Lần theo manh mối 2 phụ nữ chở đứa bé trùm đầu trong vụ bé trai 6 tuổi ở Quảng Bình đã tìm thấy thi thể sau 4 ngày mất tích
Vừa ăn cơm trưa xong, lên lướt web thì đã đọc thấy ngay tin buồn này. Không tin nổi chuyện đang xảy ra các mẹ ạ!
Mới hôm kia thấy các báo, các web rần rần vụ bé Nô ở Quảng Bình (phường Quảng Long, TX.Ba Đồn, Quảng Bình) mất tích rồi nghi vấn hai người phụ nữ chở trên xe máy, vậy mà giờ đây… Nghe tin con mất tích dẫu thấy hoang mang nhưng vẫn còn chút hy vọng con còn lưu lạc đâu đó nhưng giờ thì tất cả đã khép lại thật rồi!!!
Chẳng thể ngờ nay lại tìm thấy thi thể con! Thương cho con quá! Không biết dùng từ ngữ nào hơn để diễn tả sự hụt hẫng và kinh hoàng trong lúc này.
Theo các báo đưa tin thì sáng 8.7, một người dân địa phương trong lúc thả lưới bắt cá trong một cái hồ nhỏ, cách nhà bé Nô khoảng 1,5km thì phát hiện thi thể của cháu.
Hiện tại cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra hiện trường và khám nghiệm tử thi trước khi đưa ra kết luận. Một số mẹ vì lo lắng cho những trường hợp tương tự đã đưa ra một vài suy luận ban đầu. Nhưng xét thấy có rất nhiều điểm mấu chốt trong vụ này:
– Thứ nhất: Lúc bé mất tích là tầm khoảng 5 giờ chiều, lại sắp tới giờ cơm tối nên không thể có khả năng bé tự mình ra hồ chơi để đuối nước. Nếu bé có gan đi chơi vào giờ đó thì hoặc chỉ quanh quẩn gần nhà, hoặc phải rủ thêm nhiều bạn. Huống chi, quanh hồ nước này khá vắng vẻ, có một số con đường ít người qua lại nên chắc chắn một đứa trẻ không thể tự mình đến đó và giờ chập tối như thế được.
– Thứ hai: Chỉ cần xét nghiệm thi thể bé, biết chính xác tử vong đã mấy tiếng là sẽ thấy được nhiều manh mối phi lý giữa khoảng thời gian mất tích và cách thức di chuyển ra hồ.
– Thứ ba: Vào khoảng thời gian bé mất tích, một số người dân ở đội 4, tổ dân phố Trường Sơn, cho hay vào khoảng thời gian trên có 2 người phụ nữ lạ mặt chạy xe máy hiệu Wave màu đỏ, chở theo một đứa bé trùm kín đầu.
– Thứ tư: Trong thời gian tìm cháu mất tích, có người đã chụp lại được hình ảnh hai phụ nữ chạy xe, trên xe có một cháu bé liên tục gào khóc, nhân dạng rất giống với bé 6 tuổi ở Quảng Bình mất tích.
Xâu chuỗi tất cả những điều này lại, có thể thấy rõ ràng rất nhiều ẩn khuất trong vụ này và khả năng cao nhất, theo ý kiến cá nhân em khả năng bắt cóc vẫn rất lớn các mẹ ạ (Tất nhiên, kết quả chính xác nhất vẫn là từ phía cơ quan chức năng nha các mẹ! ). Em thật không dám múa rìu qua mắt thợ làm thám tử này nọ kia đâu ạ. Chỉ dám viết và nói những gì theo suy luận của mình thôi, một ý kiến rất cá nhân khi mọi chuyện quá sức tưởng tượng và rợn người. Bản thân em cũng làm mẹ, cũng hay coi các tình huống dựng lại để cảnh giác với bọn bắt cóc. Nhưng mỗi lần đọc thấy mấy tin này thì tim lại đập, chân lại run. Lo lắng và bất an…
Chỉ là một người ngoài thôi mà tin dữ này đã như sét đánh thế rồi thì thử hỏi sao với bố mẹ cháu Nô, mọi chuyện có thể dễ dàng tiếp nhận được. Xin chia buồn cùng anh chị và gia đình trước mất mát quá lớn này, cũng cầu mong linh hồn con sớm được siêu thoát con nhé!
