Muốn con chào đời đủ 9 tháng 10 ngày, mẹ khỏe đẹp suốt thai kỳ, đừng bao giờ quên điều này
Một cơ thể khỏe mạnh trong suốt thai kỳ sẽ giúp mẹ đảm bảo thai nhi an toàn trong suốt 9 tháng 10 ngày.
Khi có thai mình đã đặt ra rất nhiều câu hỏi để làm sao có thể chăm sóc tốt nhất cho cả con và bản thân. Rất nhiều băn khoăn khi mình tìm hiểu các thông tin hữu ích trên mạng dành cho các mẹ trong giai đoạn thai nghén. Nhưng càng tìm hiểu mình càng cảm thấy rối tung hết cả vì quá nhiều thông tin từ nhiều hướng khác nhau. Sau đó, mình không thèm đọc thêm nhiều nữa và mỗi ngày chỉ thực hành một ít trong số những điều mình lọc được từ nguồn thông tin phong phú có được.
Về sau, khi thai kỳ của mình thành công trọn vẹn, mẹ tròn con vuông, mình đã nghiệm lại tất cả để đúc rút kinh nghiệm cho bản thân trong những thai kỳ kế tiếp. Và đây là những gì mình đã bằng kinh nghiệm và kiến thức để rút ra được. Các mẹ có thể tham khảo thêm nếu thấy cần nhé:
Bổ sung vitamin
Vitamin, axit folic, canxi và sắt luôn cần phải bổ sung đầy đủ khi mang thai. Ngoài việc giúp các mẹ có một cơ thể khỏe mạnh (đặc biệt là trong thời gian 3 tháng đầu của thai kỳ), nó còn giúp thai nhi rất nhiều trong việc phát triển não bộ. Để biết liều lượng mỗi loại vitamin cần thiết cho mỗi tháng cụ thể ra sao, các mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ và cố gắng duy trì uống đều đặn mỗi tháng cho đến khi sinh nhé!
Tập thể dục
Các bài tập thể dục sẽ giữ cho cơ thể mẹ luôn linh hoạt, ngừa được chứng đau lưng và ngủ sâu giấc hơn. Nhưng mẹ nhớ chỉ tập thể dục ở mức cho phép và chọn các bộ môn phù hợp với mẹ mang thai thôi nhé! Duy trì ở cường độ vừa phải sẽ giúp cơ thể mẹ lưu thông máu tốt hơn, cân bằng hormone thai kỳ và hạn chế các biến chứng thai sản. Những bộ môn thể dục hợp với mẹ bầu có thể kể đến như yoga, bơi lội hoặc đi bộ chậm.
Thời lượn tập tốt nhất là trong 30 phút và ít nhất đủ 3 ngày một tuần. Tuy nhiên, trước khi muốn tập trung rèn với một bộ môn thể dục nào đó, mẹ nên hỏi trước ý kiến các bác sĩ nhé!
Tìm hiểu thêm về thai kỳ
Cho dù sinh thường hay sinh mổ, mẹ cũng phải có những hiểu biết cơ bản về thai kỳ và sinh nở. Tại các bệnh viện hiện nay đều có tổ chức lớp học tiền sản cho mẹ hoặc các lớp chăm sóc thai ở mỗi giai đoạn thai kỳ. Các mẹ có thể đăng ký các lớp học này để tự tin hơn với kiến thức thai kỳ của mình nhằm chăm sóc con tốt hơn. Như thế, nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra trong khi mang thai, các mẹ cũng sẽ biết cách xử lý kịp thời.
Tập luyện cho cơ bắp vùng chậu
Một mẹo nhỏ để giúp mẹ khỏe mạnh trong suốt thai kỳ đó chính là thực hành các bài tập rèn cơ bắp vùng chậu. Các bài tập dành riêng này sẽ giúp cho cơ bắp vùng chậu khỏe mạnh và săn chắc hơn. Nó cũng cho phép các mẹ kiểm soát tốt việc tiêu tiểu không tự chủ trong quá trình mang thai và sau sinh. Bài tập cơ bắp vùng chậu được giới thiệu sau đây có thể được thực hiện bất cứ nơi nào, lúc nào:
– Ép cơ vùng chậu trong 5 tiếng đếm và thả ra thư giãn
– Lặp lại 10 lần như vậy để hoàn thành bài tập.
