Clip: Thông tin mới nhất về việc Hà Nội sẽ chính thức cấm xe máy lưu thông tại các quận bắt đầu từ 2030
Với trên 91% đại biểu nhất trí, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết quản lý phương tiện giao thông.
Tại phiên làm việc sáng 4/7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề án về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030; tỷ lệ đại biểu tán thành trên 91%.
Phó chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, việc thông qua đề án “mang tính lịch sử, đột phá, vì sự phát triển của Thủ đô”.
Theo nghị quyết, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030; tổ chức thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn thành phố; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Hà Nội cũng sẽ cấm ôtô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ; ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh.
Ngoài ra, để quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông, Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc lập quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi đến năm 2030, lộ trình thực hiện 2017-2020.
Với xe taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi (xe Uber, Grab…), thành phố cấp hạn ngạch phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng. Hà Nội cũng sẽ rà soát, nghiên cứu đưa ra số lượng ôtô điện hoạt động theo khu vực trên địa bàn toàn thành phố, phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông.
Nghị quyết cũng nêu chủ sở hữu ôtô phải mở tài khoản điện tử, lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ quản lý phương tiện và điều tiết giao thông (thiết bị thu phí tự động…); thiết lập cơ chế tính giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo hướng lũy tiến theo giờ và tăng mạnh vào khu vực trung tâm.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ lập Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố…
Cấm xe máy sẽ giúp người dân “đi nhẹ, nói khẽ”
Trong khoảng 2 giờ thảo luận về đề án trước khi thông qua, 10 ý kiến đại biểu tham gia đều bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết và cho rằng nội dung được chuẩn bị công phu, khoa học.
Là người đầu tiên góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Tiến Minh dẫn số liệu thống kê từ một hội thảo cho biết, trên 70% số lượng các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy, do vậy việc thành phố đưa ra lộ trình giảm, hạn chế và dừng hoạt động của xe máy tại các quận là cần thiết.
Đại biểu Minh cũng cho rằng, khi cấm xe máy, sẽ tạo thói quen tốt cho sức khoẻ khi người dân đi bộ tới các điểm có phương tiện giao thông công cộng. Hơn thế, người dân sẽ đi nhẹ, nói khẽ, đọc sách trên tàu điện ngầm, tạo hình ảnh đô thị yên bình, văn minh.
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình đồng tình với cách đặt vấn đề của Nghị quyết trong quản lý xe máy là “hạn chế phạm vi hoạt động chứ không cấm”. Theo ông, việc hạn chế phạm vi hoạt động của xe máy nên theo kết cấu hạ tầng chứ không nên theo địa giới hành chính như đề án đưa ra.
Để tạo thói quen cho người dân trong sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đại biểu Phạm Đình Đoàn kiến nghị thành phố miễn phí đi xe buýt trong một thời gian. Theo đại biểu, so với số tiền nửa tỉ USD “bị đốt” do ô nhiễm và ùn tắc giao thông mỗi năm thì tiền miễn phí vé xe buýt không lớn.
Lộ trình thực hiện được Hà Nội chia làm 3 giai đoạn:
– Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải;
– Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng;
– Giai đoạn 2017-2030: Triển khai đồng thời, đồng bộ các nhóm giải pháp về đầu tư, xây dựng, kết cấu hạ tầng, phát triển vận tải hành khách công cộng, rà soát điều chỉnh quy hoạch theo hướng TOD, bố trí hợp lý giao thông tĩnh phục vụ việc kết nối…
Theo VNE
"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."