Vựa ma túy chết chóc Chu Va: ‘Một tuần đói cơm không sao nhưng một ngày thiếu thuốc là chết’
“Với bà con người Mông ở Chu Va, thuốc phiện là nguồn sống, là lẽ sống. Nó là cơm, áo, gạo, tiền, là đấng tối cao. Một tuần đói cơm không sao nhưng một ngày thiếu thuốc là chết.”.
Trong quá trình đi nhiều nơi thu thập tư liệu cho thiên phóng sự này, chúng tôi phát hiện ra một điều: Luật nhân quả không chỉ bao trùm, chi phối lên từng phận người mà còn ảnh hưởng đến số phận của cả một bản làng, thậm chí, cả một dân tộc.
Những nhân xấu sẽ kéo cả một cộng đồng người xuống vực thẳm. Nhưng cũng chính cộng đồng ấy, khi được gieo những hạt giống tốt, cây sẽ đơm bông, quả ngọt sẽ trổ.
Bản Chu Va thuộc xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, một trong những vựa ma túy lớn nhất của vùng Tây Bắc một thời là điển hình.
Nằm chon von trên những dãy núi vời vợi cao bốn mùa mây phủ, nơi dòng suối Nậm Mu chùng chình vắt qua như một dải lụa mềm, Chu Va là bản sâu xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu.
Nỗi cách trở của núi cao vực sâu, sự mông muội, cổ hủ vì thiếu cái chữ và đói nghèo đã một thời nhấn Chu Va ngập chìm trong cái chết trắng của ma túy, đẩy Chu Va vào con đường mê mị của tà giáo do các thế lực phản động tuyên truyền.
Song lên Chu Va vào những ngày này, cùng với những di chứng đau lòng của một thời lầm đường lạc lối ấy, chúng tôi còn bắt gặp một Chu Va đang gồng mình đi lên, bứt khỏi đói nghèo, lạc hậu.
Những tháng ngày ngập chìm trong “khói trắng”
Không biết có phải vì nỗi ám ảnh không dễ rũ bỏ về một thời chưa xa của cuộc chiến khốc liệt chống chọi với ma tuý và các thế lực phản động lợi dụng tôn giáo truyền đạo trái phép hay không mà câu chuyện mở đầu của ông Chủ tịch UBND xã Bình Lư Lò Văn Tiên với khách đường xa, không phải bằng những trang sử oai hùng của quân và dân Bình Lư trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hay những huyền thoại đẹp như thơ về chín mươi chín ngọn núi chàng trai, chín mươi chín hồ xanh cô gái.
Ông trầm ngâm bảo: “Thú thực, cho đến tận lúc này, tôi vẫn không thể tin nổi, hàng chục ha cây thuốc phiện ngút ngàn trên dãy Hoàng Liên Sơn mọc từ đời nảo đời nào đã được xóa sạch chỉ trong vòng vài năm.
Bởi với bà con người Mông ở Chu Va, thuốc phiện là nguồn sống, là lẽ sống. Nó là cơm, áo, gạo, tiền, là đấng tối cao. Một tuần đói cơm không sao nhưng một ngày thiếu thuốc là chết. Cho nên bà con lúc đầu chống cự quyết liệt lắm. Có người còn vác súng kíp ra, sẵn sàng một mất một còn để bảo vệ nương anh túc”.
Thời đó, người ta đã từng ví von rằng: Nếu xem Lai Châu là một trong những vựa ma túy lớn nhất của dải Tây Bắc thì Chu Va chính là cái rốn của vựa chết chóc này. Ngẫm kỹ, mới thấy lời ví ấy chẳng ngoa chút nào.
Một phần, bởi thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây rất thích hợp cho sự sinh trưởng của cây thuốc phiện. Cứ nơi nào có đất trồng là nơi ấy cây thuốc phiện mọc lên. Một phần cũng tại bởi cái thú hút sách chết người của người Mông sống trên núi cao sương lạnh và hoang hoải nó cứ truyền đời truyền kiếp.
Vừa cất tiếng khóc oe oe chào đời, đứa trẻ Chu Va đã được hít thở cái không khí đặc quánh mùi khói thuốc. 13, 14 tuổi đã tập tọe ngậm tẩu bàn đèn.
Bởi thế, ở Chu Va, người người hút thuốc phiện, nhà nhà trồng thuốc phiện. 100% dân trong bản sống nhờ vào thứ cây ma mị ấy. Người ta đã làm một cuộc thống kê rằng: Mỗi mùa thu hoạch, một gia đình ít nhất cũng cô được 10kg thuốc cống.
