Cứ bỏ tù bác sĩ Lương trong vụ 7 người chết vì chạy thận ở Hòa Bình đi rồi chẳng có bác sĩ nào dám hi sinh cứu người bệnh nữa!

Không biết mọi người có quan tâm hay cập nhật thông tin về vụ 7 bệnh nhân chết vì sốc phản vệ khi chạy thận ở Hòa Bình không? Em thì luôn theo dõi vụ việc này, luôn mong có những thông tin mới nhất vì vấn đề này rất thiết thân với chúng ta.

Nó liên quan đến môi trường sức khỏe và những người chăm sóc sức khỏe, đảm bảo cho tính mạng của chúng ta: các y bác sĩ. Thế nên vụ việc này cần lời góp ý của mọi người trong xã hội để có cách xử lý hợp tình hợp lý, không làm ảnh hưởng đến tinh thần làm việc và cứu người của các y bác sĩ.

Vụ việc 7 người chết vì chạy thận ở Hòa Bình gây rúng động dư luận và giới y khoa. Nguồn: Internet

Chẳng giấu gì các chị, sở dĩ em quan tâm đến vụ việc này nhiều như thế là vì em và chồng em từng trải qua cảm giác sống đi chết lại khi con gái em bị vỡ tim và cũng nhờ có sự bất chấp mạo hiểm của bác sĩ mà con gái em mới từ cửa tử trở về các chị ạ. Lúc bé nhà em xảy ra chuyện, bé đang ở trường. Cô bảo mẫu đã lập tức đưa bé đến bệnh viện cấp cứu, lúc hay tin thì vợ chồng em đang có công chuyện ở ngoài. May mà các bác sĩ bất chấp các nguyên tắc về pháp lý, không cần chữ ký của vợ chồng em vẫn tiến hành ca mổ cho con gái em mà con bé mới được cứu sống. Nhớ lại lúc đó, em nghĩ đáng lẽ mình phải quỳ xuống cảm ơn các bác sĩ.

Nếu họ làm theo đúng nguyên tắc pháp lý, hành chính để đảm bảo cho bản thân mình an toàn thì có lẽ con gái em đã chết mất rồi, vì vợ chồng em chẳng ai chạy đến kịp mà ký giấy cả. Nếu ca phẫu thuật cho con gái em thất bại, họ có thể bị truy tố vì làm sai nguyên tắc. Nhưng cho dù ca phẫu thuật đó có thành công hay không thì em cũng sẽ không bao giờ kiện họ vì quyết định liều lĩnh của họ đã cho con gái em cơ hội được cứu sống. Lúc em vừa khóc nghẹn vừa nức nở cảm ơn họ thì một bác sĩ đứng tuổi ở đó đã nói với em rằng: “Bác sĩ nào có lương tâm cũng sẽ quyết định thế thôi.” Em vẫn nhớ hoài câu nói đó!

Vì đã từng trải qua những giây phút dài đằng đẵng khi chờ con gái được phẫu thuật xong mà em rất thấu hiểu sự vất vả và gian nan các y bác sĩ phải chịu đựng. Vì yêu nghề, vì lương tâm, vì chức phận mà họ đã hi sinh rất nhiều. Thế nên cả thế giới này, ở đâu người ta cũng tôn vinh nghề bác sĩ cả. Chỉ có ở nước mình, bác sĩ mới bị coi thường, bi soi xét quá mức mà thôi. Sống chết khôn lường, bác sĩ đâu phải là Chúa mà có thể cứu sống được tất cả mọi người. Chỉ một ca phẫu thuật thất bại, họ bị người nhà bệnh nhân xách dao chém. Bác sĩ cũng là người mà, họ cũng có những lúc sai lầm hay những lúc không được khỏe mạnh. Vậy mà cách đây một thời gian, một bác sĩ gác chân lên giường bệnh của bệnh nhân đã bị dân mạng ném đá dữ dội mà không biết rằng vị bác sĩ này đang đau chân nhưng vẫn cố đi khám cho bệnh nhân của mình.

4t64564
Làm bác sĩ ở Việt Nam khổ lắm ai ơi, đau chân lỡ gác lên thế này là bị chửi ngay. Nguồn: Internet

Làm bác sĩ ở Việt Nam hệt như làm dâu trăm họ. Trăm dâu đều đổ đầu tằm, có bất cứ sự cố nào xảy ra các bác sĩ đều là người đứng mũi chịu sào. Như chuyện của bác sĩ trẻ Hoàng Công Lương trong vụ 7 người chết vì chạy thận ở Hòa Bình. Theo em nghĩ cái sai của bác sĩ Lương chỉ là sai thủ túc hành chính. Bác sĩ Lương bị kết tội vì chưa nhận bàn giao bằng văn bản từ những người có trách nhiệm kiểm tra máy móc và quy trình trước khi chạy thận dù thực tế, vị bác sĩ này đã nhận bàn giao và xác nhận bằng lời qua điện thoại với họ.

