Quy định mới : Từ 1/6, đưa bảng điểm của con lên mạng là phạm luật

Nhiều phụ huynh đưa bảng điểm của con lên mạng để chia sẻ niềm vui nhưng không biết như thế là phạm luật nếu chưa hỏi ý kiến của trẻ.

Chị Phạm Hương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết chị từng khoe bảng điểm của con lên mạng với tâm trạng đầy hớn hở và chờ đợi người khác khen ngợi con mình vì con chị có bảng điểm rất cao. Thế nhưng chị cũng thừa nhận không thấy thoải mái, thậm chí có lúc thấy khó chịu khi phụ huynh khác khoe bảng điểm con lên mạng.

“Tôi từng là người thích được người khác khen con mình giỏi và khen mẹ giỏi, nên tôi biết cảm xúc thích con mình được khen của phụ huynh khác như thế nào. Vì vậy việc phụ huynh chia sẻ bảng điểm của con lên mạng cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, khi thấy bảng điểm của phụ huynh khác tôi lại cảm thấy tự ái, tủi thân, sốt ruột và có thể gieo thêm bực bội cho con mình. Chưa kể tôi thấy nhiều phụ huynh dù kết quả của con bình thường và không hơn ai nhưng vẫn chia sẻ lên mạng” – chị Hương cho biết.

Còn chị Đặng Thị Minh ở Bình Dương kể rằng, cách đây không lâu một đồng nghiệp của chị có đưa bảng điểm của con lên mạng để khoe với mọi người. Lúc đó có nhiều người vào bình luận chúc mừng, nhưng cũng có bình luận so sánh, thậm chí có người còn xúc xiểm vì cho rằng gia đình chị mua điểm hoặc khoe mẽ.

Đưa lên mạng để mong nhận lời khen

“Tôi không khó chịu việc phụ huynh khác khoe điểm của con lên mạng nhưng tôi không thích vì cảm giác trẻ đang bị lợi dụng như một thú vui của cha mẹ” – chị Minh nói.

Chị Minh cho rằng, nhiều phụ huynh hiện nay không hiểu rằng sự tự hào của mình có thể là áp lực đè nặng lên vai trẻ. Có những phụ huynh con được điểm cao thì thích và khoe nhưng con bị điểm thấp thì la mắng, sỉ vả. Còn chị chưa từng chia sẻ bảng điểm của con lên mạng vì sợ làm vậy là mang con ra để so sánh với con nhà khác.

Không vì mong nhận được lời khen nhưng chị Phạm Thị Thảo, Nghệ An, cũng cho biết bản thân chị không ít lần chia sẻ bảng điểm của con lên mạng vì muốn vui vẻ, trong đó chị chia sẻ cả điểm thấp và điểm cao.

“Tôi nghĩ việc chia sẻ bảng điểm của con chỉ mang tính chất cho vui, chứ không phải tự hào hay vì gì cả. Tôi cũng chỉ chia sẻ một vài cột mốc mang tính thời điểm như hết cấp học, năm đầu tiên, hoặc có điều gì đó đặc biệt. Vì vậy, tôi không khó chịu với phụ huynh khác nếu khoe bảng điểm của con, thậm chí với những bảng điểm tốt tôi còn vào gửi lời chúc mừng tới họ” – chị Thảo bày tỏ.

Người mẹ này cho rằng nếu con có thành tích nổi bật, mà chủ yếu do tự học, thì việc khoe bảng điểm lên mạng cũng là điều bình thường và đáng để làm.

Còn cô Vũ Thị Nhung, một giáo viên ở Nam Định, cho biết cô không hài lòng khi thấy phụ huynh chia sẻ bảng điểm của học trò mình lên mạng xã hội.

“Tôi cảm thấy có một sự vô duyên khi phụ huynh cứ khoe hết giấy khen đến bảng điểm của học sinh lên mạng trong thời buổi này, vì hiện nay có một bảng điểm đẹp trên lớp là điều không khó. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn tự tạo cho con một bảng điểm đẹp rồi đưa lên mạng”.

Cần làm rõ mục đích đưa lên mạng là gì

PGS.TS Trần Hữu Đức, Chuyên gia tư vấn tâm lý cao cấp của Better Living, cho rằng cần làm rõ mục đích của phụ huynh khi đưa bảng điểm, thông tin của con lên mạng là gì? Đưa cho ai đọc, đọc xong sẽ làm gì với kết quả ấy? Kết quả đó có ý nghĩa gì trong cộng đồng mạng này? Con của mình có biết việc này không? Tính cách, giá trị, niềm tin của con mình như thế nào về việc này? Thái độ của con thế nào về việc này? Phụ huynh có hỏi ý con trước khi đăng tải?

