Trước ngày lĩnh án tù 20 năm con trai gửi mẹ bức thư, đọc xong triệu người mẹ nhạt nhòa nước mắt và nghĩ về chính mình
Mỗi bước chân của con dường như đều có mẹ dẫn dắt, chỉ bảo vì mẹ sợ con vấp ngã. Hơn nửa cuộc đời của con, mẹ đều như thế cả. Nhưng đến ngày lĩnh bản án tù 20 năm này con mới biết rằng mẹ đã “quá yêu con” nên con trai mẹ đã mất đi bao nhiêu cơ hội trưởng thành. Và cho đến bây giờ, con vẫn là một “đứa trẻ”.
Mẹ ơi!
Con trai của mẹ ngày mai sẽ bị lĩnh án tù 20 năm rồi. Con cũng không biết tại sao lại đi đến bước đường ngày hôm nay, chỉ có thể mặc cho những hình ảnh của chuyện xưa quay về trước mắt…
Khi con 3 tuổi, con chạy nhanh quá rồi vấp phải đá nên bị ngã. Mẹ vội vàng đỡ con đứng dậy, vừa dỗ dành con đừng khóc nữa vừa đá vào hòn đá rồi mắng nó: “Hòn đá xấu xí! Ngươi dám làm bảo bối của ta bị ngã à!” Nghe thấy câu nói này, con vốn định cố chịu đựng không khóc nhưng sau đó con lại khóc lớn một cách oan ức trong vòng tay của mẹ.
Con nghĩ tại hòn đá mà con bị ngã chứ không biết rằng mẹ chỉ muốn dỗ dành để con không khóc nữa mà thôi…
Năm con 4 tuổi, con vì xem tivi mà không muốn ăn cơm tối. Mẹ không mắng mà còn bưng cơm đến chỗ con bón cho con ăn.
Con nghĩ thì ra cuộc sống có thể hưởng thụ như vậy, nhưng con không biết mẹ sợ con làm vãi cơm lên áo sẽ phiền mẹ phải giặt chiếc áo đó.
Khi con 6 tuổi, mẹ đưa con đến cửa hàng đồ chơi để mua quà giáng sinh. Mẹ đã nói trước là chỉ được mua một món nhưng con đòi mua kim cương biến hình rồi còn đòi mua máy bay nữa. Mẹ không đồng ý con liền lăn xuống đất gào khóc cho đến khi mẹ miễn cưỡng rút ví trả tiền.
Con nghĩ thì ra dùng chiêu này có thể đối phó mẹ, lần nào cũng hiệu nghiệm. Nhưng con đâu biết rằng mẹ làm vậy chỉ vì không muốn mọi người nói mẹ không biết dạy con.
Năm con 8 tuổi, con muốn thử giặt tất chân, mẹ sợ con giặt không sạch nên không cho giặt. Con muốn rửa bát, mẹ sợ con làm vỡ bát nên lại không cho rửa. Con muốn tự mình xới cơm, mẹ sợ con bị phỏng rồi cũng không cho con tự xới.
Con nghĩ thì ra trong cuộc sống lại có nhiều khó khăn và nguy hiểm mà con không thể đối mặt đến như vậy. Nhưng con không biết rằng mẹ chỉ không muốn phải tự mình làm lại một lần nữa những việc con đã làm mà thôi.
Khi con 10 tuổi, mẹ đăng ký cho con tham dự ba lớp học thêm và hai lớp học năng khiếu. Khi con bị “hành hạ” đến mệt mỏi không chịu nổi, mẹ nói không chịu được khổ làm sao có thể trở thành người tài được.
Con nghĩ thì ra học tập là chuyện đau khổ đến như vậy. Nhưng con không biết rằng mẹ chỉ muốn con một ngày nào đó thành tài sẽ nở mặt nở mày trước họ hàng bè bạn.
Năm con 13 tuổi, con đá bóng làm vỡ cửa kính nhà hàng xóm, sau khi mẹ đền tiền xong kêu con xin lỗi hàng xóm.
Con nghĩ thì ra sau khi gây họa nói một câu “xin lỗi” là sẽ không sao nữa.
Khi con 15 tuổi, con nói muốn học chơi piano, mẹ vay tiền mua cho con một cây đàn. Nhưng chỉ một tháng sau con đã không còn đụng đến nó nữa.