Trước nay, các vụ bắt cóc được đưa tin phần lớn đều mất tích, người nhà dù bặt tăm vẫn còn chút hy vọng con còn sống sót ở phương trời nào đó. Nhưng giờ, với vụ của bé Nô, Trần Trung Nghĩa lần này thì mọi sự đã khép lại thật rồi.
Chỉ mong cơ quan chức năng sẽ sớm tìm ra được chân tướng sự việc và bắt những kẻ ra tay tàn độc với con sẽ phải trả giá.
Riêng với các bố mẹ, thêm một lần nữa chuyện bắt cóc trẻ em lại trở thành vấn đề nóng hơn bao giờ hết. Mong sao các bố mẹ hãy cảnh giác và trông coi con mình cẩn trọng hơn nữa. Chị Th, mẹ bé Nô chỉ vào nấu cơm trong ít phút mà giờ đã xa con cả đời rồi! Nếu có thêm đứa trẻ nào nữa rơi vào tay bọn xấu thì sẽ còn rất nhiều nước mắt đau thương nữa nhỏ xuống.
Nhân đây, em xin trích lại cho các mẹ xem các nguyên tắc dạy con cảnh giác với bọn bắt cóc mà em tìm được trên baomoi. Các mẹ nhớ đọc để còn dạy con kỹ lưỡng nha:
15 QUY TẮC SỐNG CÒN CẦN DẠY CON ĐỂ TRÁNH BỊ BẮT CÓC
1. Tuyệt đối không được đi theo người lạ
Không leo lên xe, đi nhờ xe bất cứ ai trừ khi bố mẹ đã dặn trước là con phải làm thế. Ngoài ra, cần tránh xa những kẻ có dấu hiệu “bám đuôi” con, dù kẻ đó đang đi bộ hay đi xe máy/ô tô… Con không cần và không nên đến gần bất cứ chiếc xe lạ nào để nói chuyện với những người không quen biết.
2. Cảnh giác với những lời gạ gẫm, nhờ giúp đỡ
Dạy con biết rằng, chẳng có người lớn nào nhờ trẻ con giúp đỡ làm việc này việc kia. Nếu người ta có việc cần tìm người giúp đỡ, người ta sẽ hỏi những người lớn tuổi. Bất cứ người lạ nào nói với bé những câu như:
– Bố mẹ cháu đang gặp tai nạn, để cô/chú/bác/… đưa cháu đi đến chỗ bố/mẹ ngay.
– Cô là bạn của mẹ con, mẹ gửi cho con một món quà. Cô để nó ở xe, con đến lấy nhé.
– Có một bà cụ bị gãy tay, con đến phụ cô giúp bà lão đó nha.
– Có bạn muốn gặp con, bạn nhờ cô nhắn con ra ngoài đó.
– Con chó của chú đang bị lạc, con cùng đi tìm giúp chú nhé
…đều là đối tượng đáng nghi ngờ. Hãy dạy con đối đáp với người lạ: “Cháu không quen cô/chú. Mẹ/bố cháu ở kia, để cháu hỏi ý mẹ/bố đã”.
3. Những “người lạ an toàn”
Mẹ cần mô tả chi tiết cho con về những “người lạ an toàn” như cảnh sát giao thông , bảo vệ, nhân viên bán hàng trong siêu thị… những người bé có thể nhờ giúp đỡ khi bị lạc, có người theo dõi.
4. Tránh xa những người cố tình đưa bé đi đâu đó
Trong lúc này, bé cần hét lên thật to “Người này không phải bố/mẹ cháu” để người xung quanh có thể đến cứu.
5. Tạo thói quen “đi thưa về gửi”
Tạo cho con thói quen phải xin phép bố mẹ trước khi ra khỏi nhà và khi đến nhà một ai đó, tuyệt đối không tự tiện đi mà chưa thông báo với bố mẹ.
6. Không nhận quà từ người lạ
Dạy bé không được nhận thức ăn, thức uống, quà cáp từ người lạ ở bất cứ nơi đâu. Những thứ này thường chứa thuốc mê nhằm làm bé mất ý thức để dễ thực hiện hành vi bắt cóc.