Những năm mưa thuận gió hòa, hoa anh túc nở bạt ngàn thì tăng vọt lên 20-30 kg. Họ cất giữ trong nhà như tải ngô, bị thóc. Vừa để hút dần, vừa mang đi bán. Vào mỗi phiên chợ, họ lại véo một cục như quả cam nhét vào túi áo rồi mang xuống chợ Bình Lư bán. Thế là mua sắm thả phanh. Gùi lúa, gùi ngô, gùi muối, rồi rượu, thịt…
Ông Lò Văn Tiên kể: Cứ chiều đến, khói thuốc từ vài chục mái nhà gianh, hàng trăm bộ bàn đèn tỏa lên bảng lảng như sương núi. Khách đến chơi nhà, họ lại lôi bộ bàn đèn ra mời hút như kiểu người dưới xuôi mời nhau chén trà vậy.
Những khi bản có đám, dù là hiếu hay hỉ, “món” không thể thiếu là thuốc phiện. Đến nơi, miệng vừa chào, chân đã chân co chân duỗi. Các bậc cao niên nằm hàng trên, đám choai choai nằm hàng dưới. Tuần tự, lần lượt…
Khói thuốc phiện đã cuốn đi biết bao trâu bò, gà lợn, đồng bạc trắng, khiến cái bản vùng cao heo hút ấy đã nghèo xơ xác lại càng xơ xác nghèo. Khói thuốc phiện cũng khiến cho những cái đầu vốn dĩ mông muội vì thiếu cái chữ lại càng mê mị hơn, để rồi lầm đường lạc lối, sa vào con đường tà đạo của bọn người xấu.
Đến tận bây giờ, ông Tiên vẫn nhớ như in cái buổi chiều đông năm 2004 lạnh giá ấy. Ngót 100 người Mông ở Chu Va đã đội mưa, trên tay là lá đơn nhoè nhoẹt những dấu tay điểm chỉ, kéo đến trụ sở UBND xã, đòi được xây dựng nhà thờ để thờ chúa trời.
Lúc bấy giờ, chính quyền mới ngã ngửa người, không hiểu đạo Vàng Chứ tràn vào Chu Va từ bao giờ. Cũng cần phải nói thêm rằng, từ ngày khai hoang mở đất, Lai Châu là mảnh đất “trinh nguyên”, chưa hề có dấu vết của một tôn giáo nào. Thế mà, bọn phản động với những thủ đoạn rất tinh vi đã dùng đạo Vàng Chứ để mê hoặc người Mông.
Cứ vào thứ bảy, chủ nhật, bà con lại lũ lượt kéo đến một nhà trong bản để nghe giảng kinh. Người nào tiếp thu tốt những điều răn dạy của đức chúa trời và truyền bá đến đông đảo dân bản thì được thưởng. Đàn bà thì được thưởng tiền. Đàn ông được thưởng thuốc phiện.
Đến lúc 100% người Mông bị “thần linh” chiếm mất hồn vía thì bọn người xấu vận động bà con quyên góp tiền, đòi UBND xã Bình Lư cho xây dựng nhà thờ.
Đương nhiên, chính quyền Bình Lư không đồng ý. Thế là, bọn chúng quay sang xúi giục bà con bỏ nhà, bỏ đất, bỏ anh em làng bản đi đến Si Sa Phìn, cách Chu Va hàng trăm cây số để lập vùng đất tự trị người Mông.
Chúng dỗ ngon dỗ ngọt rằng: Đến Si Sa Phìn sẽ gặp vua Mông. Vua sẽ cho cơm ăn, áo mặc, cho uống rượu, hút thuốc phiện thả phanh. Rằng: không làm mà vẫn có ăn. Chết sẽ được lên thiên đàng…
Thế là, đêm đầu tiên, 13 hộ ở Chu Va 8 đã cơm đùm cơm nắm lặng lẽ bỏ bản trốn đi. Đêm thứ hai, thêm 11 hộ. Cha con, chồng vợ, bìu ríu nhau vượt suối băng rừng đi đến miền đất hứa. Chu Va đứng trước nguy cơ trở thành bản hoang.
Cuộc chiến cam go, trường kỳ
Một cuộc họp bất thường giữa UBND xã Bình Lư và huyện Phong Thổ (cũ) đã diễn ra ngay sau đêm mấy chục hộ gia đình người Mông ở Chu Va 8 bỏ đi.
Nguyên nhân được làm sáng tỏ: Chung quy chỉ tại đói nghèo và mông muội do thuốc phiện và thiếu cái chữ. “Phương thuốc” để chữa “cơn đột quỵ” này là phải nhanh chóng xóa bỏ cây thuốc phiện, tổ chức cai nghiện cho bà con và mở trường dạy chữ.
Chiến lược được vạch ra như thế nhưng bắt tay thực hiện là cả một quá trình cam go. Đơn cử ngay việc vận động bà con đi học. Một ngôi trường sạch sẽ, tinh tươm được dựng ngay dưới chân núi.
Nhưng suốt cả tháng đầu, chỉ lèo tèo vài đứa trẻ đến học. Giáo viên đến từng nhà vận động thì họ bảo: “Sáng chúng tao lên nương. Tối về hút thuốc phiện, uống rượu rồi đi ngủ. Học chữ để làm gì”.
