Tâm sự buồn của nữ giáo viên ly hôn “không con cái, không tài sản” khiến dân mạng rớt nước mắt
Hôn nhân tan vỡ, chị chấp nhận ly hôn, ra đi với hai bàn tay trắng. Trước khi ra tòa, chị đã quỳ xuống xin chồng và mẹ chồng để mình được nuôi con. Nhưng đáp lại, chồng chị lại nói rất hằn học rằng: “Mày đừng mơ, đừng hòng!”…
“Chồng chúa vợ tôi”
Thời gian gần đây, nhiều trang mạng xã hội liên tục lan truyền câu chuyện về một nữ giáo viên ở Bắc Giang bị gia đình chồng bạc đãi, ép ly hôn và ra đi với hai bàn tay trắng: Không tài sản, không con cái. Nữ giáo viên này sau đó đã lên trang cá nhân chia sẻ về cuộc sống tủi cực khi về làm dâu nhà chồng.
Trên trang Facebook cá nhân, cô giáo V. A tâm sự: “… Hạnh phúc thật ngắn ngủi khi gia đình xảy ra bao sóng gió. Nhiều lúc mẹ thèm có thêm bố chồng để bà nội con bớt buồn, bớt cô đơn và bố mẹ được tự chủ hơn…
Khi những vặt vãnh trong gia đình không thể chia sẻ cùng ai, mẹ lầm lì, chai sạn cảm xúc đi. Mẹ cũng không biết làm gì để được bà nội thương, được bố yêu và lấy lòng gia đình nhà chồng… Mẹ chăm chỉ vậy bà nội vẫn không hài lòng. Mẹ tự trách mình, rồi lại tiếp tục cố gắng”.
Dòng trạng thái: “Không có con, em không sống nổi” của chị đã khiến không ít người rơi lệ, xót xa. Ngay sau đó, hàng ngàn người đã share (chia sẻ) và kêu gọi cộng đồng hãy chung tay lên tiếng để nữ giáo viên này có thể giành được quyền nuôi con.
Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, chúng tôi đã liên hệ với chị Đ.T.V.A. (SN 1985), hiện đang là giáo viên Trường THCS Đ.T, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang – người phụ nữ trong câu chuyện nói trên. Chia sẻ với chúng tôi, chị V.A. bật khóc nức nở.
Chị bảo, phải mang những chuyện trong nhà ra để đấu tố nhau là điều chị không hề muốn, nhưng hiện giờ chị chẳng biết làm thế nào. Chị chỉ còn cách nhờ đến báo chí, mạng xã hội lên tiếng, để phiên tòa phúc thẩm sắp tới, tòa án sẽ đưa ra phán quyết công minh hơn.
Vợ chồng chị mới ra tòa ly hôn, nhưng tại phiên sơ thẩm ngày 8/5 vừa qua, TAND huyện Hiệp Hòa đã xử cho chồng chị được quyền nuôi con. “Đứa con là điều duy nhất khiến tôi sống được đến lúc này. Tôi không cần bất cứ thứ gì từ căn nhà ấy. Tôi hoàn toàn có khả năng nuôi dạy con tốt, trong khi đó, chồng tôi thường xuyên đi tối ngày, vậy không hiểu sao tòa án lại đưa ra phán xử như vậy”, chị V.A. sụt sùi nói.
Người phụ nữ này còn cho biết, thời gian gần đây chị còn bị phía gia đình chồng đe dọa. Chồng cũ đã đến nhà bố mẹ chị uy hiếp rằng, nếu tiếp tục đưa mọi chuyện lên báo chí, mạng xã hội thì sau này việc gặp gỡ, đưa đón con của chị sẽ càng khó khăn hơn.
Đặc biệt, “nếu tiếp tục bôi nhọ gia đình” thì anh ta sẽ làm mọi cách để chị “phải ăn cơm tù”.
