Thắt lòng cô gái trẻ yêu nhầm Sở Khanh, nuốt nước mắt nuôi con tàn tật một mình
Mang thai được 5 tháng thì bị người yêu chối bỏ trách nhiệm, bỏ đi biệt tích. Cô gái nuốt nước mắt quyết định làm mẹ đơn thân. Nỗi đau lại nhân lên gấp nhiều lần khi đứa trẻ sinh ra bị tàn tật vì mắc bệnh hiểm nghèo.
Có thai 5 tháng, người yêu “quất ngựa truy phong”
N.T.Thảo (24 tuổi), ngụ tại xã Lam Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) có hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi một mình nuôi con là cháu N.M.Chiến (3 tuổi, con trai Thảo). Tuy Chiến phát triển bình thường về chiều cao cân nặng như bao đứa trẻ khác nhưng lại không biết nói, không thể tự ngồi hay đứng, chỉ ăn rồi nằm một chỗ. Nhiều người không khỏi thắt lòng khi nhìn Chiến nằm lả trên tay người mẹ gầy gò, ốm yếu.
Nhìn đứa con tội nghiệp, Thảo trào nước mắt khi nghĩ lại những năm tháng đau khổ mà hai mẹ con đã gồng mình trải qua.
Thảo sinh ra trong gia đình thuần nông, khá khó khăn. Sau khi học hết lớp 9, cô vào Nam làm thuê kiếm sống. Trong thời gian này, Thảo đem lòng yêu một thanh niên quê ở Đồng Nai. Sống xa gia đình nên thiếu thốn tình cảm, cô hoàn toàn tin tưởng và yêu thương người yêu, sẵn sàng dâng hiến đời con gái và mong mỏi một ngày cả hai sẽ về chung một nhà.
“Sau hai năm yêu nhau, em phát hiện mình mang thai. Người yêu em cũng tỏ ra rất vui vẻ. Em cứ nghĩ đám cưới sẽ đến trong nay mai. Nào ngờ, khi cái thai được 5 tháng, anh ta bỏ đi biệt tích, không một lời từ biệt. Đã nhiều lần em muốn tìm kiếm để níu kéo tình cảm nhưng trời đất bao la, em bụng mang dạ chửa biết đâu mà tìm. Đắng cay, tủi nhục, em đành chấp nhận, vác bụng bầu về nương nhờ bố mẹ đẻ chờ ngày sinh nở”, Thảo xót xa nói.
Chứng kiến con gái trở về với cái bụng to vượt mặt, bố mẹ Thảo chết lặng không biết làm gì. Khi nghe con gái nức nở tường thuật lại mọi chuyện, bố mẹ cô gạt bỏ những xấu hổ, tủi nhục với bà con làng xóm, nuốt nước mắt cưu mang chăm sóc, cùng con vượt cạn.
Năm 2014, con trai Thảo chào đời và mang họ mẹ. Những tưởng từ nay hai mẹ con có thể đùm bọc yêu thương nhau thì nỗi bất hạnh lớn hơn đang chực chờ ập tới.
Mong con cất tiếng gọi “Mẹ!”, dù chỉ một lần
Bất hạnh của Thảo nhân lên gấp nhiều lần khi con cô càng lớn càng có nhiều biểu hiện bất thường. Hơn một tuổi nhưng vẫn không biết ngồi hay đứng, không bập bẹ tập nói như những đứa trẻ khác. Hoàn cảnh khó khăn, tích cóp mãi mới được một số tiền, Thảo ôm con đi khám ở bệnh viện tỉnh. Nghe bác sĩ kết luận con trai bị bại não trái bẩm sinh, Thảo chết lặng không nói nên lời.
“Chắc khi mang thai em buồn quá nhiều, khóc quá nhiều nên giờ con em mới phải gánh chịu hậu quả như vậy. Giờ có hối hận cũng không thể giúp con em khỏe mạnh bình thường. Suốt 3 năm nay kể từ ngày sinh đẻ, em chỉ biết ở nhà ôm con, mọi chi phí trang trải cuộc sống của hai mẹ con phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ”, Thảo nghẹn ngào cho biết.
Gia đình Thảo thuần nông, thu nhập chính dựa vào 3 sào ruộng và đồng lương phụ hồ bấp bênh của bố cô, ngày nắng mới có thể kiếm ăn khiến hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn.
Nhắc đến người đàn ông đã bỏ rơi mình, Thảo thở dài xót xa: “Hơn 3 năm kể từ ngày bỏ em ra đi, đến nay con em đã 3 tuổi nhưng anh ta chưa một lần điện thoại hỏi thăm. Em chẳng dám trách móc, hận thù, cũng chẳng muốn nhắc lại quá khứ đau buồn. Chỉ trách mình sao quá nhẹ dạ, đặt lòng tin quá nhiều vào một người không đáng. Để rồi giờ đây em sinh ra con mà không thể đem lại cho con một cuộc sống tốt đẹp. Thằng bé vừa mang tiếng con chửa hoang lại gánh trong mình bạo bệnh, không nỗi đau nào bằng”.
Suốt 3 năm nay, mong ước lớn nhất của người mẹ trẻ là được con trai cất tiếng gọi mẹ. Chứng kiến những đứa trẻ cùng tuổi con có thể vui chơi chạy nhảy, tíu tít nói cười, Thảo quặn lòng đau xót khi nhìn lại con mình.
Làm mẹ đơn thân khi còn quá trẻ, con trai lại mắc bệnh hiểm nghèo, Thảo già cỗi hơn nhiều so với tuổi 24. Trải qua quá nhiều bất hạnh, người mẹ trẻ bất lực vuốt ve mái tóc con, chỉ biết nói lời xin lỗi trong muộn màng, vô vọng.
* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.
Theo Phụ nữ sức khỏe
"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."