Thế là trưởng bản, rồi cán bộ xã phải lựa lời phân tích, lấy ví dụ dễ hiểu để thuyết phục bà con. “Chúng mày phải học cái chữ để biết ngoài chợ người ta ghi gì mà mua bán.
Học để biết tính toán, biết đọc sách báo mà học cách làm giàu. Biết tính toán thì mới không nghe theo kẻ xấu bụng, mới hiểu hút thuốc phiện là có hại, biết những người giàu hơn mình toàn là những người đẻ ít con hết”.
Cứ giảng giải cặn kẽ như thế rồi cũng lọt cái tai người Mông. Kết quả là, bản Chu Va đến nay đã hoàn thành phổ cập tiểu học. 100% các em trong độ tuổi đều đến trường. Đã có nhiều em theo học đến lớp 8, lớp 9 dưới trường trung học cơ sở Bình Lư.
Nhưng chuyện phá bỏ cây thuốc phiện thì còn cam go hơn nhiều. Bởi ngót 80% dân số Chu Va nghiện thuốc phiện, trong đó, rất nhiều người gắn đời mình với bàn đèn suốt mấy chục năm.
Chỉ riêng việc cai nghiện tổng thể cho ngần ấy con nghiện đã là việc làm quá sức. Huống hồ còn phải xoá bỏ hàng chục ha cây anh túc bạt ngàn trên dãy Hoàng Liên Sơn.
Ông Trần Đình Nho, Bí thư xã Bình Lư nhớ lại: “Ngày ấy, chúng tôi vấp phải sự phản ứng, chống đối quyết liệt của người dân. Sáng sớm, đoàn cán bộ xã leo lên được dãy Hoàng Liên Sơn đã thấy trai bản Mông tay lăm lăm súng kíp, trợn mắt đứng trước nương anh túc, sẵn sàng nổ súng nếu chúng tôi phạt.
Tìm đến nhà con nghiện để tổ chức cai thì họ sửng cồ, chửi xơi xơi vào mặt, không nhận mình là đồng bào nữa. Nhiều lúc nản quá, chúng tôi tưởng phải buông xuôi. Nhưng giống như con đường cõng cái chữ lên bản, chính quyền xác định đây là cuộc chiến trường kỳ, phải kiên nhẫn và “đánh đổ” từng bộ phận”.
Công tác tuyên truyền vẫn được xem là nhiệm vụ hàng đầu. Cán bộ đến từng nhà, phân tích, giảng giải, chỉ cho họ thấy, vì sao họ nghèo, vì sao họ khổ? Vì sao nhiều người Mông ở Chu Va mới 50 tuổi mà đã hom hem như cụ già, kiệt quệ, cùng quẫn?
Tất cả, chỉ vì những nương anh túc ngút ngàn trên dãy Hoàng Liên Sơn vời vợi kia. Vì những chiếc tẩu thuốc phiện bóng chuốt bởi quá nhiều mồ hôi tay treo la liệt trên tường ấy… Cứ tỉ tê “mưa dầm thấm lâu” như thế, bà con cũng vỡ dần ra.
Thế là, một mặt, gom tất cả các con nghiện, đưa xuống trường tiểu học, tổ chức cai tập trung. Mời cán bộ y tế của Trung tâm cai nghiện tỉnh về hướng dẫn.
Sau hai đợt cai như vậy, nhiều con nghiện đã “giã từ được dĩ vãng”, vĩnh viễn chia tay với ả phù dung. Một mặt, tiến hành xoá hầu hết diện tích cây thuốc phiện, chỉ bớt lại cho mỗi hộ chừng 100m2. Đến năm thứ hai thì xoá toàn bộ. Thay thế vào đó, bà con được hướng dẫn trồng cây thảo quả có giá trị kinh tế cao.
Riêng vụ 24 hộ người Mông ở Chu Va 8 bỏ bản đi gặp vua Mông, cán bộ Phong Thổ cũng phải khăn gói quả mướp lên Si Pha Phìn bám dân, vận động bà con về bản.
Có điều, đặt chân đến miền đất hứa, hơn 100 con người mê mị ấy mới ngã ngửa ra vì biết mình bị lừa. Chẳng thấy vua Mông đâu. Chẳng thấy trâu bò, lợn gà, lúa ngô đầy đồng đâu. Đến một mái lều trú tạm nắng mưa cũng chẳng thấy. Chỉ có sốt rét, sương muối và muỗi rừng.
Nhà ông Vàng A Pao chết cả vợ lẫn chồng, để lại mấy đứa con thơ cút côi. Tất cả đều đói, đều rét và bệnh tật. Cuối cùng, nghe cán bộ họ đã quay trở về bản cũ.
Bà con đã nhường cơm sẻ áo, gom góp tranh tre nứa lạ giúp họ dựng lại nhà. Họ lại đi nương, được vay tiền mua ngựa, dê và trồng chè, trồng thảo quả. Sau bao nhiêu năm quắt quay vì đói nghèo và nghiện ngập, Chu Va đã choàng tỉnh. Một cuộc sống mới đang bắt đầu bừng lên.
Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô
"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."