Chị V.A chia sẻ, năm 2010, chị kết hôn với N.N.M (SN 1981, cán bộ chi nhánh ngân hàng A., huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Năm 2011, chị sinh bé trai N.N.D. Những ngày hạnh phúc trong tổ ấm đó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Về làm dâu, nhưng chị V.A không có bất cứ tiếng nói nào trong gia đình. Mọi việc đều do mẹ chồng chị quyết định.
“Mẹ chồng tôi rất gia trưởng. Bà thương cháu và con trai nhưng rất coi thường con dâu, hay xúc phạm đến nhân phẩm tôi. Bà thường để ý những chuyện vặt, gần như ngày nào cũng bắt bẻ, ca thán về tôi. Bà quyết định mọi việc trong gia đình, từ chăm con ra sao, dạy con thế nào, con tôi ốm khi nào bà cho đi viện mới được đi.
Mua đất, mua ruộng, làm nhà… tất cả mọi thứ đều đứng tên mẹ chồng tôi. M. mang tiếng là cán bộ ngân hàng nhưng từ ngày cưới đến nay, tôi gần như không biết một đồng tiền của chồng là gì. Tôi phải tự xoay xở dạy học, làm thêm, buôn bán trên mạng để trang trải cuộc sống. Vậy mà họ vẫn coi tôi như kẻ ăn bám…”, V.A nói.
Không chỉ mẹ chồng, mà M. cũng luôn sống theo kiểu “chồng chúa vợ tôi”. Làm bất cứ việc gì, chị V.A cũng phải “xin phép” chồng. Đặc biệt, anh ta còn rất lạnh nhạt, vũ phu. Lúc chị mang bầu cháu D., M. gần như không đoái hoài gì, đi sớm về khuya, mặc vợ quay cuồng với công việc.
Chị kể: “Một lần tôi đang chấm bài cho các em học sinh thì M. giục đi nấu cơm. Tôi mới nói với anh ấy là “để em làm nốt, chỉ còn mấy bài nữa là xong”. Vậy mà anh ta điên tiết lao vào tôi đấm đá túi bụi. Tôi sức yếu chỉ còn biết co rúm người chịu đòn. Cũng đôi lần anh ta dùng gậy đánh, nhưng may mắn tôi chạy thoát được. Tôi đã bỏ về nhà ngoại lánh rất nhiều lần”, cô giáo V. A nhớ lại.
Là giáo viên, vì muốn bổ sung thêm kiến thức nên có lần chị đã đăng ký đi học thêm. Tuy nhiên, khi bày tỏ mong muốn của mình, M. gạt phắt đi và cấm chị đi học. Thấy chồng cấm đoán vô lý, chị vẫn sắp xếp mọi việc để tranh thủ học thêm. Lần đó, gia đình chị đã căng thẳng hàng tháng trời.
Năm 2014, chị bị chồng đấm đá khiến cơ thể sưng húp, tím tái phải vào viện cấp cứu. Sau trận đòn đó, bố mẹ V.A đã bắt chị phải ly dị. Nhưng vì thương con, chị lại nhẫn nhịn quay lại. “Chỉ cần mẹ nói tôi hỗn láo là M. sẵn sàng lao vào đánh đập mà không cần nghe giải thích.
Thật ra nhiều lần tôi góp ý với bà về cách chăm cháu, hoặc khi không hài lòng với mẹ về cách chiều cháu thái quá là bà lại lu loa rằng, tôi không tôn trọng bà. Đi làm về, M. chỉ quanh quẩn trò chuyện với mẹ và coi tôi như không tồn tại trong gia đình”, chị V.A tâm sự.
“Lúc nào con trai lấy vợ, tôi sẽ trả cháu…”
Vì hôn nhân không thể níu kéo, vợ chồng chị làm đơn ra tòa ly dị. Chị kể, trước ngày ra tòa, chị đã quỳ xuống xin chồng và mẹ chồng cho chị được nuôi con. Nhưng chồng chị lại nhìn chị đầy mỉa mai rồi nói rất hằn học: “Mày đừng mơ, đừng hòng!”.