Theo ông Đức, kết quả học tập của con là thông tin riêng tư và cần được sử dụng thận trọng. Kết quả tốt được đăng lên mạng có thể sẽ giúp trẻ tự hào (nếu chúng biết) về thành tựu học tập của mình, tương tự như được tuyên dương trước trường. Nếu phụ huynh làm một cách tinh tế thì có thể tạo hiệu ứng tốt cho trẻ. Nếu không khéo, có thể gây tâm lý tự ti khi thành tựu học tập bị rớt về sau, hoặc kiêu ngạo nếu trẻ không chịu nỗ lực học tập hoặc khiêm tốn học hỏi.

Nếu kết quả xấu và được phụ huynh đăng tải, thông thường sẽ gây cho trẻ tâm lý tự ti mặc cảm rất lớn. Điều này có thể tăng động cơ học tập cho trẻ thông qua việc tạo áp lực tích cực, tuy nhiên, đây là cách khó và đôi khi lợp bất cập hại. Vì thế, phụ huynh nên chọn nhiều phương pháp động viên khác, không nên “bêu riếu” theo cách này.

Còn nếu phụ huynh đăng tải chỉ để thỏa mãn cái tôi hoặc niềm kiêu hãnh của mình thì không nên, vì cộng đồng mạng sẽ có nhiều so sánh khập khiễng, hoặc định kiến sai lầm, hoặc thậm chí hiềm khích lẫn nhau. Vả lại, việc chia sẻ thông tin cá nhân của con em mình trên mạng xã hội là không an toàn.

“Trào lưu tâm lý giáo dục ngày nay là hướng đến việc tôn trọng con cái, nhất là những vấn đề liên quan đến cá nhân và sự riêng tư. Cách dạy này sẽ sớm giúp cho trẻ tính tự lập, tính tự chịu trách nhiệm, kỷ luật bản thân, lòng tự trọng, và khi trưởng thành trẻ sẽ là một công dân tự lập, tự chủ.

Tuy nhiên, văn hóa của Việt Nam là văn hóa cộng đồng. Tính tự lập, tự chủ, sự tôn trọng tự do cá nhân và riêng tư này đã gây không ít phiền toái cho cả phụ huynh lẫn con em của mình. Trong những gia đình mà bố mẹ cổ súy cho kiểu tôn trọng sự riêng tư và cá nhân cho trẻ thì vẫn có thể gặp phải trường hợp bố mẹ buồn bực vì “cá không ăn muối cá ươn”, còn con thì bảo “bố mẹ con chẳng biết con muốn gì và cũng ít dành thời gian với con”. Còn những gia đình mà bố mẹ cố giữ kiểu dạy “tam tòng tứ đức” thì không khí trong nhà rất ngột ngạt, con cái ít giao tiếp, thường bị tự ti hoặc sớm chống đối” – ông Đức cho biết.

Theo ông Đức, giải pháp tốt nhất là tôn trọng trào lưu quốc tế hóa trong mọi gia đình và đồng thời biết giữ những nét văn hóa và giá trị đặc thù và tốt đẹp. Tôn trọng sự riêng tư và cá nhân của con không đồng nghĩa với việc “mặc kệ nó” và chỉ lo mưu sinh hoặc làm giàu. Tôn trọng sự riêng tư và cá nhân của con trẻ bằng cách dành cho con trẻ thật nhiều tình yêu thương theo sở thích và đúng nhu cầu của con…

Trẻ em cũng có quyền trẻ em và được pháp luật bảo vệ

Từ ngày 1/6/2017, Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực. Theo đó, luật nghiêm cấm các hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

Từ ngày 1/72017, Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em cũng sẽ có hiệu lực. Nghị định quy định rõ thông tin bí mật đời tư của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, địa chỉ thông tin về trường lớp, kết quả học tập và các mỗi quan hệ bạn bè của trẻ em…

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM, việc cha mẹ đưa thông tin con lên mạng nếu không có được sự đồng ý của trẻ là phạm luật. Hơn nữa, việc đưa thông tin lên mạng là lý do để kẻ xấu nắm được thông tin tìm đến để làm những chuyện xấu như bắt cóc, đưa đi làm những chuyện xấu hoặc bắt trẻ làm những chuyện mà trẻ không được làm.
Việc bố mẹ khoe bảng điểm của con lên mạng cũng tạo tâm lý xấu hổ cho con nếu học kém hơn các bạn, hoặc tự cao tự đại nếu có bảng điểm tốt và nhận được nhiều lời khen. Có thể làm làm triệt tiêu ý chí cố gắng vươn lên trong học tập của con.

“Một em bé đến gặp tôi và nói từng có ý định bỏ nhà ra đi, vì rất buồn khi mỗi lần có cô chú tới chơi là ba mẹ lại cứ bêu xấu em. Đã vậy, bố mẹ còn nói sẽ gửi em cho bạn của họ để được kèm cặp, hướng dẫn học tập” – bà Nữ kể.

Theo bà Nữ, cha mẹ nên theo sát, chia sẻ và giáo dục con cái, thúc đẩy sự tự giác học tập của con, không so sánh con với người khác. Ngoài ra, nên khuyến khích con học tập, dạy con các kỹ năng phòng tránh, bảo vệ mình và phải luôn tôn trọng ý kiến của con.

Nguồn:Vietnamnet

"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."