Lạ lùng ngôi làng “ăn thịt sống” ở Thái Bình: Mỗi người ăn hết… 2 kg thịt sống trong 1 bữa cỗ

Các bữa giỗ ở làng Vị Thủy (Thái Dương, Thái Thụy, Thái Bình) chắc chắn sẽ gây ra nhiều sự ngạc nhiên, sửng sốt lẫn… kinh hãi cho nhiều người lần đầu tiên tham dự: Tất cả các món đều là thịt sống, chưa món nào qua lửa kể cả món xương!

Một bữa cỗ trong làng thường được chuẩn bị từ tờ mờ sáng hôm trước để kịp cho bữa trưa hôm sau. Trên mâm cỗ này thường bày 4 món chính: Tiết canh, thịt băm sống, xương băm nhừ và món táp! Ông Cử – một người trong làng cho hay, theo tính toán của ông thì trong mỗi bữa cỗ, mỗi người ăn hết trung bình… 2kg thịt lợn sống!

Ông Đinh Văn Chính, một người nổi tiếng trong làng Vị Thủy vì khả năng chế biến thịt lợn sống cho hay, hơn 50 năm nay ông đi làm cỗ và ăn cỗ thịt sống chưa hề thấy ai bị đau bụng hay bị ngộ độc thức ăn bao giờ. Ông chia sẻ: “Cái chính là cách làm vệ sinh và chế biến chứ không phải là do bụng dạ yếu hay khỏe. Cách chế biến thịt sống để ăn ngay là cả một nghệ thuật của ẩm thực”.

Ảnh Internet

Theo ông Chính để món ăn này an toàn, những người chế biến cũng phải có những nguyên tắc bất di bất dịch. Đó là không được rửa thịt qua nước lạnh. Các đồ chế biến như dao, thớt cũng không được rửa bằng nước lã, mà nhất thiết phải rửa bằng nước sôi hoặc bằng nước sôi để nguội pha muối loãng. Vấn đề còn lại là làm thế nào cho ngon và có hương vị đặc trưng. Ở đây, cái lạ là cùng món thịt sống nhưng không phải nhà nào cũng làm cỗ ngon như nhà nào”.

Ảnh Internet

Thịt chế biến các món sống này phải là thịt tươi 100%. Nếu là thịt mua ở chợ, đã để ra ngoài vài tiếng, thì người ta thường nhúng vào nước sôi vài giây để vi trùng bám ngoài miếng thịt chết. Còn thịt cắt ra từ con lợn vừa mổ thì không cần nhúng nước, vì theo người dân nơi đây, nếu thịt chín tái sẽ giảm độ ngọt khi ăn. Và “điểm mấu chốt” của món thịt lớn sống này chính là tỏi. Tỏi được giã dập, rồi trộn với thịt sống đã băm nhuyễn cho đều. Tỏi có khả tiêu diệt toàn bộ vi trùng, virus, giun sán có trong thịt, do đó có thể ăn thịt ngay sau khi ướp tỏi mà không cần để thịt lên men hay qua lửa.

Ảnh Internet

Nhưng “đỉnh cao” của món thịt sống làng Vị Thủy phải kể đến xương băm ăn sống. Ông Chính chia sẻ: “Xương sườn lợn sống được tách ra từ con lợn vừa mổ xong, để nguyên cả lớp thịt nạc dày chừng 0,5 – 1 cm bám ở ngoài. Người ta cũng dùng sống dao rựa dần đều tay, cần mẫn. Loại thớt được dùng là thớt gỗ nghiến, bền, cứng, không lên mùn.

Để băm được 1 kg xương sườn lợn nát nhừ, phải mất 2-3 tiếng đồng hồ, do đó người nào không có tính kiên nhẫn, thì không thể chế biến được món này. Đây là món khó không phải ai làm cũng được. Khi những khúc xương đã nhừ thành một thứ bột mịn, dẻo quánh, thì trộn gạo rang đã giã thành bột. Những giọt nước chảy ra trong quá trình băm xương được giữ lại, trộn vào để món xương dẻo quánh, đỡ khô. Món này được người dân ở đây gọi là chạo.

Ngày nay, do cuộc sống bận rộn và chế biến khá mất công, các món xương sống độc đáo này không còn hiện diện thường xuyên trên mâm cơm người làng Vị Thủy nữa. Nó thường chỉ xuất hiện trong các bữa giỗ có mặt đông đủ con cháu trong nhà mà thôi.

Nguồn: Vietnamnet

"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."