Tại phiên tòa sơ thẩm, chồng và mẹ chồng chị liên tục nói rằng, chị là con dâu không biết điều, không quan tâm chăm sóc tới con cái. Cuối cùng tòa tuyên M. được quyền nuôi con vì cho rằng chị V. A “không có điều kiện kinh tế và ít dành thời gian gần gũi, chăm sóc con”.
“Tôi là một giáo viên có mức lương khá, có một căn nhà riêng được bố mẹ tôi cho. Tôi cũng có thời gian, sự hiểu biết để nuôi dạy con tốt. Vậy không hiểu sao, tòa án lại tước quyền nuôi con của tôi?”, chị V.A bức xúc nói.
Nữ giáo viên buồn bã chia sẻ thêm, nhiều ngày nay, cứ đến buổi trưa chị lại tranh thủ đến trường mầm non thăm con trai trong chốc lát. Mỗi lần thấy chị, bé D. lại quấn quýt mẹ không rời.
“Thực tế, cháu D. rất yêu tôi, chứ không như những lời mẹ chồng tôi nói tại tòa. Có hôm cháu nhớ mẹ quá đã lấy trộm điện thoại của bố gọi cho tôi. Lúc gọi, cháu chỉ dám nói nhỏ rằng “con nhớ mẹ quá”, rồi cháu hỏi: “Sao mẹ không về đây ở với con?”. Nghe con nói mà tôi không cầm được nước mắt”, chị V.A kể.
Chúng tôi đã liên hệ với anh M. (chồng chị V.A) để tìm hiểu sự việc. Anh M. cho rằng, chính vì chị V.A làm việc gì cũng không hỏi ý kiến gia đình như việc tự ý kinh doanh mỹ phẩm trên mạng, rồi mang tủ vào nhà kê đựng đồ hay tự ý đi học thêm…
Đặc biệt, việc mẹ chồng “chưa nói hết lời chị đã cãi xong” khiến anh nhiều lần nóng tính, không kiềm chế được bản thân.
Ngồi cạnh con trai, bà T. (mẹ M.) sụt sùi cho rằng, con dâu bà ngang ngạnh, không chịu chăm sóc con và làm việc gì cũng không hỏi ý kiến chồng. Chính vì thế trong nhà lúc nào cũng căng thẳng.
Khi được hỏi về chuyện nuôi dưỡng cháu D., bà T. nói rằng: “Giờ tôi chỉ có mỗi thằng cháu nội này. Tôi không nỡ xa nó. Hơn nữa, điều kiện gia đình tôi đầy đủ, sạch sẽ hơn nhà chị V.A. Vì thế, tôi mới giành nuôi D. Chỉ một, hai năm nữa, thằng M. lấy vợ thì tôi sẽ trả cháu”.
Là người chứng kiến không ít mâu thuẫn trong gia đình chị V.A, ông Ngô Quý H., (Giám đốc chi nhánh ngân hàng nơi anh M. đang công tác) cho biết: “Vợ chồng M. mâu thuẫn từ nhiều năm nay. M. là người hiền lành nhưng không có chính kiến.
Lúc nào cũng phụ thuộc và nghe lời mẹ. Tôi từng góp ý nhiều lần với M. nhưng cậu ấy chỉ ậm ừ. Chuyện tranh giành con lần này, bản thân M. cũng không muốn nhưng lại bị chi phối bởi mẹ nên sự việc mới thành ra thế này.
Việc tranh giành quyền nuôi con, tôi nghĩ đôi bên gia đình nên ngồi lại với nhau, đừng để chuyện nhỏ xé thành chuyện lớn, ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ…”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Ngô Xuân C. – giáo viên trường THCS Đ.T cho biết:“Tôi là đồng nghiệp của V.A. Cô ấy là một giáo viên có năng lực ở trường. Tôi biết rất nhiều lần cô ấy bị chồng đánh đập phải bỏ về nhà mẹ đẻ.
Thời gian gần đây, sau khi giảng dạy, cô ấy lại vội vàng chạy về trường để nhìn con trong chốc lát. Nhìn mẹ con cô ấy âu yếm, bịn rịn, ai nấy cũng xót xa…”.
"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."