Con nghĩ thì ra mọi việc thật đơn giản, thích thì làm không thích thì nghỉ. Nhưng con không biết mẹ phải mất ba năm để trả hết số nợ vay để mua cho con cây đàn đó.
Năm con 19 tuổi, con đăng ký chọn nguyện vọng thi đại học. Mẹ nói làm luật sư không chỉ kiếm được nhiều tiền mà còn có địa vị, nhất định bảo con phải học kinh tế.
Con nghĩ thì ra chỉ cần đi theo con đường mẹ vẽ sẵn là được.
Khi con 20 tuổi, con muốn đổi một cái điện thoại mới. Con nói với mẹ đổi điện thoại con sẽ thường xuyên liên lạc với mẹ hơn. Mẹ không nói câu nào mà chuyển ngay 9 triệu đồng vào tài khoản của con. Nhưng ngoài gọi cho bạn gái nói chuyện mỗi ngày ra, một năm con cũng không gọi được cho mẹ mấy lần.
Con nghĩ thì ra mẹ là cây ATM mà con có thể rút tiền bất cứ lúc nào. Nhưng con không biết rằng rất nhiều lần đến ngày sinh nhật của mình, mẹ đều mong con gọi điện cho mẹ.
Năm con 24 tuổi, sau khi con tốt nghiệp đại học, mẹ lại bỏ tiền để “chạy” cho con một công việc ổn định.
Con nghĩ thì ra học đại học không ra làm sao cũng có thể có công việc ổn định. Nhưng con không biết rằng mẹ đã phải chạy vạy chỗ này chỗ kia để con có được công việc ấy.
Khi con 27 tuổi, mẹ thấy con hẹn hò rất nhiều đối tượng không thành. Bọn con gái đều nói con không có trách nhiệm, vẫn còn là một đứa trẻ chưa trưởng thành. Mẹ nói là duyên phận chưa đến, là họ không xứng với con.
Con nghĩ bỏ lỡ con là sự tổn thất của những cô gái đó. Nhưng con không biết rằng mẹ đã giấu con đi tìm mai mối cho con biết bao nhiêu lần.
Năm con 32 tuổi, con mắc một món nợ cờ bạc khổng lồ. Mẹ tức giận đến ngã bệnh rất nặng nhưng cuối cùng mẹ vẫn giúp con trả sạch món nợ đó.
Con nghĩ thì ra bất luận con làm chuyện gì cũng có mẹ gánh vác cho. Nhưng con không biết rằng mình đã vắt cạn kiệt số tiền dưỡng lão của mẹ.
Năm con 35 tuổi, khi con không thể hỏi xin một đồng nào từ mẹ nữa, trong lúc thiếu tiền chơi cờ bạc, con đã đi cướp xe máy của người ta. Lúc ấy, họ chống trả lại quyết liệt, con đã vô tình đâm một nhát dao và kết thúc sinh mệnh của người ấy. Một việc thật khủng khiếp!
Vào giây phút nghe được bản án tù 20 năm của con trai, mẹ đã gào khóc kêu ông trời bất công với mình. Bản thân mẹ cực khổ cả đời nhưng lại đổi lấy kết quả này.
Cuối cùng con đã biết, mẹ đã quá bao bọc con khiến con không thể trở thành một người đàn ông thật sự trưởng thành. Mẹ đã dùng danh nghĩa yêu thương hết lần này đến lần khác lấy đi cơ hội trưởng thành của con. Hết lần này đến lần khác làm mất khả năng tự sinh tồn của con. Hết lần này đến lần khác cắt bỏ quyền tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình của con.
Thì ra trong giây phút này, con mới biết mình vốn dĩ chưa từng trưởng thành. Và đến bây giờ con mới thực sự hiểu rõ ràng “tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình” là thế nào.
Thì ra dùng phương thức sai lầm để hy sinh cho con, điều nhận được là sự đau khổ của hai thế hệ.
Thì ra giáo dục thật khó có cơ hội làm lại lần nữa.
Thì ra…
Mẹ ơi, mẹ hãy tự đứng lên và chăm sóc tốt cho bản thân mình! Ngày mai con không còn được ở bên mẹ nữa, lần này con sẽ tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, con sẽ cố gắng hoàn lương, cải tạo tốt và sớm trở về chăm sóc mẹ. Mẹ hãy tin ở con…
Nguồn:ĐKN