Chiều chuộng bản thân
Để giúp giải tỏa cho mẹ bầu khỏi những lo lắng, đem lại trạng thái sức khỏe tâm thần ổn định khi mang thai, bản thân mẹ phải tự tìm lấy cho mình thú vui giải trí những lúc rảnh rỗi. Mẹ có thể làm bất cứ điều gì miễn thấy mình thoải mái và vui vẻ là được. Đó có thể là nấu ăn, nghe nhạc, đọc sách, xem phim, đi du lịch ngắn ngày hoặc đi đến thẩm mỹ viện để cắt móng tay, cắt tóc, mát-xa mặt… Đừng ngại làm gì để chiều chuộng bản thân khi mẹ đang mang thai nhé!
Gọi bác sĩ ngay nếu cảm thấy không khỏe
Đối với các mẹ mang thai lần đầu tiên, một số triệu chứng có thể gây nhầm lẫn rất tai hại. Do đó, nếu trong quá trình mang thai, mẹ thấy mình có những triệu chứng lạ, nghi ngờ thì lập tức cầm điện thoại lên và alo cho bác sĩ ngay. Nếu muốn an tâm hơn nữa, hãy đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp khi thấy các triệu chứng sau:
– Đau bụng
– Co thắt tử cung mạnh và kéo dài trong vòng 20 phút
– Âm đạo chảy máu hoặc có dịch lỏng chảy ra làm ướt quần trong
– Chóng mặt đến ngất xỉu
– Khó thở, đánh trống ngực, có dấu hiệu đột quỵ
– Mặt, tay, chân sưng đến nỗi đau đớn
– Thai không máy.
Chọn phương tiện di chuyển an toàn
Ước tính tuổi thai khoảng 14-28 tuần, mẹ có thể du hí bằng một chuyến du lịch dài ngày. Nhưng di chuyển đường xa đối với mẹ trong khoảng thời gian được cho là an toàn như thế này cũng cần phải có những cân nhắc nhất định. Nếu có kế hoạch đi du lịch bằng máy bay, mẹ nên thăm khám sức khỏe trước khi đi và nên có những chuẩn bị cần thiết cho chuyến đi. Khi đi, chọn chỗ ngồi trên máy bay cạnh lối đi vì có thể mẹ sẽ cần đi tiểu nhiều. Nếu di chuyển bằng ô tô, thỉnh thoảng sau 2 tiếng nên ngừng xe một lần để mẹ xuống đi lại chừng 10 phút thư giãn.
Thoa kem chống nắng
Khi mang thai, da mẹ rất nhạy với ánh sáng mặt trời, gây sạm và tổn thương da về sau như tàn nhan hoặc ung thư. Do đó, để bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời, trước khi rời khỏi nhà hoặc trước khi dạo bộ, dạo biển, mẹ nên thoa kem chống nắng với SPF 50 và đội mũ, đeo kính râm bảo vệ. Điều này không chỉ cần thiết khi mẹ đi du lịch mà còn phải áp dụng ngay cả ngày thường và trong suốt thai kỳ.
Thỏa ngọt bằng trái cây
Chọn trái cây làm bữa ăn nhẹ vào ban ngày sẽ giúp cơ thể thêm lượng đường tự nhiên (fructose), tăng cảm giác sảng khoái. Các loại trái cây tự nhiên cũng chứa rất nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất nên rất có lợi cho mẹ bầu.
Ăn nhiều thực phẩm giàu folate
Thực phẩm giàu axit folic đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển ống thần kinh của thai nhi, hệ thần kinh và tủy sống. Đồng thời nó cũng giúp tạo ra các tế bào máu mới cho thai nhi và mẹ. Chính vì vậy, mẹ nên tăng cường ăn nhiều thực phẩm giàu folate trong thai kỳ với: cam, dưa hấu, chuối, dứa, đu đủ, lê, mầm lúa mì, bí ngô, rau bina, đậu lăng, măng tây, ngũ cốc…
Chỉ cần làm theo đúng 10 điều này, chắc chắn mẹ sẽ thấy hạnh phúc hơn với thai kỳ của mình thai vì vật vã vì những kiêng kỵ quá mức. Chúc các mẹ thai kỳ thành công rực rỡ, mẹ tròn con vuông nhé!
(Theo WTT)