Em đọc trên báo Tuổi trẻ thì thấy có một thông tin thế này: “TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo – phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, chủ nhiệm bộ môn hồi sức chống độc Đại học Y dược TP.HCM – nói việc cung cấp nguồn nước đủ tiêu chuẩn lọc máu là trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện, các phòng ban và nhân viên kỹ thuật được phân công. Việc bàn giao sau bảo trì là bàn giao về số lượng, chủng loại thiết bị và nguồn nước phải đảm bảo chất lượng. Bác sĩ Lương cũng đã nhận bàn giao qua điện thoại của người có trách nhiệm và dù có bàn giao bằng văn bản thì cũng không tránh được sự cố. Do vậy, theo bác sĩ Thảo, công an kết luận bác sĩ Lương không biết chất lượng nước có đảm bảo hay không mà vẫn đưa hệ thống vào sử dụng, gây tử vong cho bệnh nhân là chưa thuyết phục.”

4
Bác sĩ Lương bị công an bắt giữ. Nguồn: Internet

Em thấy ý kiến của vị bác sĩ này là rất xác đáng. Bác sĩ chỉ sử dụng máy móc nhưng họ không có kiểm tra máy móc được. Đây là trách nhiệm của nhân viên kỹ thuật và các khâu liên quan. Sao lại đổ mọi tội lỗi lên đầu bác sĩ. Em thấy tội cho các bác sĩ Việt Nam các chị ạ, họ lúc nào cũng phải xoay xở để chữa trị cho bệnh nhân trong điều kiện chẳng thuận lợi chút nào, máy móc y tế toàn là đồ cũ “xào lại”. Nếu bác sĩ Lương mà bị kết tội thì thử nghĩ mà xem các y bác sĩ có cảm thấy chán nản không, họ có còn muốn hi sinh để cứu chữa cho bệnh nhân hay không hay là họ cứ khư khư làm “đúng quy trình” để bảo vệ cho bản thân mình.

Em lạm bàn một chút thôi, vì em chẳng phải là người làm trong ngành y gì. Thế nên em xin trích dẫn ra đây ý kiến của một chuyên gia về những thiệt thòi mà các y bác sĩ nước mình phải chịu so với một nước phát triển khác là Mỹ:

“Bác sỹ, y tá và y học nói chung sinh ra để cứu người nhưng đôi lúc họ cũng gây ra tử vong ngoài ý muốn. Đã là người thì chắc chắn mắc lỗi. Chỉ có kẻ lừa bịp mới dám tuyên bố không mắc sai lầm bao giờ.

Lái xe bus mắc lỗi gây ra tai nạn cho hàng chục người, phi công là hàng trăm người, trong chiến tranh nếu ném bom nhầm là hàng ngàn người. Chính trị gia sai lầm kéo theo sự tụt hậu và đôi khi gián tiếp “giết” hàng triệu người.
Tuy nhiên, trường hợp y học là câu chuyện khá tế nhị. Nếu phạt nặng bác sỹ về những lỗi không cố ý sẽ làm cho họ nhụt chí cứu người. Hoa Kỳ không cho phép kiện ngược các nhà nghiên cứu thuốc vì nếu làm vậy sẽ không còn ai dám hy sinh cho y khoa.

Trong bệnh viện, để an toàn cho bản thân bác sĩ sẽ tìm cách né tránh những ca làm khó trong tương lai. Và bệnh nhân lãnh hậu quả. Không phạt nặng thì sẽ có chuyện nhầm lẫn và vô can.

Tại các nước phát triển thường có không gian cho các bác sỹ bàn công khai về những lỗi lầm trong công việc. Bác sỹ Bryan Bledsoe, giáo sư y khoa của đại học Y Nevada (Hoa Kỳ) từng kể, 20 năm trước ông từ sai sót chút nữa thì làm tử vong một phụ nữ. Và bây giờ ông là người cởi mở mong muốn các bác sỹ chia sẻ những sai lầm để không bị mắc lại thay vì giấu biệt. Trên Reader’s Digest có hàng loạt bài như vậy của các bác sỹ kinh nghiệm.

Dư luận ném đá ngành y một cách vô lý sẽ “đuổi” nốt những người tốt sang với nhóm bác sỹ vô lương. Vụ việc ở Hòa Bình là đáng tiếc, nhưng ứng xử mà không thấu hiểu đặc trưng nghề nghiệp bác sỹ sẽ đẩy nốt những “lương y kiêm từ mẫu” sang nẻo khác.

Đấy mới là thảm họa y học thực sự khi người trong áo blue trắng không muốn dấn thân cứu người bệnh. Đó là lúc y đức không còn lối thoát.”

"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."