Là vì ‘tiếng Việt lắt léo’ hay chúng ta quá ít lần đặt cảm xúc của mình ở mức độ ‘thấu cảm’ nên lúng túng?
Những ngày gần đây, mạng xã hội sục sôi bởi nhiều ý kiến tranh luận về câu hỏi trong phần Đọc hiểu của đề thi THPT quốc gia môn ngữ văn.
Chỉ từ một câu hỏi nghị luận xã hội, cả mạng xã hội cũng nháo nhào… đi thi cùng sĩ tử
Nhiều năm về trước, trên báo Hoa Học Trò có đăng một bài viết ở chuyên mục trò chuyện đầu tuần với cái tựa: ‘Nghe và Nghe thấu’. Chữ ‘thấu’ ở đây được lý giải là một mức độ cao hơn, sâu sắc hơn của việc lắng nghe. Không chỉ đơn thuần là nghe nữa mà là trước những thông tin chúng ta tiếp nhận, dù quan trọng hay vặt vãnh cũng cần tư duy, và từ đó mỗi người sẽ có sự cảm thông, thấu hiểu.
Năm 2017, chúng ta lại bắt gặp chữ ‘thấu’ này trong đề văn của kỳ thi THPT Quốc gia. Môn thi văn ngày 21/06 vừa khép lại, một lẫn nữa chữ ‘thấu’ lại gây lên làn sóng tranh luận trong dư luận khi đề bài yêu cầu trình bày về ‘sự thấu cảm’ trong xã hội hiện đại.
Khá nhiều người không hiểu ‘Thấu cảm’ là gì? Nhiều người đưa ra nhận định, đề văn khá hay, nhưng cũng không lí giải được tường tận ý nghĩa của hai từ ‘Thấu cảm’.
Trong bài báo mới ra ngày 24/06, nhiều ý kiến tranh luận trái chiều đã được đưa ra quanh hai chữ ‘thấu cảm’ này.
TS Trịnh Thu Tuyết – giáo viên dạy Ngữ văn tại trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, nêu quan điểm: ‘Thấu cảm’ chỉ là cách ghép từ khá chủ quan thường gặp trong ngôn ngữ giao tiếp. Vì là cách cắt – ghép chủ quan nên cách hiểu nhiều khi phải mặc định, cũng khá chủ quan’. Thầy Lê Văn, giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội, cũng cho rằng: ‘Hơn 20 năm công tác trong nghề, ông chưa từng nghe thấy từ ‘thấu cảm’ như trong đề thi đã đưa’.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến phản bác đó, PGS.TS Phạm Văn Tình – Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam – lại đưa ra quan điểm: ‘Thiện, Ác và Smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB Hội nhà văn, 2017, tr.275) là văn bản chấp nhận được’.
Và Bộ GD&ĐT trong buổi họp báo ngày hôm qua (25/6) đã khẳng định không sai trong đề thi Ngữ văn. Cụ thể, phần Đọc hiểu của bài thi Ngữ văn với mục đích là đọc hiểu, còn đọc hiểu điều gì, lấy ngữ liệu ở đâu, tiêu chí lấy ngữ liệu như thế nào thuộc về quy trình làm đề thi, ma trận đề thi. Điều này phải được bảo mật.
Dễ thấy, chỉ hai từ ‘Thấu cảm’ trong một câu hỏi nghị luận thôi, không thể ngờ lại gây nên làn sóng tranh luận sôi nổi và râm ran đến vậy.
Là vì ‘tiếng Việt quá lắt léo’ hay vì chúng ta có quá ít lần đặt cảm xúc của mình ở mức độ ‘Thấu cảm’ nên rơi vào lúng túng?
Elbert Hubbard từng nói: ‘Tình yêu lớn lên nhờ cho đi. Sự yêu thương mà chúng ta cho đi là sự yêu thương duy nhất mà chúng ta giữ được.’ (Love grows by giving. The love we give away is the only love we keep). Thế nhưng chúng ta có đang sẵn lòng cho đi một cách vô điều kiện tình yêu đấy? Có sẵn lòng ‘tìm hiểu thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét’?
Cuộc sống hiện đại với đầy những xô bồ và hối hả đã khiến con người ta đôi khi trở nên vô cảm và thờ ơ trước những gì xảy ra xung quanh mình. Và hai từ ‘thấu cảm’ thật sự trở nên xa lạ. Hoặc giả, mức độ nhìn nhận vấn đề của cơ số người trong xã hội hiện đại chỉ là: Có ‘thấu’ mà không có ‘cảm’, có ‘cảm’ mà không nhọc công tìm hiểu ngọn ngành để đạt đến ‘thấu’.
