 23/5, báo cáo từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận hơn 700 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 190 xã, phường ở 26 quận, huyện, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2016.
700 ca mắc bệnh, 1 ca tử vong
Ngày 23/5, báo cáo từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận hơn 700 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 190 xã, phường ở 26 quận, huyện, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Đáng chú ý, đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết tại Hà Nội tính từ đầu năm 2017 đến nay.
Nữ bệnh nhân được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xác định tử vong do sốc dengue (sốc do sốt xuất huyết). Ngành y tế đã tiến hành vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất, truyền thông bằng loa truyền thanh di động tại khu vực bệnh nhân thuê trọ.
Mới đây, trên địa bàn quận Đống Đa cũng ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết tại ký túc xá ĐH Luật Hà Nội với 11 ca mắc. Từ đầu năm đến nay, tại quận Đống Đa cũng đã ghi nhận đến 37 ổ dịch ở 13 phường, tổng số mắc lên tới 163 trường hợp.
Ngoài ra, tại phường Khương Thượng cũng ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết tại ngõ 95 Chùa Bộc và ngõ 354 Trường Chinh với tổng số bệnh nhân là 10 người.
Trước diễn biến khó lường của dịch, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết. Trong đó đặc biệt tuyên truyền, tổ chức họp dân để thông tin về tình hình dịch bệnh và hướng dẫn người dân cách phòng chống. Các địa phương tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy; tập trung cứu chữa người bệnh để giảm nguy cơ tử vong…
Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, bệnh sốt xuất huyết có thể gây thành dịch lớn, bệnh nặng có thể gây tử vong.
Mặt khác, bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4 nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần sau còn nặng hơn lần trước. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó.
Nhiều khó khăn trong công tác phòng sốt xuất huyết
Ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc TTYTDP thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, vẫn còn 50% hộ gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội từ chối phun hóa chất, không hợp tác với cán bộ y tế hoặc vắng nhà liên tục, do vậy, việc khống chế và dập tắt các ổ dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.
Chia sẻ về khó khăn trong công tác phòng chống SXH của Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện đang có rất nhiều bất cập trong phòng chống dịch bệnh, trong đó bao gồm phòng chống dịch SXH, là vấn đề thiếu nguồn kinh phí, đặc biệt là cho công tác dự phòng và chống dịch.
Đối với công tác chuyên môn, PGS.TS Trần Đắc Phu nêu rõ, Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo toàn bộ hệ thống y tế từ dự phòng và điều trị tích cực trong công tác giám sát phát hiện sớm, xét nghiệm chuẩn đoán nhanh, xử lý ổ dịch ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên.
Hệ thống điều trị bảo đảm thu đúng và điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế tối đa biến chứng và tử vong; đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, máy phun, hóa chất cho công tác chống dịch cũng như điều trị ở tất cả các tuyến; tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát phòng chống dịch…
(Theo Congly)