Lý giải về quan niệm mẹ bầu giơ 2 tay lên cao con sẽ bị dây rốn quấn cổ

Dây rốn quấn cổ thai nhi do nhiều nguyên nhân, nhưng liệu hành động của mẹ bầu là với tay lên cao trong lúc mang thai có khiến bé bị dây rốn quấn cổ hay không?

Nguyên nhân nào khiến bé bị dây rốn (tràng hoa) quấn cổ?

Ảnh:internet

Dân gian có nhiều quan niệm mà khoa học chưa thể lí giải. Nhưng cũng có những quan niệm đã được khoa học kiểm chứng và chứng minh, trong đó có hiện tượng dây rốn quấn cổ thai nhi. Theo các bác sĩ, sự cố dây rốn quấn cổ thai nhi xảy ra là do các tư thế xoay chuyển của thai nhi trong tử cung trước khi sinh và hiện tượng này thường xảy ra ở các bé hiếu động (rất nghịch trong bụng mẹ).

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như cấu tạo tế bào gốc thành mạch rốn không đủ, cấu trúc dây rốn yếu, quá nhiều nước ối, dây rốn dài bất thường, thai đôi hoặc đa thai.

Đây là 1 hiện tượng bình thường và 1/3 số trẻ sinh ra có dây rốn quấn cổ. Các chuyên gia Nhi khoa cho biết, hiện tượng này hầu như không gây ảnh hưởng đến sức khỏe em bé, chỉ trừ 1 số trường hợp đặc biệt mới cần y học can thiệp để đảm bảo an toàn mẹ và bé.

Tuy nhiên, cha mẹ vẫn có cảm giác không yên tâm và lo lắng nếu phát hiện em bé của mình bị dây rốn quấn cổ, thậm chí nhiều mẹ bầu còn truyền tai nhau 1 việc nên tránh để con không bị dây rốn quấn cổ, đó là không nên giơ 2 tay lên cao, vì động tác này sẽ khiến dây rốn quấn vào đầu, cổ của em bé, gây nguy hiểm cho thai nhi.

Mẹ bầu với tay lên cao có làm bé bị dây rốn quấn cổ không?

Đây chỉ là kinh nghiệm truyền miệng và không được khoa học kiểm chứng. Các bác sĩ giải đáp rằng: Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh mối quan hệ giữa quan niệm đó với hiện tượng tràng hoa quấn cổ ở các bé. Sự thật là dù mẹ bầu di chuyển nhiều hay ít, thậm chí nằm treo chân 1 chỗ trong thời kỳ mang thai cũng không ảnh hưởng đến vị trí dây rốn của thai nhi.

Với tay lên cao không liên quan đến việc dây rốn quấn cổ bé hay không.

Dây rốn quấn cổ không phải là vấn đề quá nghiêm trọng, bác sĩ sẽ gỡ dây rốn ra khỏi cổ em bé sau khi sinh, thao tác này chỉ mất chưa đến 1 phút.

Có lẽ quan niệm này nhằm mục đích sâu xa hơn đó là nhằm hạn chế bà bầu lấy đồ ở trên cao bằng cách với 2 tay lên trên, kiễng chân bởi nó có thể khiến mẹ bầu trượt chân ngã. Các bác sĩ Nhi khoa cũng khuyên mẹ bầu không nên làm việc nặng, với tay cao nhiều để tránh mỏi tay, căng giãn cơ bụng, đau lưng gây khó chịu mệt mỏi.

Mẹ bầu vẫn có thể giơ tay cao để rèn luyện sức khỏe.

Hy vọng, với các thông tin trên, mẹ bầu sẽ hiểu rõ và hiểu đúng về quan niệm này và giữ sức khỏe tốt trong thai kỳ.

Theo Trí thức trẻ