Bình Định: Trốn nghĩa vụ vì không nỡ… xa người yêu, lãnh 6 tháng tù
Giải thích về lý do nhiều lần trốn tránh nghĩa vụ quân sự, bị cáo Đại nói rằng vì không nỡ xa người mình yêu nên mới có hành động như vậy?!
Trưa 15-8, kết thúc phiên tòa xét xử lưu động mở tại Hội trường UBND xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, HĐXX sơ thẩm TAND huyện Tuy Phước đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đại (21 tuổi, ngụ địa phương) 6 tháng tù về tội “Trốn tránh nghĩa vụ quân sự”.
Theo cáo trạng, ngày 7-8-2015, Đại bị Chủ tịch UBND xã Phước Thuận xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự đợt 2 năm 2015 với số tiền 1 triệu đồng. Sau đó, ngày 23-2-2016, mặc dù đã khám trúng tuyển và đủ điều kiện lên đường nhập ngũ.
Nhưng Đại lại không chấp hành đi nghĩa vụ quân sự nên tiếp tục bị Chủ tịch UBND xã Phước Thuận ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 2 triệu đồng. Đến ngày 13-2-2017, một lần nữa Đại lại không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ nên đã bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Phước khởi tố về hành vi này.
Trao đổi với phóng viên tại phiên tòa về lý do nhiều lần trốn tránh nghĩa vụ quân sự, Đại nói rằng vì không nỡ xa người yêu nên mới có những hành động như vậy.
Các mức phạt nếu không thực hiện nghĩa vụ quân sự
Theo quy định tại Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016), nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này.
Về độ tuổi đăng ký nghĩa vụ quân sự: công dân nam đủ 17 tuổi trở lên, công dân nữ quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này đủ 18 tuổi trở lên phải đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định (trừ đối tượng không được đăng ký hoặc được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự).
Về độ tuổi gọi nhập ngũ: Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Công dân không thi hành nghĩa vụ quân sự thì tùy theo mức độ mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
Theo quy định tại các Điều 4, 5, 6 và 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu thì hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự bị phạt cảnh cáo. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp được áp dụng hình thức cảnh cáo.
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung sơ tuyển ghi trong giấy gọi sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định.
Theo quy định tại Điều 259 Bộ luật Hình sự về tội Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của mình; phạm tội trong thời chiến; lôi kéo người khác phạm tội – Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An, Hà Nội)
Trường hợp nào được miễn nghĩa vụ quân sự?
Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư Hà Nội) tư vấn cho độc giả Nguyễn Toại (Hà Nội) như sau:
Theo quy định tại Điều 14 của Luật nghĩa vụ quân sự 2015 có hiệu lực ngày 1/1/2016 thì người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Còn theo quy định tại Khoản 2, Điều 41, những đối tượng sau được miễn gọi nhập ngũ:
a) Con của liệt sĩ, thương binh hạng một.
b) Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ.
c) Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.
d) Người làm công tác cơ yếu không phải quân nhân, công an nhân dân.
đ) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.
Cũng theo quy định tại Khoản 1, của điều này, những trường hợp sau được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự:
a) Công dân chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe.
b) Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.
c) Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.
d) Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân.
đ) Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định.
e) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
g) Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.
Muốn tạm hoãn nhập ngũ, bạn phải thực hiện công việc sau: Chờ kết luận của Hội đồng khám sức khỏe, các giấy tờ cần thiết chứng minh bản thân thuộc diện tạm hoãn nhập ngũ… kèm đơn xin tạm hoãn gọi nhập ngũ tới cơ quan có thẩm quyền xem xét (Chủ tịch UBND cấp huyện).
Nếu là học sinh, sinh viên, bạn cần xin xác nhận tại trường, sau đó nộp cùng đơn xin tạm hoãn nhập ngũ tại cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, bạn phải tuân thủ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 17, đó là làm thủ tục chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự đến cơ sở giáo dục. Sau khi thôi học phải làm thủ tục chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự về nơi cư trú hoặc nơi làm việc mới.
Người đứng đầu cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức cho công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự và chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Theo KSC
"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."