Trước khi móc ví cho đi một vài đồng lẻ khi bắt gặp ánh mắt van nài của bà bán rong, nhiều người đôi lần vẫn chạnh long ngờ vực: ‘Liệu có phải, họ đang đóng kịch’. Bỏ cả tiền triệu mua vé xem một buổi biểu diễn của Idol mình hâm mộ, nhưng rút hầu bao quyên góp cho một hội từ thiện, lại cảm thấy đắn đo và nghi ngờ.
Muốn quyết tâm làm một việc tốt nào đó, nhìn ngó xung quanh, thấy đa số thờ ơ, hững hờ, lại chặc lưỡi bỏ qua. Biết rõ đối phương tình cảnh thế nào vẫn luôn đề phòng và cảnh giác, biết rõ động cơ và hoàn cảnh khiến một người lâm vào vũng lầy, vẫn không ngừng phán xét, xăm xoi.
Con người là thế, và xã hội là thế. Để tình cảm và cảm xúc đạt đến mức độ ‘thấu cảm’ có lẽ chúng ta cần học cách buông bỏ hết những sân si, toan tính và ngờ vực trong lòng mình.
Sự thật là tiếng Việt không hề lắt léo, và cho dù nhiêu người vẫn lúng túng về hai từ Thấu cảm’ thì ‘sự thấu cảm’ đã nhen nhóm và lan truyền ở khắp mọi nơi
Trong khi một nửa cộng đồng mạng đang sục sôi phân tích tính đúng sai của đề văn đại học, một nửa hùng hục tra cứu để đưa ra định nghĩa chính xác nhất ‘Thấu cảm là gì?’ thì ở điểm thi THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), một người phụ nữ bán xôi chạy con xe Dream cũ rỉn hớt hải chở một cậu học sinh về nhà lấy giấy báo nhập học cho kịp giờ thi.
Người phụ nữ ấy không biết cậu học sinh kia là ai, thậm chí cái tên cũng chẳng kịp hỏi. Chỉ biết khi nhìn điệu bộ sợ hãi và cuống quýt khi quên giấy tờ của cậu nhóc, người phụ nữ chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, phóng xe gần 20 km đưa cậu nhóc kịp giờ làm bài.
Thật may mắn là lòng tốt của người phụ nữ bán xôi kia không phải là câu chuyện duy nhất. Ở một điểm thi Hà Nội, thương bạn bị khuyết tật ở chân nên không thể đi lại bình thường, Nguyễn Hoàng Phương Thùy Linh đã cõng bạn Khổng Thị Mai Loan từ phòng thi ra đến cổng để bố Loan dễ dàng tìm thấy và đến đón.
Ngay khi hình ảnh cõng bạn của Linh lan truyền trên mạng, những phản hồi tích cực dành cho hành động này đã lan rộng khắp mọi nơi, và chạm đến trái tim nhiều người. Trong đó có cô Hồng Hà, phó hiệu trưởng trường Lômônôxốp. Sau khi kết thúc ngày thi đầu tiên, sáng 22/6, cô Hà đã trao cho Linh và Loan chiếc thẻ thang máy. Nhờ tấm thẻ bài kì diệu này mà quãng đường cõng Loan của Thùy Linh đã được rút ngắn.
Hóa ra sự ‘thấu cảm’ tồn tại trong xã hội không hề ‘trừu tượng’ hay ‘hiếm hoi’ như chúng ta vẫn tưởng và mức độ lan tỏa của nó thật sự khiến nhiều người bất ngờ. Và từ một ‘sự thấu cảm’ này, hoàn toàn có thể lan tỏa và tạo ra nhiều những ‘thấu cảm’ khác.
Có lẽ chúng ta nên ngừng tranh luận về tính đúng sai của đề thi văn, và cũng chẳng cần thêm những diễn giải cho định nghĩa chính xác nhất về hai từ ‘thấu cảm’. Hãy cứ vô tư trao đi lòng tốt và sự yêu thương của mình, đối xử với mọi người quanh mình bằng tất cả cảm thông, thấu hiểu chân thành nhất.
Chắc chắn, khi được nhân lên bằng những hành động tử tế và ấm áp như vậy, ‘sự thấu cảm’ dù được hiểu với ‘định nghĩa nào’ cũng sẽ phát huy tối đa sức mạnh và giúp ích cho rất nhiều người. Cuộc sống của mỗi người chắc chắn sẽ đẹp hơn rất nhiều nếu chúng ta biết sống vì người khác.
Theo Đất Việt
"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."