Xót xa cảnh mẹ câm điếc, bố mù lòa, con trai 10 tháng tuổi nguy kịch vì bỏng nặng

Không may phích nước nóng đổ vào người, bé trai 10 tháng tuổi bị bỏng nặng. Nhưng khi con khóc, giẫy giụa trong đau đớn vì bỏng thì người mẹ câm điếc không nghe thấy gì. Bố lại mù nên người thân trong gia đình phải thay nhau chăm sóc bé tại bệnh viện.

 Đó là hoàn cảnh bé Chu Văn Lịch, 10 tháng tuổi người dân tộc Tày ở thôn Bình Minh, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) hiện đang được điều trị tại Viện Bỏng quốc gia.

Toàn thân bé quấn băng trắng nằm đau đớn trên giường bệnh. Ảnh PT

Nhắc tới bé, các y bác sỹ ở bệnh viện đều xót thương không chỉ tình trạng bệnh mà còn hoàn cảnh đặc biệt éo le. Ths.BS Hoàng Băng Tâm – Khoa bỏng trẻ em (Viện Bỏng quốc gia) cho biết: “Đây có thể coi là trường hợp điểm ở Khoa hiện nay. Cháu vào viện hôm 5/6 do bỏng nước sôi với 20% diện tích, trong đó có 15% độ sâu 3 – 4 ở vùng bụng, lưng, mông, sinh dục và hai chân. Cháu không chỉ bị bỏng rất nặng mà hoàn cảnh cũng đặc biệt. Bản thân cháu chưa biết nói, mẹ bị câm điếc, bố bị mù. Bình thường chỉ một người được ở chăm sóc bệnh nhi nhưng hoàn cảnh cháu mẹ câm điếc nên Khoa đã phải để thêm một người nhà chăm sóc cháu và tiện giao tiếp”.

Vết bỏng ở phần sau lưng, mông… cháu vẫn còn ướt. Ảnh PT

Ngồi bên cạnh giường bệnh của cháu, anh Chu Văn Xuân (SN 1978, chú ruột của Lịch) buồn bã kể lại tai nạn. Hôm đấy chị Trịnh Thị Hưởng – mẹ bé Lịch để cháu ngồi ở chiếc xe tập đi như mọi khi sau đó ra đằng sau nhà làm việc. Ở trên nhà, cháu trong lúc đùa nghịch với phích nước nóng bố mẹ để ở cầu thang, không may đổ phích vào người gây bỏng nặng.

“Vì câm điếc nên chị ấy không nghe thấy tiếng con khóc sau khi bị bỏng. Mãi sau cháu khóc thét lên, hàng xóm ở bên cạnh nghe thấy chạy sang thì mới biết cháu bị bỏng tợt hết cả người, chạy xuống bảo chị Hường. Gia đình nhanh chóng đưa cháu đi cấp cứu ở bệnh viện huyện, rồi sau đó được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Do tình trạng cháu nặng nên điều trị ở đây được một hôm, các bác sỹ đã chuyển tuyến cho con lên Viện bỏng quốc gia”, anh Xuân kể.

Về tình trạng sức khỏe của bé Lịch, theo BS Tâm do bỏng sâu nên phải theo dõi và điều trị lâu dài. Hiện tại cháu còn yếu, kèm thêm viêm phổi nên được điều trị tích cực, truyền huyết tương. Dự kiến tuần sau cháu sẽ phải phẫu thuật cắt lớp hoại tử và cấy ghép da. Tuy nhiên, vì cháu còn quá nhỏ diện tích bỏng lại rộng sâu nên sẽ phải phẫu thuật nhiều lần. Đáng nói là việc chăm sóc cháu rất khó khi người mẹ bị câm điếc, bố lại mù.

Nằm trên giường bệnh, bé Lịch liên tục phải chịu những cơn đau đớn giằng xé da thịt. Chốc chốc bé lại giật mình mình khóc ré lên. Trong khi đó, người mẹ câm điếc không nghe thấy, lại vụng về không biết cách chăm sóc con khiến ai có mặt cũng đau xót.

Chị Hưởng bị câm điếc nên khi bé Lịch bị bỏng không nghe thấy khiến vết bỏng càng nặng hơn. Ảnh PT

 

Được biết, Lịch là con trai út trong gia đình có 4 chị em. Ở quê, cuộc sống gia đình cháu rất khó khăn. Bố mẹ đều là người dân tộc, quanh năm chỉ quanh quẩn ở nhà nên không biết gì. Chị Hưởng câm điếc không đi làm gì được chỉ ở nhà chăm con, hàng tháng được hưởng vài trăm nghìn tiền trợ cấp khuyết tật. Bố của Lịch vốn không được tinh nhanh, mù chữ từ nhỏ.

6 miệng ăn trông vào ít ruộng dè dặt lắm mới đủ ăn, anh xin đi phát cỏ đồi thuê. Mới đây, không may khi đang đi phát cỏ thuê bố của Lịch bị cây bắn vào mắt khiến mắt bị mờ đi. Mắt không nhìn rõ nhưng vì không có tiền nên chưa dám đi khám vì dành tiền chữa bỏng cho con.

Bé Lịch còn phải điều trị lâu dài rất cần sự giúp đỡ của bạn đọc hảo tâm. Ảnh PT

Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn khi Lịch bị bỏng. Mỗi ngày tiền thuốc, bỉm, sữa cho Lịch rồi bữa ăn hàng nữa rất tốn kém chứ chưa nói tới chi phí phẫu thuật tới đây. Từ hôm đưa con đi Viện, thương cháu họ hàng mỗi người cho được vài trăm, vợ chồng chị Hưởng phải nhờ người vay lãi ngày được 10 triệu. Tiền điều trị ở tuyến dưới và xe vận chuyển cũng đã gần hết.

Cơ thể nhỏ bé, yếu ớt của bé Lịch sẽ phải chống chọi với những cơn đau giằng xé thời gian dài. Gia đình con đang rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng để tiếp tục điều trị và bố bé có cơ hội đi điều trị mắt.

Nguồn:GĐ&XH

"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."