Chính sách đặc thù cho hộ nghèo không có khả năng lao động
Giảm nghèo là một trong những chương trình trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, luôn được quan tâm dành nhiều nguồn lực ưu tiên. Điều này được thể hiện qua hệ thống các văn bản chỉ đạo và chính sách ban hành hướng tới hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội nhằm giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Qua đó phấn đấu trung bình mỗi năm giảm 0,7% hộ nghèo và đến năm 2020 Quảng Ninh cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia.
Để đạt được mục tiêu này, Quảng Ninh đã và đang triển khai đồng bộ các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo về y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay vốn ưu đãi, triển khai các mô hình giảm nghèo hiệu quả tại các địa phương. Đây là nền tảng để hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập để giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm huy động các nguồn lực trợ giúp cho nhóm đối tượng hộ nghèo diện không thể thoát nghèo, gồm những hộ cao tuổi, mất sức lao động, khuyết tật, ốm đau bệnh tật, không có sức lao động.
Theo thống kê của Sở LĐ,TB&XH, toàn tỉnh có gần 3.400 hộ nghèo không có sức lao động, trong đó trên 2.600 người chưa thuộc diện hưởng chính sách hiện hành của Nhà nước. Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, đây là những hộ đặc biệt nghèo của địa phương khi các thành viên trong hộ không có sức lao động, chủ yếu là người cao tuổi già yếu, trẻ em, người khuyết tật, người bệnh ốm đau thường xuyên…
Bản thân họ không có khả năng lao động, không thể tiếp cận một cách hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để thoát nghèo. Trong khi đó, họ cũng chưa được hưởng các chính sách xã hội như lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng… Từ thực tế này, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 47, ngày 7-12-2016 về mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội ngoài quy định tại Nghị định số 136, ngày 21-10-2013 của Chính phủ.
Theo đó, bắt đầu từ năm 2017, trên 2.600 đối tượng hộ nghèo không có sức lao động chưa thuộc diện hưởng chính sách hiện hành của Nhà nước sẽ được tỉnh trợ cấp hàng tháng với mức 300.000 đồng/người và hỗ trợ mai táng phí khi chết mức 6 triệu đồng/người. Được biết, tổng kinh phí thực hiện chính sách này là khoảng trên 10 tỷ đồng/năm được trích từ ngân sách nhà nước theo phân cấp và được tỉnh bố trí cân đối giao trong dự toán chi ngân sách hàng năm cho các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Là một trong những hộ “nghèo bền vững”, không có khả năng thoát nghèo, bà Đào Thị Nguyên, thôn Chợ, xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ, cho biết: Hiện bà đã già nhưng vẫn phải chăm lo cho con trai và cháu nội bị câm điếc. Mới đây con dâu bà cũng phải nhập viện điều trị bệnh tâm thần, hiện không có khả năng lao động, kể cả làm việc nhà. Hoàn cảnh gia đình bà rất khốn khó. Do đó, việc được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội của Nhà nước là nguồn thu nhập cố định giúp gia đình bà đảm bảo cuộc sống qua ngày.
Có thể thấy, đối với những hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo thì việc được hưởng trợ giúp xã hội hàng tháng là rất cần thiết, giúp họ đảm bảo mức sống tối thiểu. Bên cạnh đó, chính sách này cũng giúp phân loại rõ đối tượng hộ nghèo để tập trung triển khai các chính sách giảm nghèo được hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, qua ghi nhận tại một số địa phương, chúng tôi được biết, hiện việc triển khai chính sách này vẫn còn vướng mắc ở thủ tục xác định đối tượng “người cao tuổi từ đủ 60 trở lên không có khả năng tham gia lao động tạo ra thu nhập”.
Do đó, để các đối tượng sớm được hưởng chính sách trợ cấp xã hội đặc thù của tỉnh, ngành chức năng của tỉnh cần sớm có quy định cụ thể về vấn đề này để các địa phương thuận lợi hơn trong việc áp dụng triển khai chính sách. Bên cạnh đó, các địa phương, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện hỗ trợ những đối tượng nghèo khó này để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.
Nguồn:Báo Quảng Ninh
"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."