Các xét nghiệm mẹ nhất định phải làm đủ trong thai kỳ để thai nhi khỏe mạnh
Bước vào thai kỳ, nhất là với những người lần đầu làm mẹ, một trong những mối quan tâm lớn nhất là khi nào thì cần thử máu, khi nào thì siêu âm, làm sao để không bị quên lịch xét nghiệm,…
Mặc dù mỗi bệnh viện, mỗi bác sĩ thường sẽ hẹn thai phụ khám theo lịch thích hợp nhất với tình trạng cơ thể nhưng việc nắm được lịch xét nghiệm trong thai kỳ sẽ khiến mẹ thấy yên tâm hơn, chủ động cho buổi khám thai và sẽ ít bị quên lịch khám hơn
1. Siêu âm đo độ mờ da gáy: xét nghiệm này được thực hiện từ tuần thứ 11 – 12 của thai kỳ. Đây là lần khám thai rất quan trọng mà mẹ không nên (không được) bỏ lỡ vì trong lần khám thai này, bác sĩ sẽ cho siêu âm đo độ mờ da gáy để xác định nguy cơ mắc bệnh Down và các bất thường khác.
Lưu ý rằng nếu mẹ bỏ lỡ thời gian khám thai này thì khi bước sang tuần 13, các chỉ số này sẽ không chính xác, không có giá trị chẩn đoán nữa. Dựa vào kết quả siêu âm bác sĩ sẽ có những tư vấn tiếp theo.
2. Xét nghiệm Triple Test: được tiến hành trong khoảng tuần thai thứ 16 – 17. Nếu bác sĩ cho mẹ thực hiện xét nghiệm Triple Test, kết quả sẽ chính xác nhất khi được thực hiện trong khoảng thời gian này.
Triple là bộ 3 xét nghiệm tầm soát sử dụng máu của mẹ để tìm ra các nguy cơ rối loạn bẩm sinh ở thai nhi gồm chất là AFP (loại protein do thai sản xuất), hCG (loại nội tiết do nhau thai sản xuất) và Estriol (là loại nội tiết estrogen được nhau thai và thai nhi sản xuất).
Xét nghiệm này không phải là chẩn đoán tình trạng thai mà chỉ cho biết thai hiện tại có nguy cơ bị rối loạn di truyền nhiễm sắc thể và có cần phải làm thêm xét nghiệm khác nữa không.
3. Siêm âm 4D: thường được thực hiện trong tuần thai thứ 22 – 24. Trong lần siêu âm này sẽ giúp bác sĩ phát hiện các bất thường về hình thái của nhai nhi như sứt môi, dị dạng ở cơ quan, đặc biệt là các bất thường về tim và hệ xương để từ đó có can thiệp kịp thời. Ngoài ra giới tính của thai nhi cũng được nhận biết trong tuần thai này.
4. Xét nghiệm máu: bác sĩ có thể cho bạn thực hiện một số xét nghiệm máu như Xét nhiệm nhóm máu trong trường hợp cần truyền máu khi sinh nở, phát hiện Rubella, yếu tố Rh (Rh- hay Rh+), hàm lượng sắt (có thiếu máu do thiếu sắt hay không) từ đó bác sĩ sẽ cho bạn bổ sung viên sắt, huyết đồ (kiểm tra thiếu máu, bệnh thalassaemia…).
Tất cả những xét nghiệm trên không phải là bắt buộc thực hiện đối với tất cả thai phụ, bác sĩ sẽ tuỳ thuộc tình hình sức khoẻ của thai phụ để có những chỉ định làm các xét nghiệm này. Ngoài ra thường ở tuần thứ 36 trước khi sinh, bác sĩ sẽ cho mẹ xét nghiệm máu thêm một lần nữa để kiểm tra khả năng đông máu trước khi sinh.
5. Xét nghiệm nước tiểu: xét nghiệm này giúp bác sĩ kiểm tra sức khoẻ thai phụ đồng thời phát hiện thai phụ có mắc bệnh nhiễm trùng đường tiểu, tiểu đường thi kỳ hay không để phát hiện sớm, điều trị kịp thời thông qua xét nghiệm đo lượng protein trong nước tiểu, Albumin và Nitrite…
6. Tiêm vaccine uốn ván: đối với người phụ nữ mang thai lần đầu, trước đó chưa tiêm phòng uốn ván thì tiêm 2 mũi. VAT 1 được tiêm vào khoảng 3 tháng giữa thai kỳ. VAT 2 tiêm sau VAT 1 tối thiểu 30 ngày và trước ngày dự sinh tối thiểu 30 ngày. Như vậy, thời gian tiêm thích hợp nhất là khoảng 30-32 tuần tiêm mũi 1, sau đó 30 ngày tiêm mũi 2.
7. Siêu âm trước khi sinh: tuần 35 – 36, thời gian gần sinh thai phụ sẽ được bác sĩ tiến hành siêu âm theo dõi doppler động mạch não, động mạch tử cung cũng như kiểm tra lượng nước ối, dây rốn…
Trong thời gian này, bác sĩ cũng có thể cho mẹ làm xét nghiệm Non-stress (xét nghiệm để theo dõi nhịp tim thai đơn thuần mà không cần tạo nên cơn co tử cung) để kiểm tra lượng oxy thai nhi nhận được, kiểm tra sức khoẻ của bé… cũng như tuỳ vào tình hình sức khoẻ thai phụ, bác sĩ có thể cho thực hiện một số xét nghiệm cần thiết khác để sẵn sàng cho ngày lâm bồn.
Tuy nhiên một lưu ý là về các xét nghiệm máu cũng như nước tiểu thì thời gian thực hiện sẽ tuỳ thuộc vào bác sĩ theo dõi thai kỳ của mẹ. Hãy tuyệt đối tuân theo chỉ định khám và xét nghiệm của bác sĩ trực tiếp theo dõi mẹ.
Theo WTT