7. Chuyện “bí mật” thường là chuyện mờ ám
Hãy dạy trẻ, nếu người ta bảo con không được nói cho ai biết một điều gì đó, con nên báo lại cho bố mẹ hoặc thầy cô giáo biết.
Dạy cho con biết việc một người yêu cầu con phải giữ một bí mật nào đó là điều không nên. Nếu người ta bảo con không được nói cho ai biết một điều gì đó, con nên báo lại cho bố mẹ hoặc thầy cô giáo biết. Ngoài ra, nếu có bất cứ người lạ nào muốn chụp một bức ảnh của con, con phải biết nói “Không” và nhanh chóng nói cho bố mẹ hoặc thầy cô biết.
8. Quyền riêng tư
Nhắc nhở con không ai được phép chạm vào “vùng kín” của con, và con cũng không được phép chạm vào “vùng kín” của bất cứ ai. Cơ thể của mỗi người là đặc biệt và riêng tư, bất khả xâm phạm.
9. Quyền được từ chối
Con có quyền được phép cương quyết và được phép nói “Không” với bất cứ ai, bao gồm cả người lớn, thậm chí cả với họ hàng và bạn bè khi những người đó cố gắng đưa con đi đâu đó, bất chấp ý muốn của con, khi họ cố tình chạm vào cơ thể con và khiến con cảm thấy khó chịu theo bất cứ cách nào.
10. Hãy hét thật to khi cần thiết
Hãy dạy con thực hành “hét”. Đó phải là tiếng hét thật to, vang và kéo dài để cho kẻ đang cố tình hại trẻ biết được, trẻ đang biết mình phải làm gì và trẻ không phải là một nạn nhân yếu đuối dễ đầu hàng. Tiếng hét cũng sẽ giúp trẻ tìm kiếm sự trợ giúp của những người khác và tiếp thêm sức mạnh cho trẻ, giúp trẻ lấy thêm hơi và có đủ can đảm chạy trốn.
11. Thường xuyên nói chuyện và chia sẻ với con những chuyện hàng ngày
Từ những câu chuyện này, bố mẹ phân tích cho trẻ biết đâu là câu chuyện an toàn, tốt cho trẻ, đâu là những tình huống có thể khiến trẻ bị đau, gặp nguy hiểm,…
12. Cùng con xem những phóng sự về bắt cóc trẻ em
Có nhiều clip mô phỏng các tình huống thiếu an toàn với trẻ khi không ở gần bố mẹ, chúng ta có thể cùng xem với con và khơi gợi và giải đáp những thắc mắc của trẻ để trẻ dần hình thành ý thức phòng vệ trong những tình huống tương tự nếu gặp phải.
13. Dạy trẻ thuộc lòng số điện thoại của bố/mẹ hoặc người thân nhất
Để phòng trường hợp trẻ bị lạc, hãy dạy cho trẻ học thuộc lòng số điện thoại của cha mẹ, anh chị, ông bà để khi bị lạc thì biết cách cung cấp cho những người muốn giúp đỡ.
14. Luôn theo sát con khi đến nơi đông người
Người lớn hãy luôn theo sát trẻ, tránh lơ là ở chỗ đông người dù chỉ là 1 phút giây vì trẻ con vốn dễ bị thu hút bởi những yếu tố khác, dễ bị tuột khỏi tầm tay cha mẹ. Rất nhiều trường hợp cha mẹ lạc con là do cha mẹ mải mê mua sắm, trò chuyện.
15. Xử lí khi bé bị tấn công
Nếu tên cướp dùng dao hay vũ khí khác để khống chế, đòi tài sản, bé hãy làm theo yêu cầu. Điều quan trọng lúc này là bảo đảm an toàn tính mạng, việc kêu cứu hoặc giằng co có thể khiến tên cướp ra tay làm hại đến tính mạng bé. Hãy cố gắng quan sát để tìm ra đặc điểm nhận dạng của tên cướp như màu da, cao hay thấp, gầy hay béo… hoặc nhớ biển số xe để báo công an sau này.
Nếu thấy tên cướp không có hung khí, lại có người gần đó, bé hãy chạy đến nhà xung quanh nhờ người lớn ở gần đó giúp và hô hét: “Cướp, cướp”, không la hét chung chung như “cứu, cứu với” khiến người đi đường nghĩ trẻ đang đùa giỡn.
"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."