Rớt nước mắt chứng kiến hình ảnh cặp vợ chồng già nhặt rác để mưu sinh qua ngày
Mặc dù đã đến tuổi ‘gần đất xa trời’ nhưng cặp vợ chồng người dân tộc ở xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) vẫn phải ‘lăn lộn’ nơi bãi rác để mưu sinh hàng ngày.
Cặp vợ chồng được nhắc đến ở đây là bà Ka Hiền và ông K’Biêng năm nay đã hơn 50 tuổi. Năm 2000, sau một thời gian tìm hiểu, hai người đến với nhau và trở về Quảng Khê, Đắk Nông – quê ông K’Biêng – để sinh sống.
Ban đầu, hai người mưu sinh bằng cách tìm đọt mây, lá bép và măng rừng để mua gạo sống qua ngày. Tuy nhiên, trong một lần vào rừng tìm măng rừng, bà Ka Hiền bị trượt chân ngã xuống vực sâu. Sau vụ tai nạn, bà phải nằm viện suốt một thời gian dài vì tay và chân bị đứt gân.
Sau khi trở về từ bệnh viện, bà nhận thấy nghề này quá nguy hiểm nên quyết định đến nơi khác để mưu sinh. Khi đến nơi ở mới, cuộc sống gia đình bà Ka Hiền và ông K’Biêng càng trở nên khó khăn hơn.
Gia đình vốn nghèo khó, nên khi đến nơi ở mới hai ông bà phải nhặt rác để mưu sinh vì không có đất canh tác, chỉ có được mảnh đất khoảng 20 m2 do em gái cho để dựng nhà. Bên trong căn nhà của đôi vợ chồng già chẳng có gì được xem là giá trị. Nền nhà bằng đất, tường nhà được che chắn qua loa bằng những tấm ván, tấm bạt cũ, mái nhà thì được “phối” bởi những tấm tôn, pa nô rách lượm từ bãi rác.
Trong ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng ông K’Biêng, thứ được gìn giữ cẩn thận nhất là “đồ nghề” gồm cây que móc bằng sắt và bao đựng rác.
Mỗi lần trời đổ mưa, cuộc sống của hai vợ chồng già lại lao đao vì nhà dột, đất ẩm, cái đói bủa vây vì không thể đi nhặt rác. Cứ đúng 5 giờ sáng, cặp vợ chồng già lại có mặt ở bãi rác và “hành nghề” đến khoảng 5 giờ chiều mới trở về nhà. Mỗi tuần, ông bà thu nhập trung bình khoảng 200.000 đến 300.000 đồng nhờ nhặt các thứ như: túi ni lông, bao, giấy, sắt vụn… hay bất cứ thứ gì còn bán được.
Nói về cuộc sống nghèo khổ của mình, bà Ka Hiền đã trả lời trên Báo Công an nhân dân: “Chúng tôi làm nghề này đã hơn 7 năm nhưng đời sống kinh tế vẫn không thể nào khá lên được”.
Mặc dù ông bà cũng có con, nhưng hoàn cảnh cũng không khá hơn là mấy. Đôi khi, bà Ka Hiền còn phải cõng theo đứa cháu nhỏ trên lưng trong lúc nhặt rác để cha mẹ chúng yên tâm đi làm thuê kiếm tiền.
Nguồn:Phụ nữ sức khỏe
"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."