Lái xe đâm người sợ bồi thường, đợi chết mới báo động, khi biết thân phận nạn nhân, anh chợt ngất xỉu

Nạn nhân là một người đi xe máy. Khi anh Vương lái xe ô tô đến chỗ rẽ, đột nhiên một chiếc xe máy lao tới trước mặt anh.

“Chết tiệt!”, anh Vương lẩm bẩm một câu. Do cả hai đều đi với tốc độ cao, không kịp né tránh, chỉ nghe thấy xe máy phát ra âm thanh chói tai. Anh Vương sợ hãi đạp phanh một cách vô thức, hai mắt nhắm lại, để xe tùy ý lao về phía trước.

Một tiếng nổ mạnh, cửa kính ô tô vỡ kèm theo một tiếng thét thê lương, nghe có vẻ quen thuộc.

Ngay lập tức, tâm trí anh Vương trống rỗng, cũng may anh chỉ bị thương một chút do mảnh vụn kính vỡ bắn vào mặt, ngoài ra không có tổn thương gì. Lấy lại bình tĩnh, anh mở cửa xe chạy đến xem người đi xe máy bị đâm trước mặt.

Bên ngoài trời tối như mực khiến anh không nhìn rõ, anh liền rút điện thoại ra. Thông qua ánh sáng mập mờ của điện thoại anh nhìn thấy một người đang nằm sấp trên đường, trên mặt dính đầy máu và mảnh vỡ thủy tinh, một vài vết thương lớn không ngừng chảy máu, trông rất đáng sợ, đã không còn nhìn thấy khuôn mặt vốn có của nạn nhân.

Ảnh minh họa

Đôi mắt vô thần của người đi xe máy nhìn anh Vương, cố gắng duỗi tay ra, dường như miệng lẩm bẩm: “Cứu tôi”. Anh Vương rùng mình một cái, thở hổn hển một hơi: “Không xong, đại họa đến rồi”. Không ngờ gần về đến nhà rồi còn gặp chuyện không may, anh Vương nghiến răng tức giận. Người bị đâm rất thê thảm, phải xử lý sao đây? Cứu sống được không? Có thể tàn phế hay không? Phải mất bao nhiêu tiền? Phải chịu bao nhiêu trách nhiệm?

Những suy nghĩ đó liên tục xuất hiện trong đầu anh Vương. Xe chạy quá nhanh, người bị đâm lại bị thương hết sức nghiêm trọng, với tư cách là một người lái xe anh tự biết mình sẽ phải chịu trách nhiệm gì. “Chết tiệt, đâm chết có khi lại tốt hơn, xong hết mọi chuyện”, đột nhiên trong đầu anh có suy nghĩ như vậy. Đâm chết người tối đa cũng chỉ bồi thường một khoản tiền lớn nhưng nếu tàn phế thì giống như hố không đáy, chi phí y tế, tiền bồi thường, tiền phục hồi chức năng, v.v…, cộng lại là một con số thiên văn. “Lại đâm hắn một lần nữa?” Suy nghĩ khủng khiếp này thoáng hiện trong đầu nhưng anh không dám. Đâm một lần là tai nạn giao thông, đâm lần nữa là cố ý mưu sát, lợi hại trong đó anh cũng biết.

Phải làm thế nào? Báo động? Anh Vương rút điện thoại ra, định gọi báo động. “Nhưng khi gọi xong, cảnh sát và bác sĩ sẽ đến, mình không thể tránh khỏi bị khống chế, tiền bồi thường rất lớn, có lẽ bán chiếc xe này đi cũng không đủ”. Vừa nghĩ tới cuộc sống vất vả sau này và chi phí chữa bệnh dây dưa không ngừng, anh Vương liền sởn gai ốc.

Có nên gọi điện thoại báo động hay không? Anh Vương lâm vào tình thế khó xử, cảm thấy mình mang điện thoại thật là phiền phức, không có nó chẳng phải tốt hơn sao? Ở đây không có người, không có cửa hàng, chạy đến bốt điện thoại trong làng báo động xong thì hắn có lẽ đã chết vì mất quá nhiều máu, như thế sau này mình không phải lo lắng gì nữa đúng không?

Nghĩ đến đây, trong đầu anh Vương lóe lên ý nghĩ: “Điện thoại hết pin chẳng phải cũng giống như không có điện thoại sao? Thật là ngu ngốc!”. Anh Vương run rẩy mở nhạc trên điện thoại, tiếng nhạc lúc thì êm tai, lúc thì cao vút, trầm bổng, cộng với tiếng rên rỉ của nạn nhân. Trong bóng đêm tấu lên một khúc nhạc ai oán chết chóc. Khi bật đến bài hát thứ hai, nhờ ánh sáng của điện thoại, anh Vương nhìn thấy nạn nhân rủ người xuống, không còn giãy dụa nữa.

Anh đưa tay lên mũi nạn nhân thấy hắn đã ngừng thở. Lúc này, pin điện thoại cũng hết, chung quang bổng trở nên đen kịt, anh Vương hoảng sợ lập tức thu tay về thét lên: “Mẹ ơi! Khiếp sợ quá”. Người đã chết, điện thoại không còn pin, anh Vương hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh rồi chạy vào trong thôn. Sau khoảng nửa giờ, anh đã chạy đến cửa thôn, gọi xong điện thoại báo động, lại nhanh chóng chạy vài bước nữa đến nhà mình. Vợ anh đang đứng ở cửa nhìn ra ngoài, vẻ mặt lo lắng.

Nhìn thấy chồng hấp tấp chạy về nhà, vợ anh Vương mắng: “Anh đi đâu bây giờ mới về? Sắp sang năm mới rồi còn không mau về nhà, cơm canh đều đã nguội lạnh hết rồi.”. Anh Vương lo lắng xua tay nói: “Đi đi, đã xảy ra chuyện rồi, tôi lo lắng lắm, hai mẹ con ăn cơm trước đi, tôi phải đi ngay, xong việc mới trở về.”

“Đã xảy ra chuyện gì? Con tôi đâu?” Vợ anh nóng nảy: “Sao chỉ có một mình anh trở về? Con đâu rồi?”

“Con ư? Con đi đâu rồi hả?” Trong đầu anh Vương bỗng thấy có điềm chẳng lành, nắm lấy quần áo của vợ.

“Con thấy anh muộn như thế chưa về, sợ anh gặp chuyện không may nên tìm bạn mượn xe máy để đi đón anh, trên đường anh không gặp nó sao?”

“Aaaa…”, anh Vương kêu to một tiếng, dậm chân nói: “Ôi! Con tôi”, mặt tối sầm lại, đột nhiên ngã xuống đất.

Người ta thường nói: “Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp”. Nếu như khi xảy ra tai nạn, anh Vương nhanh chóng tìm cách cứu sống nạn nhân thì sự việc không diễn ra bi thương như vậy. Nhưng hiện nay, nhiều người sống chỉ vì lợi ích bản thân mà không có suy nghĩ cho người khác, thậm chí sẵn sàng làm việc ác. Đất trời có quy luật nhân quả, người hành ác sớm muộn có báo ứng, không đến với bạn thì sẽ là người trong gia đình, thế hệ sau… Giúp người chính là giúp mình, làm việc thiện ắt được phúc báo. Ai ai cũng có suy nghĩ như vậy, chẳng phải xã hội sẽ tốt đẹp hơn sao?

Nguồn:ĐKN

"Xin lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau, và nên được coi là một nguồn tài liệu tham khảo chính xác."