Chỉ vì vô sinh, người phụ nữ này từng nuốt nước mắt đau đớn nhường chồng cho người khác

Lấy chồng được gần 3 năm, mong mỏi có một mụn con không thành hiện thực, biết mình vô sinh, cụ Giá nuốt nước mắt, chấp nhận li hôn để chồng đi tìm hạnh phúc mới. Cụ sống cô đơn như vậy đến cuối cuộc đời.

Hôn nhân ngắn ngủi vì vô sinh

Ngôi nhà 2 gian, thấp lè tè, xập xệ, trống trước hở sau của cụ Nguyễn Thị Giá (82 tuổi, xóm Vĩnh Thành, làng Hồ Tây, xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) chẳng có gì giá trị ngoài chiếc giường cũ, bộ bàn ghế cũ, đồ đạc bừa bãi.

Cả cuộc đời cụ Giá sống trong cô đơn

Ngồi trên chiếc ghế là một bà cụ già nua, mái tóc bạc trắng. Đôi mắt mờ đục của cụ đang cố gắng xúc cơm ăn. Vừa ăn, cụ Giá vừa cho biết đã hai năm nay, khi đôi mắt mờ hẳn, cụ không thể tự nấu nổi cho mình bữa cơm ăn, nước uống.

Hàng xóm láng giềng thương tình, cứ đến buổi, họ thay nhau đưa cho cụ bát cơm. Nhà nào có giỗ chạp, ma chay đều nhớ để phần cho cụ. Nước thì cụ chịu khó đi xin nhà hàng xóm mang về uống dần.

Cụ Giá là người làng bên, cha mẹ sớm qua đời. Cụ cùng người em gái đi ở đợ cho nhà người. Ngày cụ lấy chồng, ai cũng mừng vì nghĩ từ đây cuộc đời của cụ sẽ thay đổi vì có người nương tựa tấm thân, có được mái ấm gia đình theo đúng nghĩa.

Thế nhưng, cưới nhau gần 3 năm, mong mỏi mụn con cho vui cửa vui nhà không thành hiện thực, biết mình không thể có con, cụ Giá đành nuốt nước mắt chấp nhận li hôn để chồng đi tìm hạnh phúc mới.

Căn nhà cụ Giá xuống cấp trầm trọng

Sau li hôn, người chồng để lại căn nhà tranh vách đất cho cụ Giá, qua làng bên lấy vợ, sinh 4 đứa con. Cũng từ đó, cụ Giá sống thui thủi một mình cho đến bây giờ.

Ngày trước, khi còn sức khỏe, cụ Giá quần quật làm việc suốt ngày, ai thuê cuốc đất, gặt hái cụ đều nhận làm. Nghĩ cụ côi cút, nhiều người khuyên cụ nên tìm một đứa trẻ về nuôi cho vui cửa vui nhà, sau này già yếu còn có người nương tựa. Cụ Giá cũng từng nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi trong làng. Thế nhưng, khi thằng bé 17 tuổi nó đi vào miền Nam tìm mẹ, không về với cụ nữa”, ông Nguyễn Thọ Tộ (hàng xóm) chia sẻ.

Cả cuộc đời sống trong cô đơn

20 năm trước, tích góp được một ít tiền, hàng xóm góp công, góp của xây lên căn nhà hai gian kiến cố cho cụ ở. Thế nhưng, theo thời gian, ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng, vách nứt nẻ, mái không còn, phải che bằn bạt.

Chỉ cần một trận bão nhỏ là nhà có thể sập xuống lúc nào không hay. Không có tiền sửa sang, cụ đành thoái thác cho số phận. Cứ mỗi lần mưa to, gió lớn, cụ lại chống gậy sang nhà hàng xóm ở nhờ.

Hai năm nay, việc ăn uống của cụ Giá trông chờ vào hàng xóm láng giềng

10 năm trước, sức khỏe yếu dần, mắt mờ, chân chậm, không thể ra đồng làm việc như trước, cụ Giá đành ở nhà trồng luống rau, nuôi đàn gà mang ra chợ bán, lấy tiền đong gạo, mua thức ăn. Những đồng tiền ky cóp suốt cả đời cụ cũng vì vậy mà cạn dần.

Giờ đây, cuộc sống của cụ Giá trông chờ hoàn toàn vào số tiền hơn 600K của nhà nước hỗ trợ cho người già cô đơn hàng tháng nhận được. Hai năm nay, đôi mắt cụ mờ dần không thấy đường, nhiều lần nấu cơm làm cháy nhà, nhiều người khuyên cụ không nê nấu nướng.Cứ đến bữa ai cho gì cụ ăn nấy, không cho thì cụ nhịn.

Rất may là có người con dâu riêng của chồng cũ của cụ Giá ở gần nhà tốt bụng, thường xuyên qua lại ngóng trông, mang cơm sang cho cụ.

Dù nghèo khó, cô đơn nhưng cụ được tiếng hiền lành, sống thơm thảo nên được nhiều người quý mến. Tuổi như cụ đáng ra đang an hưởng tuổi già, con cháu vui vầy, chăm sóc. Đằng này, cụ một thân một mình, sống chết lúc nào không hay.

Căn nhà của cụ Giá

“Người ta nghèo khổ còn có con, có cháu. Đằng này, tôi nghèo đến mức chẳng có một người thân nào bên cạnh. Giờ tôi đang lo, mai mốt chết không có tiền mua quan tài nhờ bà con hàng xóm chôn cất ở đâu đây”, cụ Giá thở dài

Trao đổi với PV Emdep.vn, ông Nguyễn Hữu Hường (xóm trưởng xóm Vĩnh Thành) cho biết, cụ Giá có hoàn cảnh rất bất hạnh, già yếu, sống cô đơn, không nơi nương tựa. Rất may có sự quan tâm, chăm sóc của bà con lối xóm. Hàng ngày, họ mang cơm, nước đến giúp cụ.

Theo Em đẹp

"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."